CPTPP và Hoạt động XDPL: Đánh giá về tác động về giới của các VBQPPL thực thi CPTPP

17/11/2021    27

Rà soát các quy định tại các VBQPPL thực thi CPTPP cho thấy có 10/11 văn bản trung tính về giới, tức là không có quy định cụ thể nào liên quan tới các yếu tố giới, cũng không tác động riêng nào về giới cả trực tiếp hoặc gián tiếp. Trong các Tờ trình và các tài liệu đi kèm dự thảo các văn bản này (bản thuyết minh, đánh giá tác động…) đều không có nội dung nào đề cập tới tác động về giới của văn bản.

Điều này xuất phát từ thực tế là các quy định thực thi CPTPP trong 10 văn bản này:

  • Điều chỉnh các hoạt động thương mại thuần túy, được thực hiện bởi các chủ thể kinh doanh nói chung (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh) không phân biệt về giới tính của chủ sở hữu, đội ngũ lãnh đạo hay của người lao động; hoặc là
  • Liên quan tới các sản phẩm thương mại nói chung (hàng hóa, dịch vụ, tài sản sở hữu trí tuệ) không phân biệt về giới tính hay chủ thể sản xuất, kinh doanh sản phẩm.

Có 01 văn bản duy nhất có các quy định thực thi CPTPP liên quan có tác động về giới là Bộ luật lao động 2019.

Văn bản này thực thi các cam kết CPTPP về lao động, trong đó có cam kết về (i) chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp (Điều 3.1.d Chương 19 CPTPP), và (ii) bảo đảm điều kiện làm việc có thể chấp nhận được về lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (Điều 3.2 Chương 19 CPTPP). Mặc dù các cam kết này không trực tiếp đưa ra các tiêu chuẩn lao động cụ thể, không có các quy định riêng gắn với các yếu tố về giới, và trong quá trình xây dựng các quy định của Bộ luật lao động liên quan tới các vấn đề được đề cập trong cam kết, đã có một sự chú ý đặc biệt tới việc bảo đảm không phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp với lao  động nữ, và bảo đảm các điều kiện làm việc chấp nhận được liên quan tới lao động nữ.

Rà soát cho thấy tất cả các thay đổi trong Bộ luật lao động 2019 so với Bộ luật lao động 2012 về các khía cạnh liên quan tới vấn đề giới nhằm thực hiện hai cam kết CPTPP đều được thiết kế theo hướng tạo hiệu quả tốt hơn về giới, tạo điều kiện thuận lợi hơn, bình đẳng và có lợi hơn cho lao động nữ so với quy định trước đó.

Chi tiết các điểm mới, tiến bộ của Bộ luật Lao động 2019 từ góc độ giới có thể tham khảo tại Phần 4.4 Trang 61 trong Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách”.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Đánh giá hiệu quả thực hiện và Hàm ý chính sách” – Trung tâm WTO và Hội nhập