CPTPP và Thị trường Canada: Các cam kết về Sở hữu trí tuệ

26/04/2021    692

CPTPP có một Chương riêng (Chương 18) về Sở hữu trí tuệ (SHTT). So với Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) của WTO thì CPTPP có phạm vi cam kết rộng hơn, chi tiết hơn, với mức độ bảo hộ cao hơn ở nhiều khía cạnh SHTT.  Các cam kết về SHTT trong CPTPP được áp dụng cho tất cả các nước thành viên, trong đó có Việt Nam và Canada. Tuy nhiên, do là nước kém phát triển nhất trong CPTPP, Việt Nam được hưởng một số linh hoạt về lộ trình thực hiện. 

Về nội dung, các cam kết về SHTT trong CPTPP bao gồm 04 nhóm chủ yếu, cụ thể:

-    Nhóm cam kết chung: Nhóm này bao gồm các cam kết về việc gia nhập các Công ước về SHTT được liệt kê (Việt Nam được hưởng lộ trình gia nhập muộn hơn 2-3 năm tùy Công ước); về các nguyên tắc chung như đối xử quốc gia, minh bạch; và về các vấn đề khác như hợp tác giữa các nước CPTPP trong bảo vệ quyền SHTT.

-    Nhóm các cam kết về các tiêu chuẩn bảo hộ SHTT: CPTPP bao gồm các cam kết về tiêu chuẩn bảo hộ đối với từng loại loại tài sản SHTT như nhãn hiệu thương mại, sáng chế, quyền tác giả và quyền liên quan, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý… Các tiêu chuẩn của CPTPP dựa trên và trong nhiều trường hợp là cao hơn so với các tiêu chuẩn tương ứng của Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền SHTT của WTO (TRIPS).

-    Nhóm các cam kết về một số sản phẩm SHTT đặc thù: Bên cạnh các tiêu chuẩn chung đối với các nhóm tài sản SHTT, CPTPP còn bao gồm các cam kết riêng về tiêu chuẩn áp dụng đối với một số loại sản phẩm SHTT đặc thù như dược phẩm, nông hóa phẩm, giống cây trồng, các vấn đề SHTT thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin (tín hiệu vệ tinh, các công cụ bảo mật, trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ mạng…).

-    Nhóm các cam kết liên quan tới việc thực thi các quyền SHTT: Nhóm này bao gồm các cam kết về cách thức thực thi bảo vệ các quyền SHTT theo hướng tăng cường các hành động thực thi và bảo hộ các quyền SHTT và xử lý nghiêm khắc hơn các vi phạm quyền SHTT so với TRIPS.

Theo nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) gần như tuyệt đối trong Hiệp định TRIPS của WTO, hầu như tất cả các cam kết SHTT trong CPTPP không chỉ áp dụng giữa các đối tác CPTPP mà áp dụng chung cho tất cả các thành viên WTO. Đây là điểm khác biệt giữa cam kết SHTT với phần lớn các cam kết khác trong CPTPP (chỉ áp dụng với đối tác CPTPP). Và đây cũng chính là lý do mà các cam kết tiêu chuẩn cao về SHTT dự kiến sẽ tác động tới tất cả các doanh nghiệp liên quan, dù có tham gia vào quá trình trao đổi thương mại với các nước CPTPP hay không.

Ngoại trừ các bảo lưu riêng, các cam kết trong Chương SHTT của CPTPP áp dụng chung cho tất cả các nước thành viên CPTPP, trong đó có Việt Nam và Canada. Các nước CPTPP có thể áp dụng mức độ bảo hộ SHTT cao hơn cam kết CPTPP, nhưng trong mọi trường hợp không thể thấp hơn mức trong cam kết CPTPP. 

Dưới đây là tóm tắt một số nội dung chính trong cam kết SHTT của CPTPP, cùng với các bảo lưu riêng của Việt Nam (chủ yếu là bảo lưu lộ trình áp dụng), đối với một số loại hình SHTT dự kiến sẽ có tác động nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ở Việt Nam:

Nhãn hiệu thương mại: 

-    Đối tượng bảo hộ: Ngoài các đối tượng truyền thống mà pháp luật Việt Nam đang bảo hộ (như chữ, ký hiệu, từ ngữ, hình ảnh), CPTPP còn mở rộng ra cả âm thanh, và khuyến khích các nước bảo hộ cả mùi; đối với tất cả các đối tượng được bảo hộ, không bắt buộc phải “nhìn thấy được”. Về việc phải bảo hộ nhãn hiệu thương mại dưới hình thức âm thanh, Việt Nam chỉ phải thực hiện nghĩa vụ này sau 3 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực.

-    Thời gian bảo hộ: CPTPP yêu cầu các nước Thành viên phải bảo hộ nhãn hiệu thương mại tối thiểu là 10 năm, và có thể được gia hạn nhiều lần, tương tự như pháp luật Việt Nam hiện hành.

-    Quyền của chủ sở hữu: Chủ thể này có đặc quyền ngăn cản các chủ thể khác sử dụng các dấu hiệu (bao gồm cả chỉ dẫn địa lý có sau) giống hệt hoặc tương tự cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc gần với loại hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký nhãn hiệu của mình nếu việc sử dụng này có thể gây ra nhầm lẫn (dấu hiệu trùng được suy đoán đương nhiên là “có thể gây nhầm lẫn”). Tuy nhiên, CPTPP vẫn cho phép việc các chủ thể khác sử dụng các thuật ngữ mô tả có trong nhãn hiệu đã được bảo hộ nếu việc sử dụng đó là ngay tình, và có tính đến lợi ích của chủ nhãn hiệu và các bên thứ ba.

Sáng chế

-    Tiêu chí bảo hộ: i) Tất cả các sáng tạo, dù là sản phẩm hay quy trình, trong tất cả các lĩnh vực, nếu mới, có tính sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp thì đều có thể được bảo hộ dưới dạng sáng chế; ii) Có yêu cầu về “ân hạn” cho tiêu chí về tính mới, theo đó các nước thành viên cam kết phải bảo hộ cho sáng tạo đã công bố công khai (tức là không còn tính mới) nếu việc công bố đó là do chính chủ thể nộp đơn xin bảo hộ thực hiện hoặc nếu là do người khác thì người đó đã lấy thông tin công bố từ chính chủ thể nộp đơn, và nếu việc công bố đó thực hiện trong vòng 12 tháng liền trước thời điểm nộp đơn đăng ký (gọi là “giai đoạn ân hạn” cho tính “mới” của sáng chế).

-    Đối tượng được bảo hộ: Các đối tượng bị loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ là các phương pháp phòng ngừa, chẩn đoán, chữa bệnh cho người và động vật; động vật không phải vi sinh vật, quy trình sản xuất động thực vật trừ quy trình sinh học hoặc vi sinh. Ngoài ra, một nước Thành viên có thể loại trừ khỏi phạm vi bảo hộ các đối tượng nhất định nếu việc ngăn chặn khai thác thương mại trên lãnh thổ nước mình các đối tượng này là cần thiết để bảo vệ trật tự công cộng hoặc đạo đức, bao gồm cả việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng động thực vật hoặc để tránh những thiệt hại đáng kể đối với thiên nhiên, môi trường. Các quy định này tương tự như Hiệp định TRIPS của WTO. 

Chỉ dẫn địa lý

Chỉ dẫn địa lý, hiểu đơn giản là các chỉ dẫn về sản phẩm đặc trưng có nguồn gốc từ một khu vực địa lý hay vùng lãnh thổ nhất định (chủ yếu là các sản phẩm nông sản, rượu, thực phẩm…). Các chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ chỉ được phép sử dụng cho các sản phẩm trong vùng/khu vực địa lý đó. Sản phẩm tương tự nhưng có nguồn gốc ở khu vực địa lý khác sẽ không được mang chỉ dẫn này. Ví dụ nếu chỉ dẫn địa lý Xoài cát Hòa Lộc được bảo hộ thì quả xoài từ cây có giống xoài cát Hòa Lộc nhưng được trồng ở bất kỳ nơi nào khác ngoài xã Hòa Lộc (Cái Bè, Tiền Giang) sẽ không được mang tên “xoài cát Hòa Lộc”. 

Trong CPTPP, cam kết về chỉ dẫn địa lý có 02 nội dung đáng chú ý sau:

-    Về cơ chế bảo hộ: Các nước CPTPP có thể lựa chọn bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo cơ chế riêng hoặc bảo hộ theo cơ chế chung với nhãn hiệu thương mại. 

Trên thực tế Việt Nam đã và đang bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo cơ chế riêng, không trùng với cơ chế bảo hộ nhãn hiệu thương mại.

-    Về quyền ưu tiên: Trường hợp có nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với một chỉ dẫn địa lý mà nhãn hiệu lại được bảo hộ trước (đã đăng ký trước hoặc đã trở nên nổi tiếng trước), mặc dù chỉ dẫn địa lý vẫn được bảo hộ nhưng quyền của chủ nhãn hiệu sẽ được ưu tiên hơn. 

Độc quyền dữ liệu đối với nông hóa phẩm

Nông hóa phẩm là các sản phẩm có chứa hóa chất phục vụ nông nghiệp, như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, các loại hóa chất vệ sinh chuồng trại… 

Cam kết SHTT đặc thù nhất trong CPTPP đối với nông hóa phẩm là cam kết về thời hạn bảo hộ đối với kết quả thử nghiệm và các dữ liệu khác về tính an toàn/hiệu quả của nông hóa phẩm chưa công khai được xuất trình khi đăng ký lưu hành nông hóa phẩm (còn gọi là cam kết về “Độc quyền dữ liệu”). 

Cụ thể, cam kết này bao gồm các nội dung cơ bản sau:

-    Nếu người nộp đơn xin phép lưu hành một nông hóa phẩm mới phải cung cấp các kết quả thử nghiệm/dữ liệu khác chưa công bố về mức độ an toàn và hiệu quả của sản phẩm thì trong vòng 10 năm sau đó, cơ quan cấp phép sẽ không được dựa trên các thông tin này để cho phép người khác lưu hành nông hóa phẩm cùng loại/tương tự trừ khi được người đã cung cấp thông tin đồng ý;

-    Cam kết tương tự với trường hợp cấp phép lưu hành nông hóa phẩm dựa trên bằng chứng về việc đã được cấp phép lưu hành trên thị trường nước ngoài. 

Cam kết này có hiệu lực ngay khi CPTPP có hiệu lực. Tuy nhiên, trong các Thư song phương với các đối tác, liên quan tới cam kết này, các nước thành viên CPTPP, trong đó có Canada, cam kết sẽ không kiện Việt Nam theo cơ chế giải quyết tranh chấp cấp Chính phủ của CPTPP (cơ chế nêu tại Chương 28 CPTPP) trong vòng 05 năm sau năm thứ 05 kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực. Nói cách khác Việt Nam có 10 năm để chuẩn bị cho việc thực thi nghĩa vụ này.

Cam kết về độc quyền dữ liệu đối với nông hóa phẩm có thể dẫn đến một số tác động đáng chú ý:

-    Tạo ra lợi thế lớn cho các chủ thể lần đầu đưa ra dữ liệu thử nghiệm khi đăng ký lưu hành nông hóa phẩm (bởi trong vòng 10 năm sau đó, không ai được tự động sử dụng dữ liệu thử nghiệm đó nữa dù có thể dữ liệu thử nghiệm đó công khai, đáng tin cậy, và việc thử nghiệm lại cũng chỉ cho kết quả tương tự);

-    Hạn chế khả năng đăng ký lưu hành với sản phẩm tương tự, qua đó khiến giá của nông hóa phẩm đã lưu hành ít có khả năng giảm (do ít cạnh tranh).

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay doanh nghiệp: Tận dụng CPTPP để xuất nhập khẩu hàng hóa
giữa Việt Nam & Canada"
 - Trung tâm WTO và Hội nhập