CPTPP và Hoạt động XDPL: Ảnh hưởng của việc ban hành chậm các văn bản thực thi CPTPP

17/11/2021    26

Đứng từ góc độ nghĩa vụ cam kết, các VBQPPL thực thi CPTPP của Việt Nam dù được ban hành chậm nhưng cơ bản bảo đảm tuân thủ yêu cầu CPTPP về thời hạn hiệu lực (ngoại trừ cam kết về quyền tự do liên kết của người lao động).

Tuy nhiên, từ góc độ lợi ích thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam, việc chậm ban hành các văn bản này vẫn gây ra những ảnh hưởng nhất định tới các doanh nghiệp, làm hạn chế khả năng tận dụng các lợi ích mà CPTPP lẽ ra có thể mang lại cho họ trong giai đoạn đầu thực thi Hiệp định.

Ví dụ đối với các trường hợp văn bản có quy định áp dụng hồi tố từ 14/1/2019, trên thực tế, không phải khi nào việc áp dụng hồi tố cũng giúp bảo toàn các quyền và lợi ích liên quan của các doanh nghiệp Việt Nam:

- Đối với các trường hợp đã xuất nhập khẩu loại hàng hóa đủ điều kiện hưởng ưu đãi CPTPP trước ngày Nghị định 52/2019/NĐ-CP và Thông tư 62/2019/TT-BTC có hiệu lực: Mặc dù pháp luật cho phép được hoàn lại phần thuế chênh lệch, tuy nhiên để được hoàn trả phần thuế này, doanh nghiệp xuất/nhập khẩu tại Việt Nam phải có đầy đủ các chứng từ theo yêu cầu trong khi doanh nghiệp có thể không xin lại được một trong các chứng từ đó khi đã hoàn tất việc xuất nhập khẩu đó;

- Đối với trường hợp hồ sơ đăng ký mỹ phẩm nhập khẩu: Quy định hồi tố cho phép các hồ sơ đăng ký mỹ phẩm nhập khẩu từ các đối tác CPTPP nộp từ ngày 14/1/2019 không phải xuất trình chứng nhận CFS. Mặc dù vậy, do quy trình xem xét cấp phép tối đa chỉ tới 40 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, suy đoán là phần lớn các hồ sơ nộp trong khoảng tháng 1-12/2019 đều đã được cấp phép trước ngày 01/2/2020 (ngày có hiệu lực của Thông tư 32/2019/TT-BYT), và tất nhiên để được cấp phép các hồ sơ này vẫn phải có chứng nhận CFS theo quy định cũ.

Với những trường hợp văn bản hướng dẫn các thủ tục để thực thi các cam kết thuộc diện được áp dụng trực tiếp từ 14/1/2019 cũng có thể phát sinh tình huống tương tự. Về mặt lý thuyết là các cam kết này có thể được thực thi ngay theo thủ tục sẵn có theo pháp luật Việt Nam. Mặc dù vậy, do các thủ tục chung liên quan (ví dụ thủ tục đấu giá tài sản, cấp phép hạn ngạch nhập khẩu…) không được thiết kế để phù hợp với tính chất đặc thù của cam kết CPTPP, việc tận dụng trên thực tế các cam kết này của các doanh nghiệp rất khó khăn khi chưa có văn bản hướng dẫn chính thức.

Từ đây, có thể thấy độ trễ trong soạn thảo và ban hành các văn bản thực thi CPTPP mặc dù không ảnh hưởng tới việc bảo đảm tuân thủ nghĩa vụ của Việt Nam trong CPTPP nhưng lại là yếu tố có thể cản trở các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng lợi ích của Hiệp định giai đoạn đầu.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập