CPTPP và Hoạt động XDPL: Tham vấn doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo các VBQPPL thực thi cam kết CPTPP

17/11/2021    27

Về mặt pháp lý, theo quy định tại Luật ban hành VBQPPL, việc tham vấn, lấy ý kiến đối tượng chịu tác động là yêu cầu bắt buộc trong quy trình soạn thảo các VBQPPL cấp luật, nghị định và thông tư (ngoại trừ các trường hợp văn bản được ban hành theo thủ tục rút gọn). Về thực tiễn, quá trình tham vấn nếu được thực hiện thực chất và đầy đủ, với sự tiếp thu ý kiến cầu thị và minh bạch của cơ quan soạn thảo, chất lượng VBQPPL ban hành sẽ được bảo đảm tốt hơn (đặc biệt là từ góc độ tính hợp lý và khả thi của quy định).

Trong khuôn khổ Rà soát này, việc tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động trong quá trình soạn thảo các VBQPPL thực thi CPTPP là một tiêu chí được xem xét, qua đó cho thông tin về mức độ minh bạch và hiệu quả của hoạt động XDPL liên quan.

Ngoài ra, cũng theo quy định của pháp luật về ban hành VBQPPL, các dự thảo VBQPPL có liên quan tới doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh cần được gửi lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp thông qua đầu mối là VCCI. Đây được xem là quy định bổ sung nhằm bảo đảm rằng việc tham vấn doanh nghiệp của cơ quan soạn thảo được cộng đồng doanh nghiệp biết đến một cách rộng rãi và được triển khai qua hành động chủ động thông qua các kênh/mạng lưới của VCCI - tổ chức quốc gia đại diện cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, việc tham vấn VCCI cũng được xem là một tiêu chí bổ sung để đánh giá hiệu quả thực chất của hoạt động tham vấn trong soạn thảo các VBQPPL thực thi CPTPP.

Rà soát cho thấy ngoại trừ Thông tư 03/2020/TT-BCT về hạn ngạch thuế quan đối với nguyên liệu thuốc lá nhập khẩu theo CPTPP – một văn bản có diện áp dụng rất hẹp (chỉ liên quan tới các doanh nghiệp thương mại Nhà nước được cấp quyền nhập khẩu loại sản phẩm đặc biệt này), tất cả các VBQPPL khác, dù là được soạn thảo theo quy trình rút gọn hay thông thường, đều được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan soạn thảo để lấy ý kiến tham vấn của công chúng, trong đó suy đoán có các doanh nghiệp.

Trong tất cả các trường hợp, tài liệu được công khai để tham vấn công chúng bao gồm dự thảo văn bản. Chỉ có khoảng 1/2 trường hợp kèm theo các tài liệu giải trình/giải thích về các lựa chọn chính sách trong các quy định của dự thảo (ví dụ Tờ trình, Báo cáo đánh giá tác động…). Điều này có thể làm hạn chế hiệu quả góp ý của doanh nghiệp và các bên liên quan (do không có thông tin về những lý do, căn cứ cũng như ý đồ chính sách đằng sau các quy định tại Dự thảo để hiểu thấu đáo ý nghĩa các quy định).

Có 7/11 dự thảo được cơ quan soạn thảo gửi lấy ý kiến doanh nghiệp qua VCCI. Từ đây, VCCI có thể triển khai rộng rãi việc thông tin và tổ chức lấy ý kiến góp ý của doanh nghiệp cho những văn bản này.

Trong tổng thể, có thể nói hầu như tất cả các VBQPPL thực thi CPTPP đã bảo đảm yêu cầu về minh bạch hóa (công khai dự thảo) để tham vấn công chúng, doanh nghiệp. Mặc dù vậy, đối với một số văn bản, việc tham vấn này dường như chưa được thực hiện một cách hiệu quả, thực chất (do thiếu các thông tin giải trình, không thông tin cho VCCI để phổ biến cho doanh nghiệp…).

Phỏng vấn một số hiệp hội doanh nghiệp lớn phục vụ nghiên cứu rà soát này cho thấy các hiệp hội và doanh nghiệp thành viên đều có ý kiến tham vấn sâu, hiệu quả với cho các dự thảo VBQPPL được cơ quan soạn thảo chủ động lấy ý kiến hiệp hội, gửi dự thảo tới VCCI, hoặc có nhiều kênh tham vấn (phần lớn đều là văn bản cấp luật, nghị định). Các hiệp hội này hầu như không biết đến, không có ý kiến đối với các văn bản chỉ đăng dự thảo trên website của bộ ngành (đặc biệt là các văn bản cấp thông tư).

Hoạt động công khai và tham vấn trong quá trình soạn thảo các VBQPPL thực thi CPTPP

STT

Văn bản

Công khai Dự thảo

Công khai Tờ trình

Tham vấn VCCI

Nhóm VBQPPL về thương mại hàng hóa

1

Nghị định 57/2019/NĐ-CP

X

X

X

2

Thông tư 03/2019/TT-BCT

X

 

 

3

Thông tư 62/2019/TT-BTC

X

X

X

4

Thông tư 07/2019/TT-BCT

X

 

 

5

Thông tư 03/2020/TT-BCT

 

 

 

6

Thông tư 04/2020/TT-BCT

X

 

 

7

Thông tư 19/2019/TT-BCT

X

X

X

8

Thông tư 32/2019/TT-BYT

X

X

X

Nhóm VBQPPL về các vấn đề quy tắc

8

Nghị định 95/2020/NĐ-CP

X

 

X

9

Luật sửa đổi Luật SHTT 2019

X

X

X

10

Bộ luật lao động

X

X

X

 

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập