CPTPP và Hoạt động XDPL: Các cam kết CPTPP cần “nội luật hóa” theo lộ trình

17/11/2021    27

Các cam kết CPTPP cần được đưa vào pháp luật Việt Nam trong thời gian tới là các cam kết mà Việt Nam có bảo lưu về thời điểm thực hiện muộn hơn thời điểm CPTPP có hiệu lực mà pháp luật Việt Nam hiện hành chưa bảo đảm tính tương thích.

Về số lượng, có tổng cộng 11 nhóm cam kết thuộc 03 Chương của CPTPP cần được “nội luật hóa” trong thời gian tới, bao gồm:

  • 01 cam kết trong Chương 2 – Đối xử quốc gia và mở cửa thị trường hàng hóa (Điều 2.11.2 về việc không áp dụng biện pháp cấm/hạn chế nhập khẩu hàng đã qua sử dụng với hàng tân trang);
  • 01 cam kết trong Chương 3 – Quy tắc xuất xứ (Điều 3.20 về thủ tục tự chứng nhận xuất xứ);
  • 09 cam kết trong Chương 18 – Sở hữu trí tuệ (các Điều 18.18 về nhãn hiệu dạng âm thanh; Điều 18.47 về bảo hộ độc quyền dữ liệu đối với nông hóa phẩm; Điều 18.53 về các biện pháp liên quan tới việc đưa ra thị trường dược phẩm đã biết; Điều 18.77 về xử lý hình sự đối với một số hành vi giả mạo nhãn hiệu, sao lậu quyền tác giả và quyền liên quan; Điều 18.78 về xử lý hình sự đối với một số hành vi xâm phạm bí mật thương mại lưu giữ trên hệ thống máy tính).

Về thời gian bảo lưu, các cam kết này chia làm 02 nhóm: nhóm bảo lưu 05 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực (tức là thực hiện từ 14/1/2024), gồm 02 cam kết (cam kết về bảo hộ độc quyền dữ liệu đối với nông hóa phẩm và cam kết về tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa); và nhóm bảo lưu 03 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực (tức là phải thực hiện từ 14/1/2022) gồm 09 cam kết còn lại.

Về nội dung, so với các cam kết đã được “nội luật hóa” trong thời gian trước, hầu như tất cả các cam kết quy tắc mà Việt Nam cần bảo lưu lộ trình thực thi đều là các cam kết có tiêu chuẩn cao, được xem là “khó có thể thực hiện ngay” ở Việt Nam (do đó mới được bảo lưu). Vì thế, suy đoán là việc “nội luật hóa” các cam kết thuộc nhóm này sẽ phức tạp hơn so với các cam kết ở nhóm thực thi ngay mà Việt Nam đã thực hiện.

Căn cứ trên các cam kết này, Việt Nam cũng đã nhận diện các hoạt động XDPL thực thi CPTPP trong Phụ lục II Nghị quyết 72/2018/NQ-QH14 phê chuẩn CPTPP của Quốc hội và các Kế hoạch thực hiện CPTPP của Chính phủ và các Bộ ngành. Cụ thể, các hoạt động XDPL thực thi CPTPP tiếp theo được dự kiến như sau:

  • Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ (giai đoạn 2);
  • Sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự;
  • Sửa đổi Luật Công đoàn;
  • Xây dựng mới Nghị định về hàng tân trang;
  • Sửa đổi Thông tư về quy tắc xuất xứ thực hiện CPTPP;
  • Sửa đổi các Nghị định, Thông tư hướng dẫn các nội dung mới liên quan tới CPTPP trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập