CPTPP và Hoạt động XDPL: Một số tồn tại trong việc đảm bảo tính hợp lý và khả thi của các VBQPPL thực thi CPTPP
17/11/2021 7Mặc dù hầu hết các quy định thực thi CPTPP đều được đánh giá là phù hợp và khả thi, các phân tích chi tiết và rà soát thực tiễn thực hiện cho thấy vẫn tồn tại một số trường hợp quy định/cách thức “nội luật hóa” chưa thực sự hợp lý, gây vướng mắc ảnh hưởng nhất định tới lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tận dụng cơ hội từ CPTPP.
Trường hợp quy định có nội dung được áp dụng/giải thích chưa hợp lý, dẫn tới vướng mắc trong thực tiễn
Rà soát cho thấy có chỉ có Thông tư 03/2019/TT-BCT về quy tắc xuất xứ có vướng mắc trong diễn giải quy định khi thực thi trên thực tế.
Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định về QTXX, chủ yếu là để áp dụng cho hàng hóa của Việt Nam muốn được hưởng ưu đãi thuế quan CPTPP khi xuất khẩu sang các đối tác CPTPP. Với Thông tư này, vướng mắc nổi cộm liên quan tới cách thức diễn giải quy tắc “từ sợi trở đi” đối với hàng dệt may.
Bộ Công Thương, cơ quan soạn thảo, ban hành và thực thi Thông tư 03, đã xử lý vướng mắc này thông qua các văn bản hướng dẫn về cách giải thích QTXX đối với dệt may (văn bản hướng dẫn cơ quan cấp C/O và văn bản hướng dẫn doanh nghiệp). Tuy nhiên, doanh nghiệp dệt may vẫn cho rằng vướng mắc mới được xử lý một phần, chưa triệt để.
Trường hợp quy định chưa dự kiến hết các tình huống thực tế
Rà soát cho thấy thực tiễn thực thi 01 văn bản (Thông tư 62/2019/TT-BTC) có phát sinh một số vướng mắc thuộc trường hợp này.
Thông tư 62/2019/TT-BTC chủ yếu điều chỉnh các khía cạnh về xác minh xuất xứ từ góc độ thủ tục hải quan, áp dụng phần lớn cho hàng hóa nhập khẩu xuất xứ CPTPP. Các vướng mắc chủ yếu phát sinh từ các tình huống thực tiễn, mà chưa được điều chỉnh hoặc chưa được xử lý trong Thông tư, Ví dụ:
- Quy định mâu thuẫn liên quan tới số tham chiếu trên C/O của hàng hóa nhập khẩu: Thông tư 62/2019/TT-BTC không yêu cầu thông tin này trong C/O CPTPP hàng nhập khẩu, tuy nhiên Điều 5 Thông tư 38/2018/TT-BTC lại quy định đây là thông tin bắt buộc phải có;
- Quy trình, cách thức xử lý đối với trường hợp chứng từ tự chứng nhận xuất xứ CPTPP của hàng hóa nhập khẩu bị cấp lỗi: Nhà xuất khẩu nước ngoài đã cấp C/O lỗi có thể sửa lỗi trực tiếp trên C/O đó không? có thể cấp C/O khác thay thế không? và thủ tục, điều kiện như thế nào?;
- Các điều kiện để áp dụng C/O CPTPP điện tử cho hàng nhập khẩu từ nước đối tác CPTPP vào Việt Nam: Phải thực hiện thủ tục gì? Ai thực hiện? Định dạng C/O điện tử như thế nào thì được chấp nhận?...
Trên thực tế, các vướng mắc thực tiễn này được Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) xử lý chủ yếu thông qua việc ban hành các Công văn hướng dẫn về cách thức xử lý trong các trường hợp cụ thể.
Trường hợp quy định được thiết kế theo cách thức tương đối phức tạp, khiến việc hiểu để thực thi không thật dễ dàng
Trong khi tất cả các VBQPPL thực thi CPTPP đều lựa chọn phương thức xây dựng quy định “nội luật hóa” trực tiếp các cam kết cụ thể của CPTPP mà pháp luật Việt Nam chưa tương thích, Nghị định 95/2020/NĐ-CP về đấu thầu gói thầu CPTPP là văn bản duy nhất lựa chọn phương thức riêng – quy định lại toàn bộ chế định pháp luật đấu thầu (trong đó ngoài một số ít các quy định nội luật hóa cam kết CPTPP, phần lớn nhắc lại các quy định chung của pháp luật đấu thầu tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP).
Theo cơ quan soạn thảo, cách quy định này tạo điều kiện cho các chủ thể áp dụng (chỉ phải tra cứu duy nhất văn bản này cho các gói thầu CPTPP). Hơn nữa, một số trường hợp cam kết CPTPP không dễ để quy định riêng mà phải lồng vào các quy định hiện có.
Mặc dù vậy, rà soát từ góc độ của các đơn vị mời thầu phải thực thi Nghị định cho thấy cách thức quy định này có thể gây ra những khó khăn nhất định cho họ khi thực hiện các gói thầu CPTPP.
- Khó khăn từ góc độ tìm hiểu quy định để thực thi: Trên thực tế, hầu như các chủ thể sẽ áp dụng các quy định của Nghị định này, đặc biệt là các chủ đầu tư, bên mời thầu, đều đã rất quen thuộc với hệ thống pháp luật đấu thầu chung. Nếu Nghị định chỉ bao gồm các quy định riêng, đặc thù cho gói thầu CPTPP, các chủ thể này sẽ chỉ cần điều chỉnh “thông lệ đấu thầu” hiện tại của họ ở những khía cạnh CPTPP có quy định khác biệt cho các gói thầu CPTPP là đủ. Số lượng các quy định đặc thù riêng của CPTPP khá ít, vì vậy việc tìm hiểu các điểm mới của đấu thầu gói thầu CPTPP sẽ không phải là quá khó khăn.
Tuy nhiên, do Nghị định này quy định lại toàn bộ chế định về đấu thầu để áp dụng cho gói thầu CPTPP (trong đó tất nhiên không chỉ rõ đâu là điểm mới của CPTPP, đâu là các quy định vẫn giữ nguyên như trước, đâu là các quy định gần giống hiện hành nhưng có điều chỉnh chút ít). Vì vậy, các chủ đầu tư, bên mời thầu sẽ phải làm quen lại từ đầu với toàn bộ các nội dung của Nghị định. Tiếp theo đó, họ cũng sẽ phải tìm hiểu lại toàn bộ các nội dung Thông tư hướng dẫn Nghị định 95 này lập hồ sơ mời thầu theo từng loại sản phẩm, cách thức thầu áp dụng riêng cho các gói thầu CPTPP.
- Phức tạp từ góc độ pháp lý: Với sự ra đời của Nghị định 95/2020/NĐ-CP, lần đầu tiên pháp luật Việt Nam có một chế định pháp luật với cùng lúc 02 hệ thống riêng song song và độc lập tồn tại: một hệ thống pháp luật đấu thầu chung cho mọi gói thầu và một hệ thống pháp luật đấu thầu riêng chỉ dành cho các gói thầu CPTPP (mà sau này có bổ sung thêm các gói thầu EVFTA, UKVFTA).
Sự tồn tại đồng thời của 02 hệ thống có phần lớn nội dung giống nhau dẫn tới tình trạng lệ thuộc lẫn nhau về nội dung. Trong tương lai, khi hệ thống pháp luật đấu thầu gốc (áp dụng chung) thay đổi, các quy định tương tự trong Nghị định 95 cũng sẽ phải thay đổi theo.
Điều này sẽ khiến cho mỗi sửa đổi, bổ sung đối với pháp luật đấu thầu hầu như sẽ dẫn tới sửa đổi cùng lúc cả 02 hệ thống, làm tăng khối lượng công việc trong tất cả các quy trình liên quan tới soạn thảo và ban hành. Đồng thời các chủ thể thực thi cũng sẽ phải tìm hiểu cùng lúc các thay đổi ở cả 02 hệ thống.
Trường hợp quy định bổ sung các yêu cầu riêng của Việt Nam ảnh hưởng tới tính khả thi và hiệu quả áp dụng
Kết quả rà soát pháp luật và thực tiễn cho thấy có 01 VBQPPL thực thi CPTPP gặp “trục trặc” trong thực thi mặc dù vẫn bảo đảm tuân thủ đúng cam kết. Lý do được cho là nằm ở các điều kiện mà Việt Nam quy định để được hưởng ưu đãi CPTPP (CPTPP cho phép Việt Nam tự quy định các điều kiện này). Đó là trường hợp của Thông tư 04/2020/TT-BCT quy định về đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu ô tô đã qua sử dụng theo CPTPP.
Trong CPTPP, Việt Nam cam kết dành ưu đãi cho một số sản phẩm ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu theo chế độ hạn ngạch thuế quan. Ngoài cam kết mức thuế ưu đãi trong hạn ngạch, Việt Nam có cam kết về mức hạn ngạch hàng năm, và một số nguyên tắc trong quy trình đấu giá phân bổ hạn ngạch đối với các sản phẩm này. Thông tư 04/2020/TT-BCT được xây dựng để thực thi cam kết này.
Tuy nhiên các quy định của Thông tư liên quan tới điều kiện đấu giá và nhập khẩu ô tô cũ được dường như quá chặt chẽ, khiến việc tận dụng cam kết này của doanh nghiệp hầu như không khả thi.
Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập
- CPTPP và Hoạt động XDPL: Bối cảnh và cách thức xây dựng pháp luật thực thi CPTPP
- CPTPP và Hoạt động XDPL: So sánh công tác nội luật hóa cam kết CPTPP với các FTA đã có hiệu lực
- CPTPP và Hoạt động XDPL: Mục tiêu của hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP
- CPTPP và Hoạt động XDPL: Các nhóm cam kết CPTPP không phải “nội luật hóa”
- CPTPP và Hoạt động XDPL: Các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP đã thực hiện trước khi CPTPP có hiệu lực