CPTPP và Thị trường Canada: Cam kết về thuế quan của Canada cho hàng hóa của Việt Nam

26/04/2021    2363

Thuế nhập khẩu

Tương tự như Việt Nam, trong CPTPP, Canada có cam kết thuế quan nhập khẩu ưu đãi cụ thể cho từng dòng thuế. Đối với mỗi dòng thuế, Canada cũng áp dụng mức ưu đãi chung đối với tất cả các nước CPTPP, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, đối với một số sản phẩm thuộc Chương 02 - Thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ, Canada áp dụng các mức thuế quan ưu đãi riêng cho từng nước thành viên CPTPP.

Nhìn trong toàn bộ Biểu thuế, mức thuế quan nhập khẩu ưu đãi mà Canada cam kết dành cho hàng hóa của Việt Nam như sau:

-    94,5% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực với Canada (ngày 30/12/2018), tương đương 77,9% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam;

-    96,3% tổng số dòng thuế sẽ được xóa bỏ vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (tức ngày 01/01/2021), tương đương 93,4% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam;

-    Áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với 96 dòng thuế của 3 nhóm mặt hàng: (i) thịt gà; (ii) trứng và (iii) bơ sữa và sản phẩm bơ sữa.

Cho tới trước CPTPP, Canada chưa có FTA nào với Việt Nam. Do đó về nguyên tắc hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào nước này phải chịu mức thuế MFN (như tất cả các nước WTO khác). Tuy nhiên, một số nhóm sản phẩm của Việt Nam nhập khẩu vào Canada được hưởng thuế quan ưu đãi theo Chế độ Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GPT) mà Canada đơn phương dành cho các nước đang và kém phát triển, trong đó có Việt Nam. Các sản phẩm thuộc diện GPT được hưởng mức thuế ưu đãi hơn so với thuế MFN. Hơn nữa điều kiện hưởng ưu đãi theo GPT khá ngặt nghèo (chủ yếu là quy tắc xuất xứ quá khó) nên không dễ được hưởng mức thuế GPT ưu đãi này.

Năm 2020, thuế MFN trung bình áp dụng của Canada là 2,69%, còn thuế GPT trung bình là 2,02%. So với các nước thành viên CPTPP khác, thuế quan trung bình áp dụng của Canada là tương đối thấp. Mặc dù vậy, xét theo từng nhóm sản phẩm, thuế MFN của Canada đối với các sản phẩm công nghiệp thường là 0% hoặc rất thấp, tuy nhiên một số sản phẩm nông nghiệp lại có mức thuế quan tương đối cao, có sản phẩm lên tới 238%. 

Như vậy, với CPTPP, hàng hóa Việt Nam sẽ có lợi thế nhất định khi xuất khẩu sang Canada so với hiện tại, nhất là các sản phẩm nông nghiệp.

Chế độ Ưu đãi Thuế quan Phổ cập của Canada

Từ năm 1974, Canada áp dụng Chế độ Ưu đãi Thuế quan Phổ cập (GPT) dành cho các nước đang và kém phát triển nhằm cắt giảm thuế quan cho một số loại hàng hóa nhập khẩu từ các nước này. Việt Nam là một trong những nước được hưởng GPT của Canada. Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm xuất khẩu sang Canada đều được hưởng GPT. Một số mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh thuộc nhóm dệt may, giày dép và hóa chất lại được xếp vào diện nhạy cảm của Canada và nước này không cho hưởng GPT.

Để được hưởng GPT của Canada, hàng hóa phải đảm bảo hàm lượng nguyên liệu có xuất xứ không thấp hơn 60%. Đây là một tỷ lệ khá cao so với mức phổ biến 40% ở các FTA. Mặc dù quy tắc này cho phép cộng gộp các nguyên liệu từ các nước được hưởng GPT khác của Canada nhưng các nước này đều không phải là nguồn nhập khẩu nguyên liệu chính của Việt Nam. Nguồn nhập khẩu nguyên liệu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc không được hưởng GPT của Canada. Một số nguồn khác như ASEAN thì ngoài Việt Nam chỉ có Lào, Campuchia, và Philippines được hưởng GPT của Canada. Do đó, để đáp ứng được yêu cầu xuất xứ để hưởng thuế GPT của Canada là tương đối khó với hàng hóa của Việt Nam.

Thêm vào đó, GPT là một hình thức ưu đãi đơn phương do Canada tự nguyện dành cho một số nước đang và kém phát triển (chứ không phải như các FTA khi mà các cam kết ưu đãi được thực hiện theo hình thức “có đi có lại”). Do đó, việc lựa chọn sản phẩm nào cho ưu đãi, ưu đãi ở mức nào và trong bao lâu do Canada toàn quyền quyết định. Rất nhiều sản phẩm Việt Nam có lợi thế xuất khẩu như một số sản phẩm nông nghiệp, dệt may hay giày dép lại không được hưởng GPT của Canada.

Trong khi đó theo CPTPP 100% hàng hóa của Việt Nam sẽ được cắt giảm thuế theo lộ trình (ngắn) hoặc áp dụng hạn ngạch (chỉ một số ít sản phẩm). Quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan CPTPP cũng được đánh giá là dễ áp dụng hơn so với GPT.

Do đó, CPTPP có nhiều lợi thế và hứa hẹn mở thêm nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Canada hơn so với GPT của nước này.

 

Bảng dưới đây tổng hợp cam kết CPTPP của Canada đối với một số sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu. Đa số các sản phẩm này đều có mức thuế MFN hoặc GPT trung bình tương đối thấp (trừ giày dép và một số sản phẩm dệt may) và được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực (trừ một số sản phẩm dệt may, giày dép chỉ được xóa bỏ thuế quan theo lộ trình).

Bảng cam kết thuế quan của Canada cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong CPTPP

Chương

Sản phẩm

Mức thuế MFN trung bình 2020 của Canada (%)

Mức thuế GPT trung bình 2020 của Canada (%)

Cam kết cắt giảm thuế của Canada trong CPTPP

85

Máy điện và thiết bị điện và các bộ phận của chúng; máy ghi và tái tạo âm thanh, máy ghi và tái tạo hình ảnh và âm thanh truyền hình, bộ phận và phụ kiện của các loại máy trên

 

1,13 %

 0,57%

Xóa bỏ thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực với tất cả dòng thuế

64

Giày dép

12,22 %

 10,73%

  • Xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 55/69 (chiếm khoảng 80%) dòng thuế giày dép của Việt Nam
  • Lộ trình 7 năm với 1 dòng thuế mã HS 6403.40.00 (Giày, dép thể thao khác, có mũi bằng kim loại để bảo vệ)
  • Lộ trình 11 năm với 3/69 dòng thuế bao gồm mã HS 6403.51.00ex, 6403.59.90ex, 6403.99.90ex (thuộc loại Dép đi trong nhà)
  • Lộ trình 12 năm (giữ ở mức thuế cơ sở từ năm thứ nhất đến năm thứ 8, bắt đầu cắt giảm thuế từ năm thứ 9, và sẽ được miễn thuế kể từ năm thứ 12) với 9/69 dòng thuế bao gồm: Giày, dép không thấm nước có đế ngoài và mũ giày bằng cao su hoặc plastic, mũ giày, dép không gắn hoặc lắp ghép với đế bằng cách khâu, tán đinh, xoáy ốc, cắm đế hoặc các cách tương tự thuộc các mã HS 6401.10.19, 6401.10.20, 6401.92.91, 6401.92.92, 6401.99.12, 6401.99.19, 6401.99.20; Giày dép khác có Mũi giày được gắn kim loại để bảo vệ có mã HS 6402.91.10; Giày, dép có đế ngoài bằng cao su hoặc plastic – loại khác có mã HS 6404.19.90
  • Lộ trình 12 năm (giảm còn ¼ mức thuế cơ sở vào năm thứ nhất, giữ thuế này đến năm thứ 11, và miễn thuế từ năm thứ 12) với 1 dòng thuế mã HS 6403.91.00 (Giày cổ cao quá mắt cá chân có đế ngoài bằng cao su, plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp và mũ giày bằng da thuộc)

50-63

Dệt may

  •  1,13% đối với các sản phẩm dệt may Chương 50-60
  •  16,05% đối với các sản phẩm dệt may Chương 61-63
  •  0,79% đối với các sản phẩm dệt may Chương 50-60
  •  15,48% đối với các sản phẩm dệt may Chương 61-63
  • Xóa bỏ thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực với 1068/1203 (tương đương khoảng 88,8%) dòng thuế dệt may của Việt Nam
  • Lộ trình 4 năm với 107/1203 dòng thuế, chủ yếu thuộc về mặt hàng may mặc
  • Lộ trình 6 năm với 28/1203 dòng thuế (thảm và các loại hàng dệt trải sàn)

84

Máy móc và thiết bị cơ khí; các bộ phận của chúng

 

0,36 %

 0,07%

Xóa bỏ thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực với tất cả dòng thuế


90

 

Dụng cụ và thiết bị quang học, nhiếp ảnh, điện ảnh, đo lường, kiểm tra, chính xác, y tế hoặc phẫu thuật; các bộ phận và phụ kiện của chúng

 

0,83 %

 0,05%

Xóa bỏ thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực với tất cả dòng thuế

44 và 9403.30-60

Đồ gỗ

-  1,52% đối với gỗ và các sản phẩm gỗ Chương 44

-   5,7% đối với đồ nội thất bằng gỗ có mã HS. 9403.30-60

- 0,41% đối với gỗ và các sản phẩm gỗ Chương 44

- 3,6% đối với đồ nội thất bằng gỗ có mã HS. 9403.30-60

Xóa bỏ thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực với tất cả dòng thuế

72


Sắt và thép

0 %

0 %

Xóa bỏ thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực với tất cả dòng thuế

39

Nhựa và các sản phẩm bằng nhựa

 

1,47%

 0,68%

Xóa bỏ thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực với tất cả dòng thuế

03 và 16.04, 16.05

Thủy sản

- 0,65% đối với sản phẩm thuỷ sản thuộc Chương 3

- 4,28% đối với chế phẩm thuỷ sản mã HS 16.04, 16.05

- 0,53% đối với sản phẩm thuỷ sản thuộc Chương 3

- 3,53% đối với chế phẩm thuỷ sản mã HS 16.04, 16.05

Xóa bỏ thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực với tất cả dòng thuế

07, 08, và 20

Rau quả

- 0,4 % đối với các sản phẩm rau tươi và sơ chế Chương 07

- 0,85% đối với các sản phẩm quả tươi và sơ chế Chương 08

- 5,71% đối với các sản phẩm rau quả đã qua chế biến Chương 20

- 1,61% đối với các sản phẩm rau tươi và sơ chế Chương 07

- 1,04% đối với các sản phẩm quả tươi và sơ chế Chương 08

- 5,41% đối với các sản phẩm rau quả đã qua chế biến Chương 20

Xóa bỏ thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực với tất cả dòng thuế

 

Thuế xuất khẩu

Khác với Việt Nam, Canada cam kết không áp dụng thuế xuất khẩu đối với tất cả các hàng hóa xuất khẩu. 

Lưu ý doanh nghiệp

Để thực hiện các cam kết về ưu đãi thuế quan trong CPTPP, các nước thành viên thường sẽ ban hành các văn bản pháp luật nội địa cụ thể chứ không áp dụng trực tiếp các cam kết. Do đó, các Biểu cam kết của các nước thành viên chỉ có giá trị tham khảo. Để biết thuế quan cụ thể được áp dụng, doanh nghiệp phải tra cứu văn bản pháp luật nội địa.

Đối với Canada, để tận dụng các cam kết cắt giảm, loại bỏ thuế nhập khẩu trong CPTPP của Việt Nam, doanh nghiệp cần tra cứu các quy định nội địa của Canada thực hiện CPTPP, bao gồm:

  • Đạo luật thực hiện CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership Implementation Act, S.C. 2018, c. 23): Đạo luật này bao gồm các nội dung tổng thể sửa đổi từng đạo luật liên quan để thực thi CPTPP
  • Các quy định thực hiện CPTPP trong các lĩnh vực cụ thể (như thuế quan ưu đãi, quy tắc xuất xứ, toà án thương mại quốc tế)

Tổng hợp các văn bản thực thi CPTPP của Canada có thể tham khảo tại đây:

https://laws-lois.justice.gc.ca/eng/annualstatutes/2018_23/FullText.html

https://laws-lois.justice.gc.ca/Search/Search.aspx?&h1dd3n1d=0CBUTVGHM3RC-40&ddC0nt3ntTyp3=ActsRegs&h1dd3nPag3Num=8&txtS3archA11=CPTPP&h1ts0n1y=1#results

 

Nguồn: Trích dẫn "Sổ tay doanh nghiệp: Tận dụng CPTPP để xuất nhập khẩu hàng hóa
giữa Việt Nam & Canada"
 - Trung tâm WTO và Hội nhập