CPTPP và Hoạt động XDPL: Các kết quả đạt được trong việc đảm bảo tính hợp lý và khả thi của các VBQPPL thực thi CPTPP

17/11/2021    24

Mặc dù CPTPP không có bất kỳ yêu cầu nào về tính hợp lý hay khả thi của các quy định nội địa thực thi CPTPP, đây lại là đòi hỏi quan trọng từ góc độ lợi ích của chính Việt Nam trong thực thi Hiệp định.

Rà soát các VBQPPL thực thi CPTPP cho thấy từ góc độ nội dung, phần lớn các quy định trong các văn bản này là hợp lý và khả thi.

Kết quả này không gây ngạc nhiên, bởi một số lý do cả từ góc độ kỹ thuật và chính sách:

Thứ nhất, trong đa số các trường hợp, các quy định “nội luật hóa” buộc phải bám sát nội dung cam kết CPTPP gốc. Quyền lựa chọn của Việt Nam khi thiết kế quy định này hầu như không đáng kể. Vì vậy tính “hợp lý” hay “không hợp lý” của quy định hầu như không đặt ra. Ví dụ điển hình là các quy định về mức thuế quan ưu đãi cho từng dòng hàng (Nghị định 57/2019/NĐ-CP), mức hạn ngạch được phép (các Thông tư 07/2019/TT-BCT, 03/2020/TT-BCT, 04/2020/TT-BCT), quy tắc xuất xứ mặt hàng (Thông tư 03/2019/TT-BCT, sửa đổi bởi Thông tư 06/2020/TT-BCT), danh mục gói thầu mở cửa cho nhà thầu CPTPP (Nghị định 95/2020/NĐ-CP)…;

Thứ hai, quá trình lấy ý kiến tham vấn các đối tượng chịu tác động trong quá trình soạn thảo nhiều văn bản đã được thực hiện tương đối thực chất, hiệu quả. Trên thực tế, đa phần các dự thảo VBQPPL thực thi CPTPP được công khai và/hoặc lấy ý kiến doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo qua VCCI. Sau khi cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến, nhiều quy định đã được điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn doanh nghiệp, bảo đảm tốt hơn yêu cầu về tính hợp lý và khả thi của quy định. Ví dụ các quy định về xác minh xuất xứ từ góc độ hải quan (Thông tư 62/2019/TT-BTC), quy định về biện pháp phòng vệ đặc biệt (Thông tư 19/2020/TT-BCT)…;

Thứ ba, kinh nghiệm và kiến thức của các cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo cho phép lựa chọn phương án hợp lý và khả thi cho nhiều quy định. Rà soát cho thấy đối với tất cả các VBQPPL thực thi CPTPP, cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo cũng đồng thời là đơn vị quản lý nhà nước về lĩnh vực liên quan và trước đó là đầu mối đàm phán kỹ thuật về cam kết cần “nội luật hóa”. Các cơ quan này suy đoán là nắm rất rõ về hiện trạng pháp luật, yêu cầu của cam kết, thực tiễn liên quan, và thậm chí được cho là đã phải lên phương án thích hợp ngay khi phương án cam kết được chốt trong quá trình đàm phán;

Một số ít trường hợp chưa thể kiểm chứng được về tính hợp lý, khả thi trên thực tế. Trong số các VBQPPL thực thi CPTPP, có một số trường hợp mặc dù quy định đã có hiệu lực pháp lý nhưng chưa được sử dụng trên thực tế bởi các chủ thể liên quan do lựa chọn chủ quan của họ (ví dụ các biện pháp tự vệ đặc biệt trong khuôn khổ CPTPP) hoặc do đang chờ thiết lập cơ chế tổ chức thực hiện (ví dụ chế định về thành lập và hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp). Đối với các trường hợp này, do trên thực tế chưa kiểm chứng được nên tính hợp lý và khả thi mới chỉ được đánh giá từ góc độ phân tích nội dung pháp lý.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập