CPTPP và Hoạt động XDPL: Hàm ý chính sách đối với công tác rà soát pháp luật trước khi phê chuẩn

17/11/2021    29

Rà soát tác động của cam kết FTA đối với hệ thống pháp luật Việt Nam là quá trình đánh giá, nhận diện các trường hợp quy định pháp luật chưa tương thích với các cam kết FTA.

Đối với các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, suy đoán là có nhiều nội dung khác biệt, mâu thuẫn với quy định pháp luật nội địa, rà soát đánh giá tính tương thích của pháp luật nội địa với cam kết là hoạt động đặc biệt quan trọng từ góc độ pháp lý. Một mặt, đây là công việc Chính phủ phải thực hiện để phục vụ cho công tác xây dựng Hồ sơ trình Quốc hội phê chuẩn FTA liên quan. Mặt khác, kết quả từ hoạt động rà soát này cũng là căn cứ cơ bản để Chính phủ và các cơ quan liên quan chuẩn bị các kế hoạch thực thi FTA ở khía cạnh xây dựng pháp luật, thể chế.

Do đó, mặc dù không được xác định là một phần của “hoạt động XDPL thực thi cam kết” nhưng công tác rà soát tính tương thích lại là khía cạnh đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả của các hoạt động XDPL thực thi cam kết sau này.

Thực tiễn việc rà soát chuẩn bị phê chuẩn CPTPP cho thấy công tác này cần được thực hiện bao trùm, sâu sát và hiệu quả hơn để các Kế hoạch XDPL đầy đủ và chính xác hơn, qua đó giúp việc triển khai các hoạt động XDPL thuận lợi và nhanh chóng hơn.

Từ thực tế này, để hoạt động XDPL thực thi CPTPP (trong các đợt tiếp theo) và các FTA thế hệ mới khác đạt hiệu quả, công tác rà soát tính tương thích, đánh giá các tác động và dự kiến kế hoạch “nội luật hóa” nhằm bảo đảm tương thích của pháp luật nội địa với các cam kết này cần đặc biệt chú ý các vấn đề sau:

  • Việc lên kế hoạch và triển khai rà soát cần phải được thực hiện hiệu quả hơn, với cách tiếp cận toàn diện và liên ngành, đặc biệt là các trường hợp liên quan cùng lúc nhiều lĩnh vực (ví dụ chế định về bảo hộ đầu tư có thể liên quan tới các quy định pháp luật về đầu tư, bồi thường Nhà nước, tài chính ngân hàng, tư pháp…);
  • Vai trò thẩm định kết quả rà soát, kết nối và bao quát các lĩnh vực trong trường hợp có liên quan tới nhiều chế định pháp luật khác nhau của Bộ Tư pháp cần được nhấn mạnh hơn, với sự tham gia sâu hơn của cơ quan này vào quá trình rà soát của các bộ ngành chủ trì từng chế định;
  • Quá trình rà soát phải được thực hiện minh bạch, với thông tin rõ ràng và kịp thời về các kết quả rà soát từng thời điểm, đồng thời chú trọng việc tham vấn cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng chịu ảnh hưởng từ với các dự thảo kết quả rà soát và giải pháp thể chế dự kiến.

Ở khía cạnh này, sự chủ động tham gia của các doanh nghiệp mà đặc biệt là các tổ chức đại diện doanh nghiệp (hiệp hội doanh nghiệp, VCCI) cũng là điều cần chú ý. Hiệu quả của tham vấn phải xuất phát ở cả hai chiều: cơ quan tham vấn và đối tượng được tham vấn.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập