CPTPP và Thị trường Canada: Phương thức tận dụng CPTPP để tăng cường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Canada

26/04/2021    78

Giải pháp tận dụng cơ hội từ các cam kết cụ thể của CPTPP

CPTPP có nhiều cam kết của Canada có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các nội dung liên quan của CPTPP để có thể tận dụng được tối đa các lợi ích của Hiệp định:

-    Tìm hiểu cam kết thuế quan của Canada trong Phụ lục 2-D thuộc Chương 2 – Đối xử quốc gia và mở cửa thị trường hàng hóa của Hiệp định. Cần lưu ý là các cam kết trong CPTPP là cam kết tối thiểu của Canada. Trên thực tế, Canada có thể cắt giảm thuế quan cao hơn cam kết tùy nhu cầu trong nước. Do đó, để biết chính xác nhất mức thuế quan của Canada áp dụng đối với từng mặt hàng Việt Nam thì doanh nghiệp cần kiểm tra biểu thuế quan ưu đãi theo CPTPP của Canada áp dụng cho từng năm cụ thể.

-    Tìm hiểu các quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan CPTPP trong Chương 3 – Quy tắc xuất xứ và các thủ tục chứng nhận xuất xứ của Hiệp định. Các cam kết này sẽ là cơ sở để doanh nghiệp điều chỉnh chuỗi cung ứng và sản xuất nhằm đáp ứng các QTXX để hưởng ưu đãi thuế quan CPTPP.

-    Tìm hiểu các vấn đề liên quan khác như Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại (Chương 5), Phòng vệ thương mại (Chương 6) … để tận dụng các quyền và bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp trong quan hệ với các cơ quan Nhà nước liên quan ở các thị trường CPTPP; hoặc các vấn đề về Lao động (Chương 19), Môi trường (Chương 20) … để có kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với định hướng chung.

Giải pháp về kỹ thuật và thị trường

Để xuất khẩu vào thị trường Canada, ngoài thuế quan, các sản phẩm của Việt Nam phải đối mặt với các vấn đề khác mà CPTPP hầu như không can thiệp hay làm thay đổi, đặc biệt là:

-    Các yêu cầu về nhập khẩu của Canada như các quy định về định mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định về dán nhãn, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ môi trường...;

-    Yêu cầu, tập quán và các kênh nhập khẩu của Canada;

-    Nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng Canada.

Vì vậy, để thực sự tiếp cận được thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần:

-    Tìm hiểu chi tiết và cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật nội địa của Canada và bảo đảm tuân thủ đầy đủ, bao gồm cả luật liên bang và luật nội bang của Canada;

-    Nghiên cứu kỹ thị trường Canada, đặc biệt là các thị trường ngách, tìm hiểu kỹ thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng;

-    Tìm hiểu các cơ chế, cách thức tiếp cận các kênh/nhà phân phối hàng hóa ở Canada, đặc biệt là các kênh thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng mua sắm chủ đạo của người tiêu dùng Canada;

-    Nghiên cứu, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để phù hợp với thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm Việt Nam.

Giải pháp chung về năng lực cạnh tranh

Tăng cường năng lực cạnh tranh là giải pháp bền vững để các sản phẩm của Việt Nam có thể phát triển ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Để làm được việc này, các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý một số giải pháp sau:

-    Nghiên cứu nâng cao chất lượng, mẫu mã, thương hiệu…của sản phẩm;

-    Đầu tư cho cải tiến kỹ thuật, tăng hàm lượng công nghệ trong sản xuất và chế biến sản phẩm (thông qua liên doanh, liên kết với các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài; nâng cấp, mua lại các quy trình và công nghệ sản xuất hiện đại…). 

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay doanh nghiệp: Tận dụng CPTPP để xuất nhập khẩu hàng hóa
giữa Việt Nam & Canada"
 - Trung tâm WTO và Hội nhập