CPTPP và Hoạt động XDPL: Cách thức “nội luật hóa” cam kết CPTPP

17/11/2021    54

Rà soát cho thấy 11 VBQPPL thực thi CPTPP đã “nội luật hóa” cam kết CPTPP thông qua một trong ba cách thức XDPL sau:

  • Xây dựng VBQPPL mới, có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng riêng: Cách thức này sử dụng trong các trường hợp quy định “nội luật hóa” có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng riêng biệt, có đối tượng điều chỉnh riêng và nội dung tổng thể khác biệt so với các VBQPPL đang có trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Có 07/11 văn bản được “nội luật hóa” theo cách này (gồm 06 văn bản về thương mại hàng hóa, 01 văn bản về đấu thầu);
  • Xây dựng VBQPPL sửa đổi, bổ sung các VBQPPL đã có: Cách này áp dụng với trường hợp cam kết quy định thực thi CPTPP về cùng một vấn đề với VBQPPL hiện hành nhưng có một số điểm mới/khác biệt nhất định về chủ thể áp dụng, phạm vi áp dụng và/hoặc về nội dung quy định mà việc đưa vào VBQPPL chung là khả thi. Có 03 văn bản nội luật hóa CPTPP theo cách này (gồm 02 văn bản về thương mại hàng hóa, 01 văn bản về sở hữu trí tuệ);
  • Đưa nội dung thực thi CPTPP vào các VBQPPL đang được sửa đổi tổng thể: Cách thức này áp dụng cho trường hợp quy định thực thi CPTPP có phạm vi áp dụng chung tương tự như VBQPPL về cùng vấn đề liên quan, và bản thân VBQPPL cũng đang trong quá trình sửa đổi tổng thể. Chỉ có 01 văn bản (Bộ luật lao động) được thực hiện theo cách này.

Pháp luật Việt Nam không có ràng buộc nào về các tiêu chuẩn lựa chọn cách thức nội luật hóa cam kết CPTPP. Vì vậy về cơ bản việc lựa chọn giải pháp kỹ thuật nào để “nội luật hóa” các cam kết CPTPP chủ yếu phụ thuộc vào đánh giá của các cơ quan có thẩm quyền về tính chất của cam kết (áp dụng chung hay chỉ cho riêng các đối tác CPTPP), dung lượng các quy định liên quan (số lượng các quy định nhiều hay ít) và hiện trạng VBQPPL trong lĩnh vực có quy định nội luật hóa (đã có VBQPPL về vấn đề liên quan hay chưa).

Thực tế cho thấy ngoại trừ một vài trường hợp có bất cập trong dự kiến ban đầu về hình thức VBQPPL (cấp luật, nghị định hay thông tư), tất cả các lựa chọn về cách thức “nội luật hóa” các cam kết trên thực tế đều hợp pháp và hợp lý.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập