CPTPP và Thị trường Canada: Đặc điểm thị trường hàng hóa Việt Nam

26/04/2021    60

Quy mô thị trường

Việt Nam là một nước đang phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc hàng cao nhất trong khu vực và thế giới. Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2019 là 6,3%. 

Năm 2020, mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, nhưng GDP của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương 2,91%, đạt 268,4 tỷ USD. Trong khi nhiều nước trên thế giới có tăng trưởng GDP âm, con số này cho thấy Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực đến nền kinh tế. 

Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế từ nông nghiệp lạc hậu sang công nghiệp hiện đại. Đồng thời, Việt Nam cũng là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, với vai trò của xuất khẩu ngày càng quan trọng trong tổng sản phẩm quốc nội. Do đó, nhu cầu đối với máy móc, trang thiết bị hiện đại và nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu và xây dựng ngày càng gia tăng. 

Với tổng dân số gần 100 triệu dân và thu nhập bình quân khoảng 2,7 nghìn USD/người năm 2020, Việt Nam đang trở thành một thị trường tiêu dùng rộng lớn và tiềm năng với hàng hóa tiêu dùng nước ngoài. Là một quốc gia có dân số trẻ (khoảng 70% dân số dưới 35 tuổi), nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam cũng khá đa dạng và nắm bắt nhanh chóng với các xu hướng tiêu dùng mới, hiện đại. Tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang hình thành với khoảng 13% dân số hiện tại và dự kiến sẽ gia tăng chiếm khoảng 1/3 dân số vào năm 2026. Tầng lớp này có có tập quán mua sắm hiện đại và nhu cầu cao đối với các sản phẩm chất lượng.

Nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu

Việt Nam có 3 mặt giáp biển nên rất thuận tiện cho các hoạt động thương mại xuất nhập khẩu. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng liên tục trong những năm qua, đạt 254 tỷ USD năm 2019, tăng 7% so với năm 2018. Năm 2020, mặc dù bị tác động nặng nề bởi đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu dùng và sản xuất sụt giảm, nhưng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam vẫn tăng 3,33%.

Nhập khẩu nhằm hai mục đích chính: 

+ Nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu: Đây là nhóm hàng nhập khẩu chính của Việt Nam, chiếm tới 91% tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2019. Trong đó khoảng một nửa là nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải và phụ tùng chiếm 44,1%, nửa còn lại là nhóm nguyên nhiên vật liệu;

+ Nhập khẩu hàng tiêu dùng phục vụ tiêu dùng trong nước: Nhóm hàng này chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, trong đó chủ yếu là ô tô, điện thoại, rau quả, thực phẩm chế biến, dược phẩm, hóa mỹ phẩm…. 

Bảng 10 nhóm sản phẩm Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất năm 2019

STT

Sản phẩm

Giá trị (tỷ USD)

Tỷ trọng

1

Điện tử, máy tính và linh kiện

51,6

20,3%

2

Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng

36,6

14,4%

3

Nguyên liệu dệt may, giày dép

24.2

9,5%

4

Điện thoại và linh kiện

14,7

5,8%

5

Xăng, dầu, khí đốt

11,4

4,5%

6

Hóa chất và sản phẩm hóa chất

10,5

4,1%

7

Sắt thép

9,5

3,7%

8

Phương tiện vận tải

9,4

3,7%

9

Chất dẻo

9

3,6%

10

Gỗ, giấy

4,3

1,7%

Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2019

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay doanh nghiệp: Tận dụng CPTPP để xuất nhập khẩu hàng hóa
giữa Việt Nam & Canada"
 - Trung tâm WTO và Hội nhập