CPTPP và Thị trường Canada: Cơ hội từ CPTPP cho xuất khẩu của Việt Nam ở thị trường Canada

26/04/2021    700

Cơ hội từ cắt giảm thuế quan và các rào cản phi thuế

Canada là thị trường tiêu dùng với sức mua lớn thứ hai trong CPTPP. Trong khi đó trước CPTPP, thị trường này chưa có bất kỳ FTA nào với Việt Nam. Do đó, đây được coi là một trong những thị trường có tiềm năng tăng trưởng nhất của xuất khẩu Việt Nam trong CPTPP.

Các cam kết cắt giảm thuế quan của Canada đối với hàng hóa của Việt Nam trong CPTPP là rất đáng kể. Nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được xóa bỏ thuế ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc theo lộ trình ngắn. 

Canada cũng phải thực hiện những cam kết chung của CPTPP liên quan đến cắt giảm các rào cản phi thuế quan cho hàng hóa từ các nước thành viên CPTPP trong đó có Việt Nam như các cam kết về hải quan, về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, về rào cản kỹ thuật đối với thương mại, phòng vệ thương mại… 

Việc Canada thực hiện các cam kết trên được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. 

Hơn thế nữa, cơ cấu sản phẩm hàng hóa của Việt Nam và Canada tương đối bổ sung cho nhau. Trong top 10 nhóm sản phẩm nhập khẩu lớn nhất của Canada năm 2019 có 5 nhóm sản phẩm là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Hiện tại, dư địa thị trường Canada cho hàng hóa của Việt Nam còn khá lớn. Do vậy, CPTPP được kỳ vọng sẽ giúp cho hàng hóa của Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Canada trong thời gian tới.

Bảng 1: So sánh Cơ cấu Nhập khẩu của Canada và Cơ cấu Xuất khẩu của Việt Nam năm 2019 

Các SP nhập khẩu chính của Canada

Giá trị nhập khẩu từ thế giới năm 2019 (triệu USD)

Các SP xuất khẩu chính của Việt Nam

Giá trị xuất khẩu ra thế giới năm 2019 (triệu USD)

Chương 85: Máy điện và thiết bị điện và các bộ phận của chúng; máy ghi và tái tạo âm thanh, máy ghi và tái tạo hình ảnh và âm thanh truyền hình, bộ phận và phụ kiện của các loại máy trên

 44.165

Chương 85: Máy điện và thiết bị điện và các bộ phận của chúng; máy ghi và tái tạo âm thanh, máy ghi và tái tạo hình ảnh và âm thanh truyền hình, bộ phận và phụ kiện của các loại máy trên

                           97.158

Chương 84: Máy móc và thiết bị cơ khí; các bộ phận của chúng

 69.214

Chương 84: Máy móc và thiết bị cơ khí; các bộ phận của chúng

  13.093

Chương 94: Đồ nội thất; bộ đồ giường, đệm, khung đệm, nệm và các đồ dùng nhồi tương tự; đèn và bộ đèn, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác; biển hiệu được chiếu sáng, biển đề tên được chiếu sáng và các loại tương tự; nhà lắp ghép

 9.177

Chương 94: Đồ nội thất; bộ đồ giường, đệm, khung đệm, nệm và các đồ dùng nhồi tương tự; đèn và bộ đèn, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác; biển hiệu được chiếu sáng, biển đề tên được chiếu sáng và các loại tương tự; nhà lắp ghép

                              9.488

Chương 90: Dụng cụ, thiết bị quang học, nhiếp ảnh, điện ảnh, đo lường, kiểm tra độ chính xác, y tế hoặc phẫu thuật; các bộ phận và phụ kiện của chúng

 12.642

Chương 90: Dụng cụ, thiết bị quang học, nhiếp ảnh, điện ảnh, đo lường, kiểm tra độ chính xác, y tế hoặc phẫu thuật; các bộ phận và phụ kiện của chúng

                              5.276

Chương 39: Nhựa và các sản phẩm bằng nhựa

 16.359

 Chương 39: Nhựa và các sản phẩm bằng nhựa

                              4.842

Chương 87: Xe cộ trừ phương tiện chạy trên đường xe lửa hoặc xe điện, và các bộ phận và phụ kiện của chúng,

 74.437

Chương 64: Giày, dép, ghệt và các sản phẩm tương tự; các bộ phận của các sản phẩm trên

                           18.990

Chương 27: Nhiên liệu khoáng, dầu khoáng và các sản phẩm chưng cất từ chúng; các chất chứa bitum; các loại sáp khoáng chất

 33.231

Chương 62: Quần áo và các hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc

                           15.153

Chương 30: Dược phẩm

 13.857

Chương 61: Quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc

                           14.885

Chương 73: Các sản phẩm bằng sắt hoặc thép

 10.325

Chương 03: Cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thuỷ sinh không xương sống khác

                              6.205

Chương 71: Ngọc trai tự nhiên hoặc nuôi cấy, đá quý hoặc đá bán quý, kim loại quý, kim loại được dát phủ kim loại quý, và các sản phẩm của chúng; đồ trang sức làm bằng chất liệu khác; tiền kim loại

 10.330

Chương 08: Quả và quả hạch ăn được; vỏ quả thuộc họ cam quýt hoặc các loại dưa

                              5.713

Nguồn: ITC TradeMap, 2021

Cơ hội từ môi trường kinh doanh được cải thiện

CPTPP cùng với các cam kết về quy tắc, thể chế, minh bạch hóa, chống tham nhũng, đặc biệt là trong các thủ tục xuất nhập khẩu và môi trường kinh doanh sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam nói chung, qua đó giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam nói chung và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng hóa sang Canada nói riêng.

Cơ hội cắt giảm chi phí sản xuất, cải thiện năng lực cạnh tranh

Trong CPTPP, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan cho các nước thành viên khác đối với rất nhiều hàng hóa nguyên liệu và máy móc là đầu vào sản xuất, trong đó có nhiều sản phẩm từ Canada. Do đó, đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên liệu, máy móc ngoại nhập sẽ có cơ hội mua đầu vào với giá cả tốt hơn và thêm nhiều lựa chọn thị trường nhập khẩu hơn.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đưa ra khá nhiều các cam kết trong các lĩnh vực dịch vụ, thể chế có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tiết kiệm chi phí sản xuất, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, ví dụ:

-    Các cam kết mở cửa các thị trường dịch vụ phục vụ sản xuất như tài chính (bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán), viễn thông, logistics… ở mức cao hơn WTO sẽ giúp cạnh tranh trong các lĩnh vực này tốt hơn, qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất tiếp cận các dịch vụ này với chất lượng tốt hơn, chi phí hợp lý hơn, từ đó giảm chi phí dịch vụ trong giá thành sản phẩm;

-    Các cam kết thúc đẩy môi trường cạnh tranh, các phương thức thương mại hiện đại, hỗ trợ doanh nghiệp (cạnh tranh, thương mại điện tử, doanh nghiệp nhỏ và vừa…) là điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cải thiện cải thiện năng lực cạnh tranh, tiếp cận tốt hơn với khách hàng.

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay doanh nghiệp: Tận dụng CPTPP để xuất nhập khẩu hàng hóa
giữa Việt Nam & Canada"
 - Trung tâm WTO và Hội nhập