CPTPP và Thị trường Canada: Thuận lợi của hàng Việt Nam tại thị trường Canada

26/04/2021    610

-    Người châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng sang định cư tại Canada ngày càng nhiều. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Canada năm 2016, Canada có khoảng 3,6 triệu người gốc nhập cư gốc Châu Á, trong đó có gần 2 triệu người gốc Nam Á và Đông Nam Á. Số người Việt nhập cư vào Canada là khoảng 170.000 người. Lượng người tiêu dùng này sử dụng nhiều các sản phẩm châu Á trong đó có sản phẩm Việt Nam; 

-    Canada có chính sách khá mở về hàng nông sản nhiệt đới với thuế quan áp dụng không cao;

-    Người tiêu dùng Canada không quá bảo thủ, họ sẵn sàng thử sử dụng sản phẩm mới nếu giá cả cạnh tranh;

-    Việt Nam có nhiều sản phẩm có thế mạnh mà người tiêu dùng Canada có nhu cầu cao hoặc đang gia tăng nhu cầu như điện thoại, đồ gỗ, may mặc, giày dép, trà, cà phê, rau quả nhiệt đới;

-    Nhiều sản phẩm của Việt Nam đã chinh phục được các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản nên cũng có thể đáp ứng được các yêu cầu cao của thị trường Canada;

-    Việt Nam là một trong số rất ít các nước châu Á đã có FTA với Canada, do đó hàng hóa Việt Nam có lợi thế về thuế quan hơn các đối thủ cạnh tranh từ nhiều nước khác (Trung Quốc, các nước ASEAN…).

Trong bối cảnh COVID-19, khi người tiêu dùng có nhu cầu cao hơn với các sản phẩm thiết yếu, có thể sử dụng và lưu trữ trong thời gian dài hơn, nhiều loại nông sản của Việt Nam có thể có thêm lợi thế.

Ngoài ra, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh, hoạt động kinh tế bị giới hạn, thu nhập của người tiêu dùng Canada có thể bị ảnh hưởng ít nhiều. Vì vậy, giá cả hàng hóa có thể là một yếu tố được quan tâm nhiều hơn trong lựa chọn của người tiêu dùng. Với CPTPP, hàng hóa Việt Nam sẽ có thêm lợi thế ở góc độ này so với nhiều đối thủ cạnh tranh khác chưa có FTA với thị trường này.

Lợi thế của một số sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Canada

Hàng nông sản

Lượng người tiêu dùng gốc châu Á ở Canada khá đông và gia tăng mạnh trong những năm gần đây. Nhu cầu đối với thực phẩm châu Á vì thế cũng gia tăng, đặc biệt là các thực phẩm chế biến như bún, miến, phở, bánh đa nem, các loại bột làm bánh, gia vị, rau quả nhiệt đới.... Canada có chính sách khá mở đối với hàng nông sản nhiệt đới (thuế quan thấp và không nhiều hàng rào kỹ thuật).

Thủy sản

Gần 90% dân số Canada ăn thuỷ sản, và lý do chính là vì tốt cho sức khoẻ. Cá hồi và tôm là hai sản phẩm hải sản tiêu thụ nhiều nhất ở Canada, và cũng nằm trong nhóm sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu nhiều nhất của nước này. Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh sản xuất thuỷ sản với nhiều mặt hàng đa dạng. Hiện tại tôm đông lạnh và cá basa là hai mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Canada. Tuy nhiên, trong tương lai Việt Nam có thể khai thác hơn nữa thị trường này với các sản phẩm thuỷ sản chế biến có chất lượng cao của Việt Nam như cá ngừ, mực, bạch tuộc...

May mặc

Hiện tại các sản phẩm may mặc của Việt Nam xuất khẩu sang Canada đang chiếm hơn 10% tổng nhập khẩu các sản phẩm này của Canada. May mặc là sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam nên mặc dù Canada áp dụng các mức thuế quan khá cao thì các sản phẩm may mặc của Việt Nam vẫn xuất khẩu tăng đều sang thị trường này trong những năm qua. Trong những năm tới, khi CPTPP giúp xoá bỏ dần thuế quan đối với các sản phẩm này thì cơ hội đối với các sản phẩm may mặc của Việt Nam sẽ càng tăng cao.

Đồ gỗ nội thất

Tại thị trường Canada, đồ gỗ nội thất của Việt Nam có lợi thế về giá và chất lượng nhưng hiện mới chiếm gần 4% thị phần nhập khẩu của Canada. Canada và Việt Nam có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này. Canada có nguồn nguyên liệu gỗ và là một trong những nước xuất khẩu gỗ nguyên liệu lớn trên thế giới trong khi Việt Nam có nhu cầu cao nhập khẩu gỗ nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Theo chiều ngược lại, đồ gỗ nội thất là một trong 10 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của Canada và cũng là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

 

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay doanh nghiệp: Tận dụng CPTPP để xuất nhập khẩu hàng hóa
giữa Việt Nam & Canada"
 - Trung tâm WTO và Hội nhập