CPTPP và Thị trường Canada: Khó khăn của hàng Việt Nam tại thị trường Canada

26/04/2021    876

-    Yêu cầu về mẫu mã, chất lượng sản phẩm nhập khẩu của người tiêu dùng Canada tương tự EU, Mỹ, Nhật…, cao hơn so với người tiêu dùng ở nhiều nước xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, ASEAN và một số nước châu Á khác;

-    Hệ thống pháp luật về thương mại của Canada khá phức tạp, bao gồm luật liên bang và nội bang. Hàng hóa nhập khẩu vào Canada phải tuân thủ đồng thời cả 2 loại luật này. Trong khi trình độ hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về pháp luật có hạn, hai hệ thống luật trên của Canada lại nhiều khi mâu thuẫn nhau, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đáp ứng;

-    Các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, về tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định nhập khẩu khác của Canada cũng cao hơn và khó đáp ứng hơn nhiều thị trường khác của Việt Nam;

-    Canada có khoảng cách địa lý xa Việt Nam nên chi phí vận chuyển và bảo quản hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này cao dẫn đến giá thành sản phẩm bị tăng lên và khó cạnh tranh với hàng hóa từ những nước có vị trí địa lý gần Canada;

-    Mức độ cạnh tranh hiện tại ở thị trường Canada là tương đối cao, đặc biệt là đối thủ Trung Quốc có nhiều sản phẩm xuất khẩu tương tự Việt Nam.

Trong bối cảnh COVID-19, cũng như nhiều thị trường khác, Canada có thể gia tăng các yêu cầu về kiểm tra kiểm soát đối với hàng hóa, phương tiện vận tải tùy theo từng thời điểm. Hơn thế nữa, dưới áp lực của tình trạng mất cân đối cung cầu trong vận tải thời dịch bệnh, vấn đề thiếu hụt container rỗng cũng như cước phí vận tải tăng cao cũng đặt sức ép nặng nề lên việc xuất khẩu hàng đi Canada. Những vấn đề phát sinh này đều sẽ khiến cho chi phí xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Canada tăng thêm hoặc biến động bất thường.

Mức độ sử dụng các rào cản phi thuế quan của Canada

Canada là một trong các nước sử dụng phổ biến nhất các biện pháp phi thuế quan (NTM) trên thế giới. Theo một điều tra năm 2015 của Ngân hàng Thế giới thì Canada có tỷ lệ tần suất sử dụng các biện NTM (tỷ lệ phần trăm các sản phẩm nhập khẩu mà bị áp dụng ít nhất một biện pháp NTM) là 95,54%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình 43,04% của 75 nước được điều tra, cao hơn so với EU (93,88%), Mỹ (61,52%), Úc (61,80%), Nhật Bản (61,20%).

Các biện pháp NTM mà Canada sử dụng nhiều nhất là: thuế tiêu dùng, yêu cầu kiểm tra sản phẩm, yêu cầu đăng ký sản phẩm, yêu cầu về chất lượng và hoạt động của sản phẩm, yêu cầu về chứng nhận sản phẩm, yêu cầu ủy quyền vì lý do kỹ thuật, yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Các mặt hàng chịu nhiều biện pháp NTM của Canada nhất là: hóa chất, kim loại, động vật, rau, thực phẩm, dệt may, sản phẩm nhựa, đồ da, đồ gỗ.

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay doanh nghiệp: Tận dụng CPTPP để xuất nhập khẩu hàng hóa
giữa Việt Nam & Canada"
 - Trung tâm WTO và Hội nhập