CPTPP và Thị trường Canada: Các cam kết về Phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ)

26/04/2021    608

Các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) là những công cụ có thể tạo ra rào cản đối với luồng hàng hóa nhập khẩu (thông qua việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và sau đó áp dụng biện pháp thuế bổ sung/hạn chế nhập khẩu). Đây là các biện pháp mà WTO cho phép nước nhập khẩu được sử dụng để đối phó với tình trạng hàng nhập khẩu từ nước ngoài bán phá giá, được trợ cấp hoặc nhập khẩu ồ ạt vào nước mình gây thiệt hại đáng kể hoặc nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, WTO yêu cầu các nước nhập khẩu khi điều tra và áp dụng các biện pháp này phải tuân thủ những điều kiện, yêu cầu cũng như các trình tự, thủ tục nhất định. 

Canada là nước sử dụng khá phổ biến công cụ phòng vệ thương mại. Tính từ 01/01/1995 (thời điểm thành lập WTO), Canada đã khởi xướng điều tra tổng cộng 253 vụ chống bán phá giá, 73 vụ chống trợ cấp và 4 vụ tự vệ (thống kê đến 31/12/2020). Còn Việt Nam trong những năm gần đây cũng bắt đầu sử dụng các biện pháp này, với tổng cộng 21 vụ điều tra phòng vệ thương mại tính đến hết năm 2020.

Chương Phòng vệ thương mại của CPTPP không yêu cầu các nước phải xoá bỏ hoặc hạn chế sử dụng các biện pháp này. CPTPP vẫn ghi nhận quyền của các nước thành viên trong việc áp dụng các biện pháp này trong khuôn khổ các nguyên tắc của WTO. Tuy nhiên so với WTO, CPTPP đi xa hơn thông qua việc tăng cường một số yêu cầu về minh bạch hoá thông tin, sử dụng tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng công bằng bình đẳng, có cơ chế hợp tác, giải quyết tranh chấp…

Tự vệ

CPTPP nhắc lại các nguyên tắc của Hiệp định về biện pháp tự vệ của WTO. Đồng thời, tương tự như nhiều FTA khác, CPTPP cũng bổ sung thêm một quy trình tự vệ riêng bên cạnh quy trình tự vệ chung theo WTO, đồng thời có cam kết bổ sung về ngoại lệ đối với quy trình tự vệ chung của WTO. Cụ thể, theo CPTPP, các nước có thể duy trì 02 nhóm biện pháp tự vệ, bao gồm tự vệ toàn cầu (tự vệ theo WTO như trước nay vẫn áp dụng, cộng với ngoại lệ riêng của CPTPP) và tự vệ trong thời gian chuyển đổi (tự vệ riêng của CPTPP) như dưới đây:

(i)    Tự vệ toàn cầu

Theo WTO, các nước được phép áp dụng các biện pháp tự vệ sau khi điều tra và xác định có hiện tượng một loại hàng hóa nhập khẩu tăng đột biến, gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa nước mình. Biện pháp tự vệ này thường được áp dụng dưới dạng một khoản thuế bổ sung, hạn ngạch thuế quan hoặc hạn chế lượng nhập khẩu đối với hàng hóa liên quan. Về phạm vi, theo quy định của WTO, biện pháp tự vệ phải được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các nước thành viên WTO. Do đó biện pháp này còn gọi là Tự vệ toàn cầu.

Với cam kết CPTPP, một nước CPTPP khi áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu có thể loại trừ các sản phẩm có xuất xứ CPTPP được nhập khẩu theo diện áp dụng hạn ngạch thuế quan mà nước thành viên CPTPP đã cam kết trong Phụ lục A thuộc Phụ lục 2-D của nước đó trong CPTPP. Điều kiện để thực hiện loại trừ là việc nhập khẩu các hàng hoá này không phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa của nước đó. Nói cách khác, CPTPP tạo ra một ngoại lệ về phạm vi áp dụng đối với các biện pháp tự vệ toàn cầu theo WTO.

(ii)    Tự vệ trong thời gian chuyển đổi

Theo cam kết CPTPP, một nước thành viên được phép tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ chỉ đối với hàng hoá của một hoặc nhiều nước thành viên CPTPP khác trong thời gian chuyển đổi (là khoảng thời gian 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực hoặc dài hơn tuỳ thuộc vào lộ trình cắt giảm thuế của hàng hoá bị áp dụng), nếu việc cắt giảm thuế quan trong CPTPP đối với hàng hoá đó dẫn đến lượng nhập khẩu gia tăng đột biến và gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu.

-    Các biện pháp tự vệ có thể áp dụng trong trường hợp này là i) Ngừng cắt giảm thuế quan theo lộ trình cắt giảm thuế quan đối với sản phẩm bị áp dụng, hoặc ii) Tăng thuế quan của sản phẩm bị áp dụng lên mức thuế MFN;

-    Thời gian áp dụng biện pháp tự vệ này là không quá 02 năm, có thể được gia hạn thêm 01 năm trong trường hợp cần thiết;

-    Thông báo và tham vấn: Trong quá trình điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ theo dạng này, nước điều tra phải thông báo bằng văn bản cho nước bị điều tra về việc khởi xướng điều tra, đưa ra quyết định về thiệt hại, quyết định áp dụng hoặc gia hạn biện pháp tự vệ, quyết định sửa đổi biện pháp tự vệ;

-    Đền bù: Nước áp dụng biện pháp tự vệ theo dạng này phải đền bù cho các Nước bị áp dụng cho những thiệt hại từ việc bị áp dụng biện pháp tự vệ đó. Hai Bên sẽ thống nhất với nhau về mức đền bù; nếu không thống nhất được thì Bên bị áp dụng biện pháp tự vệ có thể chủ động đình chỉ việc thực hiện một số cam kết CPTPP dành cho Bên kia ở mức lợi ích tương đương.

Chống bán phá giá, chống trợ cấp

Khác với biện pháp tự vệ, liên quan tới biện pháp chống bán phá giá và biện pháp chống trợ cấp, CPTPP không có cam kết về cơ chế nào mới đối với các biện pháp này mà chỉ khẳng định lại các nguyên tắc của WTO về vấn đề này (Hiệp định về chống bán phá giá và Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO). 

Ngoài ra, CPTPP bổ sung một số cam kết mới về hợp tác, ghi nhận một số thông lệ tốt về minh bạch và quy trình điều tra, áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp. Các thông lệ này mang tính khuyến nghị và nếu nước nào không tuân thủ thì các nước khác cũng không thể kiện theo Cơ chế giải quyết tranh chấp cấp Nhà nước của CPTPP được.

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay doanh nghiệp: Tận dụng CPTPP để xuất nhập khẩu hàng hóa
giữa Việt Nam & Canada"
 - Trung tâm WTO và Hội nhập