CPTPP và Hoạt động XDPL: Kế hoạch xây dựng pháp luật thực thi CPTPP của Việt Nam

17/11/2021    27

Rà soát cho thấy liên quan tới việc xác định các hoạt động XDPL thực thi CPTPP, có ít nhất là 03 nhóm kế hoạch sau đây:

  • Dự kiến các hoạt động XDPL thực thi CPTPP của Quốc hội: Kế hoạch này được nêu tại Phụ lục 3 Nghị quyết 72/2018/NQ-QH14 của Quốc hội, chỉ bao gồm các hoạt động XDPL liên quan tới văn bản luật (thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội);
  • Kế hoạch xây dựng pháp luật thực thi CPTPP của Chính phủ: Nêu tại Phụ lục Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP ban hành kèm theo Quyết định 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ, liệt kê tất cả các văn bản cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung;
  • Các kế hoạch xây dựng pháp luật thực thi CPTPP của các Bộ ngành: Các kế hoạch này được nêu tại các Quyết định ban hành kế hoạch thực hiện CPTPP của từng Bộ ngành, trong đó liệt kê các hoạt động XDPL liên quan tới các văn bản pháp luật mà Bộ chịu trách nhiệm soạn thảo và/hoặc ban hành (có thể là luật, nghị định, thông tư).

Về nội dung, các kế hoạch này có nhiều khía cạnh trùng lặp nhau, do một văn bản có thể xuất hiện trong nhiều kế hoạch, của cả cơ quan soạn thảo và cơ quan có thẩm quyền ban hành. Tuy nhiên, đáng chú ý là có nhiều điểm khác biệt trong kế hoạch thực hiện CPTPP của Chính phủ với kế hoạch của các Bộ ngành về cùng vấn đề liên quan, ví dụ:

  • Các kế hoạch có thể dự kiến không giống nhau về hình thức văn bản, phạm vi điều chỉnh, thời hạn ban hành;
  • Một số trường hợp văn bản không có trong kế hoạch của Chính phủ nhưng lại có trong kế hoạch của các Bộ ngành liên quan và ngược lại.

Về thời gian triển khai, các hoạt động XDPL thực thi CPTPP cơ bản được chia làm 02 đợt. Đợt đầu gồm các hoạt động XDPL nhằm thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay (từ 14/1/2019). Đợt thứ hai bao gồm các hoạt động XDPL nhằm thực thi các cam kết CPTPP có lộ trình thực thi sau 03-05 năm (từ 2022-2024).

Tổng hợp các kế hoạch xây dựng pháp luật thực thi CPTPP của tất cả các cơ quan liên quan (Xem chi tiết tại Phụ lục I) cho thấy để thực thi CPTPP, các cơ quan liên quan của Việt Nam sẽ phải tiến hành hoạt động soạn thảo, sửa đổi, bổ sung tổng cộng 19 văn bản pháp luật, trong đó có:

  • 07 Luật (bao gồm Luật sở hữu trí tuệ, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật an toàn thực phẩm, Bộ luật lao động, Luật công đoàn, Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự);
  • 06 Nghị định (bao gồm Nghị định ban hành Biểu thuế xuất khẩu – nhập khẩu thực thi CPTPP, Nghị định về hàng tân trang, Nghị định về đấu thầu thực thi CPTPP, Nghị định về xác minh xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, hợp tác và kiểm tra giám sát của hải quan, Nghị định hướng dẫn Luật Cạnh tranh và Nghị định hướng dẫn Luật sở hữu trí tuệ);
  • 06 Thông tư (bao gồm Thông tư về biện pháp phòng vệ theo CPTPP, Thông tư về quy tắc xuất xứ CPTPP, Thông tư về quản lý hạn ngạch dệt may xuất khẩu sang Mexico, Thông tư về chứng nhận CFS đối với mỹ phẩm, Thông tư về hợp tác trong quản lý sáng chế đối với dược phẩm, Thông tư về xuất xứ hàng hóa trong thực thi của cơ quan hải quan).

Trên thực tế, trong đợt đầu thực hiện, các hoạt động XDPL thực thi CPTPP đã có sự thay đổi đáng kể so với dự kiến tại các kế hoạch này (kể cả dự kiến của Bộ ngành). Điều này một mặt cho thấy các cơ quan có thẩm quyền đã linh hoạt điều chỉnh thực tế hoạt động cho phù hợp, không cứng nhắc phụ thuộc vào các kế hoạch ban đầu. Mặt khác, thực tế này cũng cho thấy còn nhiều dư địa để cải thiện trong hoạt động lập kế hoạch ban đầu, để các kế hoạch này bao trùm và chuẩn xác hơn, qua đó làm cơ sở định hướng ổn định và thuận lợi hơn cho công tác triển khai thực hiện.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập