CPTPP và Thị trường Canada: Các cam kết về thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

26/04/2021    209

Một trong những nội dung đáng lưu ý về SHTT trong CPTPP là vấn đề thực thi bảo hộ các quyền SHTT. Đây là vấn đề được cho là khá lơi lỏng trong WTO và nhiều FTA trước đây, và bị thắt chặt trong Hiệp định này. 

Cụ thể, CPTPP đặt ra các yêu cầu mới, chi tiết về 05 nhóm vấn đề liên quan tới thực thi bảo hộ quyền SHTT sau:

(i)    Các cam kết về nguyên tắc chung liên quan tới thực thi quyền SHTT

Nhóm này bao gồm các nguyên tắc chung liên quan tới việc thực thi như phải thiết lập hệ thống pháp luật về các biện pháp xử lý hành vi vi phạm SHTT, hay phải đảm bảo triển khai các biện pháp thực thi một cách công bằng, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, ít tốn kém, không tạo ra rào cản đối với thương mại và có cách thức để hạn chế lạm dụng.

Tuy nhiên, các nước CPTPP vẫn có quyền tự chủ trong việc xác định cách thức thực hiện các biện pháp thực thi và bảo hộ quyền SHTT này (theo hệ thống riêng hay dùng hệ thống tố tụng chung).

(ii)    Các cam kết cụ thể liên quan thủ tục thực thi quyền SHTT

Nhóm này bao gồm các cam kết liên quan tới một số vấn đề cụ thể trong thực thi bảo hộ quyền SHTT, ví dụ:

1)    Yêu cầu chung về công khai, minh bạch: 

CPTPP yêu cầu rằng các phán quyết/quyết định thực thi về SHTT có giá trị áp dụng chung phải bằng văn bản, nêu rõ các căn cứ thực tế và lập luận pháp lý, phải được công khai cho công chúng…

2)    Các biện pháp thực thi SHTT tại biên giới

Các biện pháp thực thi tại biên giới trong CPTPP ràng buộc trách nhiệm của Nhà nước và chủ thể quyền trong hành động bảo vệ nhãn hiệu thương mại, quyền tác giả và các quyền liên quan tại biên giới, bao gồm:

+ Phải cho phép các chủ thể quyền được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tại biên giới (ví dụ cơ quan hải quan) dừng thông quan, thu giữ sản phẩm nghi ngờ vi phạm và phải có thủ tục với thời hạn hợp lý để cơ quan có thẩm quyền xem xét xác định hàng hóa bị nghi ngờ có thực sự vi phạm SHTT không;

+ Chủ thể yêu cầu đình chỉ thông quan hoặc thu giữ sản phẩm nghi ngờ vi phạm phải cung cấp bằng chứng chứng minh thích hợp và các thông tin mà chủ thể này biết để giúp cơ quan có thẩm quyền xác định/nhận diện được sản phẩm vi phạm, phải nộp một khoản tiền bảo đảm/bảo chứng đủ để bảo vệ bên bị ngăn chặn và cơ quan có thẩm quyền…;

+ Các cơ quan có thẩm quyền tại biên giới phải có thẩm quyền tự khởi xướng các biện pháp thực thi tại biên giới đối với hàng hóa nhập khẩu (không có lộ trình riêng cho Việt Nam), hàng hóa xuất khẩu (lộ trình thực hiện của Việt Nam là 3 năm), hàng hóa quá cảnh (lộ trình 2 năm) nghi ngờ có vi phạm; quyền ra kết luận vi phạm và xử lý tiêu hủy sản phẩm vi phạm kể cả đối với các lô hàng nhỏ (chỉ không bắt buộc đối với trường hợp hành lý phi thương mại của hành khách).

3)    Yêu cầu về biện pháp xử lý vi phạm theo thủ tục dân sự/hành chính: 

CPTPP quy định một số các nguyên tắc cụ thể liên quan tới thủ tục tố tụng hành chính hoặc tư pháp để bảo vệ quyền SHTT. Ví dụ:

+ Chủ sở hữu quyền phải được phép kiện ra Tòa để yêu cầu thi hành các quyền SHTT;

+ Các Tòa án phải có quyền yêu cầu chủ thể bị cáo buộc vi phạm phải cung cấp thông tin/bằng chứng vi phạm mà họ đang kiểm soát cho chủ thể quyền hoặc Tòa án; quyền ban hành các lệnh áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn hàng hóa vi phạm SHTT đưa vào lưu thông thương mại và quyết định buộc bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu…;

+ Phải có những quy định cụ thể liên quan tới việc bồi thường thiệt hại cho chủ thể quyền (cách thức xác định các mức bồi thường, các hình thức bồi thường có thể áp dụng…); 

+ Phải tuân thủ một số quy tắc tố tụng dân sự/hành chính riêng đối với nhãn hiệu thương mại, quyền tác giả và các quyền liên quan, ví dụ: quy tắc suy đoán về quyền (người có tên trên sản phẩm được suy đoán là chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan; nhãn hiệu thương mại đã đăng ký được suy đoán là có giá trị pháp lý…); quy tắc về tính toán mức thiệt hại phải bồi thường (trong đó đáng chú ý là mức bồi thường phải bao gồm cả lợi nhuận mà bên vi phạm thu được từ việc vi phạm); quy tắc bắt buộc tiêu hủy sản phẩm vi phạm mà không có bồi thường nếu chủ sở hữu quyền có yêu cầu….

4)    Các biện pháp xử lý vi phạm theo thủ tục hình sự

CPTPP đưa ra các yêu cầu cụ thể về các trường hợp vi phạm SHTT bắt buộc phải xử lý hình sự cùng với các điều kiện kèm theo. Đây là cam kết được coi là có tính cứng rắn nhất nhằm thực thi bảo hộ các quyền SHTT trong các FTA từ trước tới nay.

Lưu ý với doanh nghiệp

Mặc dù các tiêu chuẩn bảo hộ SHTT trong pháp luật Việt Nam thời gian qua cơ bản đã phù hợp với Hiệp định TRIPS của WTO, và do đó khá tương đồng với mặt bằng chung về bảo hộ SHTT trên thế giới, vấn đề thực thi bảo hộ các quyền này trên thực tế còn nhiều bất cập. Nguyên nhân có thể là do các cơ chế thực thi chưa đủ mạnh để ngăn chặn, phát hiện hành vi vi phạm, các biện pháp bồi thường chưa đủ lớn để khuyến khích chủ sở hữu quyền tự bảo vệ quyền, hoặc các biện pháp xử lý vi phạm chưa đủ nghiêm khắc…

Thực tế này cũng khiến cho hiện tượng vi phạm SHTT đôi khi phổ biến, và các chủ thể vi phạm SHTT ít quan tâm tới hệ quả của các hành vi vi phạm.

Khi CPTPP có hiệu lực, hệ thống pháp luật về thực thi SHTT của Việt Nam sẽ buộc phải thay đổi theo các cam kết trong CPTPP, với nhiều yêu cầu chi tiết về cơ chế, cách thức, các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong quá trình thực thi… Do đó, doanh nghiệp và người dân sử dụng các sản phẩm SHTT cần thay đổi hành vi tương ứng, để tránh việc vi phạm và phải chịu các biện pháp xử phạt nghiêm khắc về SHTT.

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay doanh nghiệp: Tận dụng CPTPP để xuất nhập khẩu hàng hóa
giữa Việt Nam & Canada"
 - Trung tâm WTO và Hội nhập