CPTPP và Thị trường Canada: Các cam kết về Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT)

26/04/2021    433

Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT) là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu và/hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hoá nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó. CPTPP có một Chương riêng về TBT (Chương 8), với các cam kết áp dụng chung cho tất cả các nước thành viên, và tất cả các sản phẩm liên quan.

Trong Chương TBT, CPTPP không cản trở quyền của các nước thành viên trong việc chủ động ban hành và thực thi các biện pháp TBT theo nhu cầu của nước mình. Tuy nhiên, trong quá trình này các nước, trong đó có Việt Nam và Canada, phải tuân thủ một số nguyên tắc và quy định nhất định thuộc 02 nhóm cam kết chính sau:

•    Nhóm cam kết gắn với các nghĩa vụ trong WTO 

-    Các cam kết nhấn mạnh việc tuân thủ các nguyên tắc WTO về TBT (Việt Nam cũng như Canada có quyền ban hành TBT nhưng phải dựa trên các căn cứ khoa học xác đáng, khi soạn thảo phải lấy ý kiến bình luận, khi áp dụng phải công bằng không phân biệt đối xử …); và 

-    Cam kết bổ sung thêm một số chi tiết liên quan tới các yêu cầu về minh bạch trong WTO.

•    Nhóm cam kết riêng của CPTPP

CPTPP có bổ sung một số cam kết mới về TBT so với WTO, trong đó có cam kết về nghĩa vụ quản lý tổ chức đánh giá sự phù hợp. Trong quan hệ xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Canada, có một số cam kết đáng chú ý:

-    Việt Nam không được đối xử phân biệt giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp đặt trụ sở Canada với các tổ chức đặt trụ sở tại lãnh thổ nước mình, và ngược lại;

-    Việt Nam và Canada không được yêu cầu các tổ chức đánh giá sự phù hợp phải đặt trụ sở hay đặt văn phòng đại diện trên lãnh thổ nước mình;

-    Việt Nam và Canada không được yêu cầu hợp pháp hóa các giấy tờ về đánh giá sự phù hợp (ví dụ chứng nhận hợp quy, văn bản xác nhận bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật đối với từng thị trường…) do tổ chức đánh giá sự phù hợp của nước kia phát hành.

CPTPP còn có một số cam kết TBT riêng đối với 06 nhóm hàng hóa là rượu vang và đồ uống chưng cất, các sản phẩm công nghệ thông tin, dược phẩm, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm đóng gói và phụ gia thực phẩm. Trường hợp hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai Bên thuộc nhóm này, Việt Nam và Canada phải bảo đảm tuân thủ các cam kết này.

Ví dụ về một số ràng buộc về TBT đối với rượu vang và đồ uống chưng cất

Khi ban hành và thực thi các tiêu chuẩn TBT đối với các sản phẩm này, Việt Nam và Canada phải bảo đảm:

  • Cho phép sản phẩm nhập khẩu được lựa chọn ghi nhãn về độ cồn theo cả kiểu alc/vol hoặc theo kiểu độ cồn tối đa;
  • Nếu yêu cầu rượu phải được dán nhãn với các thông tin về tên sản phẩm, nước xuất xứ, trọng lượng tịnh, độ cồn thì phải cho phép nhãn đó chỉ cần ghi trên thùng chứa rượu hoặc bao bì khác là đủ;
  • Không được yêu cầu ghi trên nhãn chai, thùng chứa các thông tin về ngày sản xuất, ngày hết hạn, ngày bán, trừ một số trường hợp đặc biệt;
  • Không được bắt buộc phải dịch nhãn hiệu thương mại của rượu trên chai, thùng chứa hoặc bao bì khác…

 

Ví dụ về một số ràng buộc về TBT đối với mỹ phẩm

Ví dụ liên quan tới mỹ phẩm, theo Chương TBT của CPTPP, Việt Nam cũng như Canada không được yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp các thông tin liên quan tới giá và chi phí trong hồ sơ đăng ký lưu hành mỹ phẩm; hay phải ghi số đăng ký lưu hành trên nhãn sản phẩm…

Đối với dược phẩm, khi xem xét đơn xin đăng ký lưu hành của doanh nghiệp cho dược phẩm của Bên kia, cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam cũng như Canada phải bảo đảm rằng:

  • Việc xem xét phải dựa trên các tiêu chí nhất định được liệt kê (bao gồm thông tin về mức độ an toàn và hiệu quả; về chất lượng sản xuất; thông tin ghi nhãn về mức độ an toàn, hiệu quả và cách sử dụng; các thông tin khác ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và an toàn của người sử dụng);
  • Không yêu cầu cung cấp các thông tin về tài chính;
  • Hướng tới việc bỏ qua các dữ liệu về giá dược phẩm khi xem xét để ra quyết định cấp phép đăng ký lưu hành…

 

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay doanh nghiệp: Tận dụng CPTPP để xuất nhập khẩu hàng hóa
giữa Việt Nam & Canada"
 - Trung tâm WTO và Hội nhập