CPTPP và Hoạt động XDPL: Hàm ý chính sách đối với hoạt động xây dựng kế hoạch xây dựng pháp luật thực thi cam kết

17/11/2021    24

Việc lên kế hoạch cho hoạt động XDPL thực thi cam kết có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình thực hiện sau đó của các Bộ ngành. Kế hoạch càng chi tiết, càng chính xác và dự kiến đúng thực tiễn thì hoạt động triển khai thực hiện sau đó càng thuận lợi và nhanh chóng do được định hướng rõ ràng, có thể giản lược được nhiều khâu về thủ tục cũng như xử lý kịp thời các khác biệt về quan điểm.

Thực tế việc lên kế hoạch cho hoạt động XDPL thực thi CPTPP chưa được thực hiện hiệu quả như mong muốn. Một số hoạt động không thực sự cần thiết nhưng vẫn được đưa vào kế hoạch, khiến quá trình thực hiện gặp vướng mắc, phải giải trình để thay đổi, hoặc tốn kém nguồn lực không cần thiết. Một số trường hợp kế hoạch không nêu rõ, chi tiết về quy trình XDPL (thủ tục rút gọn hay thủ tục thông thường) khiến việc triển khai mất thêm thời gian cho việc xác định các vấn đề này. Một số trường hợp khác xác định loại văn bản thiếu chính xác, phạm vi điều chỉnh của văn bản chưa thích hợp với hiện trạng pháp luật, khiến cho quá trình thực thi có thể bị kéo dài do phải điều chỉnh, giải trình, thay đổi lại.

Từ đây, đối với các FTA thế hệ mới sau này, công tác xây dựng kế hoạch cho hoạt động XDPL thực thi cam kết cần được thực hiện với các yêu cầu sau:

  • Kế hoạch cần được xây dựng dựa trên các thông tin đầy đủ, chính xác về (i) các khía cạnh pháp lý liên quan tới quy định pháp luật cần phải xây dựng mới, sửa đổi/bổ sung để thực thi cam kết (nội dung quy định, vị trí của quy định đó trong chế định/hệ thống pháp luật liên quan, loại văn bản chứa quy định đó, mối liên hệ giữa quy định đó với các quy định khác trong cùng văn bản, với các văn bản khác về cùng chế định, hệ quả của việc bổ sung mới/sửa đổi quy định đó với văn bản/chế định pháp luật liên quan); (ii) các thời gian, thời hạn liên quan (thời gian thông thường cần thiết để thực hiện việc bổ sung mới/sửa đổi một/các quy định tương tự; thời hạn phải thực thi của cam kết liên quan); (iii) các vấn đề, xu hướng thực tế xung quanh quy định liên quan (các định hướng chính sách chung của Việt Nam, xu hướng/thông lệ thế giới, quan điểm, thái độ, mong muốn của đối tượng chịu tác động…);
  • Trên cơ sở cân nhắc tất cả các thông tin liên quan, Kế hoạch cần đưa ra định hướng càng chi tiết càng tốt cho hoạt động XDPL liên quan, như dự kiến về hình thức văn bản, phạm vi điều chỉnh, quy trình thủ tục (có rút gọn hay không), cách thức nội luật hóa (xây dựng quy định mới hay sửa đổi quy định hiện hành)… - để bảo đảm tính khoa học, các dự kiến này cần đi kèm các giải trình cụ thể về lý do đề xuất dự kiến như vậy;
  • Quá trình lên kế hoạch cần được thực hiện công khai, tham vấn ý kiến rộng rãi, đặc biệt từ các hiệp hội doanh nghiệp và VCCI, cho phép nhận diện và điều chỉnh ngay các bất cập, không hợp lý trong dự thảo kế hoạch.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập