CPTPP và Hoạt động XDPL: Rà soát về việc đảm bảo yêu cầu của CPTPP về thời điểm có hiệu lực của các VBQPPL thực thi CPTPP

17/11/2021    32

CPTPP và Hoạt động XDPL: Rà soát về việc đảm bảo yêu cầu của CPTPP về thời điểm có hiệu lực của các VBQPPL thực thi CPTPP

Đối với các VBQPPL thông thường, thời hạn cho việc soạn thảo và ban hành văn bản được xác định tại chương trình/kế hoạch xây dựng pháp luật tương ứng của cơ quan có thẩm quyền, căn cứ vào các yêu cầu pháp lý và/hoặc nhu cầu quản lý/thực tiễn liên quan của Việt Nam.

Tuy nhiên, đối với các văn bản thực thi CPTPP, thời điểm có hiệu lực của văn bản bị ràng buộc bởi cam kết CPTPP, cụ thể như sau:

- Về nguyên tắc, do các cam kết liên quan đều có hiệu lực ngay khi Hiệp định có hiệu lực (ngày 14/1/2019), các quy định “nội luật hóa” CPTPP trong các văn bản này đều phải được ban hành để có hiệu lực từ ngày này;

- Trên thực tế, do tất cả các văn bản này đều được soạn thảo, ban hành và/hoặc có hiệu lực sau ngày 14/1/2019, yêu cầu của CPTPP về thời hạn đòi hỏi các quy định “nội luật hóa” cam kết CPTPP trong trường hợp này có thể coi là được tuân thủ nếu (i) văn bản cho phép áp dụng hồi tố trở về trước đến ngày 14/1/2019, (ii) có hướng dẫn tạm thời thực thi cam kết CPTPP từ 14/1/2019 cho đến thời điểm văn bản có hiệu lực, (iii) văn bản nhằm hướng dẫn thực thi các cam kết CPTPP về quyền (mà Việt Nam có thể lựa chọn áp dụng hoặc không); (iv) văn bản hướng dẫn cam kết mà Việt Nam đã cho phép áp dụng trực tiếp kể từ ngày CPTPP có hiệu lực; hoặc (v) việc chậm có hiệu lực của văn bản không làm ảnh hưởng tới quyền của các đối tác CPTPP hay lợi ích thực tế của các chủ thể liên quan trong khoảng thời gian văn bản chưa có hiệu lực.

Rà soát chỉ thực hiện với các VBQPPL “nội luật hóa” cam kết CPTPP được soạn thảo và ban hành sau thời điểm Hiệp định có hiệu lực. Vì vậy, tất cả các văn bản được rà soát này đều được ban hành và có hiệu lực chậm hơn so với thời điểm yêu cầu tại Hiệp định là 14/1/2019.

Cụ thể, trong số 11 văn bản được rà soát, có 08 văn bản được soạn thảo và/hoặc ban hành trong năm 2019, 03 văn bản ban hành năm 2020.

Nhìn bề mặt, nếu tính theo mốc 14/1/2019 có hiệu lực của CPTPP thì trung bình mỗi văn bản này được ban hành chậm 246 ngày (trong đó các văn bản về thương mại hàng hóa chậm ít hơn, trung bình 208 ngày/văn bản; các văn bản về quy tắc chậm nhiều hơn, trung bình 350 ngày/văn bản).

Tuy nhiên, về mặt pháp lý, thời điểm ban hành các văn bản này không ảnh hưởng tới hiệu lực thực thi của các quy định trong văn bản. Cụ thể, các quy định “nội luật hóa” cam kết CPTPP của Việt Nam đều bảo đảm tuân thủ yêu cầu của CPTPP về thời điểm có hiệu lực (14/1/2019), theo một trong các cách thức sau:

- Có 05 văn bản bảo đảm tuân thủ thời điểm hiệu lực của CPTPP thông qua quy định về hiệu lực hồi tố (hiệu lực ngược trở về trước đến 14/1/2019);

- Có 02 văn bản có hiệu lực muộn hơn 14/1/2019 nhưng để thực thi quyền (mà không phải là nghĩa vụ) của Việt Nam trong CPTPP;

- Có 02 văn bản hướng dẫn thực thi các cam kết vốn đã được áp dụng trực tiếp từ khi Hiệp định có hiệu lực (tức là đã có hiệu lực pháp lý từ ngày 14/1/2019);

- Có 02 văn bản có hiệu lực muộn hơn 14/1/2019 nhưng đã có văn bản hướng dẫn việc thực thi cam kết CPTPP tạm thời từ khi Hiệp định có hiệu lực hoặc không ảnh hưởng tới lợi ích của đối tác CPTPP hay các chủ thể liên quan.

Điểm tích cực là trong so sánh với thời gian soạn thảo và ban hành các VBQPPL theo quy trình thông thường, hầu như tất cả các văn bản thực thi CPTPP đều được soạn thảo với thời gian ngắn hơn đáng kể. Một vài văn bản thậm chí còn có thể ban hành chỉ một thời gian rất ngắn sau khi Hiệp định có hiệu lực (ví dụ Thông tư 03/2019/TT-BCT về quy tắc xuất xứ, ban hành ngày 22/1/2019, Thông tư 07/2019/TT-BCT về xuất khẩu dệt may sang Mexico – ban hành ngày 19/4/2019), qua đó giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tận dụng các ưu đãi thuế quan đầu tiên của Hiệp định này ở các thị trường đối tác. Hoặc Luật sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ được ban hành ngay trong kỳ họp Quốc hội đầu tiên sau khi CPTPP có hiệu lực (tháng 6/2019), đạt kỷ lục về tốc độ sửa đổi một văn bản luật.

Thậm chí nếu tính tới các văn bản đã được Việt Nam chủ động sửa đổi từ trước đó với kết quả là nội luật hóa cam kết CPTPP từ khi Hiệp định chưa có hiệu lực như Luật phòng, chống tham nhũng 2018, Luật Tố cáo 2018 hay xa hơn nữa như Luật Đầu tư 2015, Luật Doanh nghiệp 2015…, và nếu nhìn từ các kế hoạch thực hiện CPTPP với các thời hạn rất ngắn, có thể thấy Việt Nam đã thể hiện sự nghiêm túc và quyết tâm trong việc thực hiện sớm nhất có thể các cam kết CPTPP.

Mặc dù có những ưu thế trên, việc soạn thảo và ban hành phần lớn các VBQPPL thực thi CPTPP này vẫn chậm so với kế hoạch dự kiến cũng như kỳ vọng của doanh nghiệp.

Chi tiết đánh giá mức độ tuân thủ CPTPP về thời điểm có hiệu lực của các VBQPPL thực thi CPTPP có thể tham khảo tại Phần 3.1 Trang 37 trong Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách”.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập