CPTPP và Thị trường Australia: Hiện trạng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Australia

23/04/2021    1326

1. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Australia (2008-2018)

Trong giai đoạn 2008-2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Australia có nhiều biến động (Hình 1). Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2009 đã khiến cho xuất khẩu của Việt Nam sang Australia sụt giảm gần một nửa, từ 4.591 triệu USD năm 2008 xuống chỉ còn 2.563 triệu USD năm 2009. Ngay sau đó, Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Australia và New Zealand có hiệu lực từ năm 2010 đã giúp khôi phục xuất khẩu của Việt Nam sang Australia, khiến cho giá trị xuất khẩu tăng khá đều trong giai đoạn 2010-2014. Các năm sau đó do nhiều nguyên nhân như tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động, tác động chệch hướng thương mại do cả Australia và Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiều FTA song phương và đa phương mới khiến cho xuất khẩu của Việt Nam sang Australia giảm mạnh giai đoạn 2014-2016 rồi lại tăng giai đoạn 2016-2018. 

Hình 1: Xuất khẩu của Việt Nam sang Australia 2008-2018

Nguồn: ITC Trademap truy cập tháng 2/2019

Tuy nhiên, kết quả sau 11 năm từ năm 2008, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia thậm chí không tăng mà còn giảm, chỉ đạt 4,500 triệu USD năm 2018 so với 4,591 triệu USD năm 2008. Nếu xét về tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang thị trường này trong giai đoạn 2008-2019 là 2.30% thì vẫn cao hơn so với 2.03% tốc độ tăng trưởng nhập khẩu trung bình của Australia từ thế giới. Tuy nhiên, nếu xét Việt Nam là một trong những đối tác FTA của Australia với nhiều lợi thế về thuế quan hơn so với các đối tác không có FTA khác khi tiếp cận thị trường Australia thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam như thế này là tương đối khiêm tốn.

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2018 thì kim ngạch xuất khẩu sang Australia chỉ chiếm 1.84% - một tỷ lệ khá nhỏ so với một thị trường khá lớn như Australia. So sánh với các đối tác xuất khẩu khác của Việt Nam thì Australia chỉ là thị trường trường xuất khẩu lớn thứ 13 của Việt Nam năm 2017 với giá trị xuất khẩu thấp hơn nhiều so với các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… (Hình 2). Điều này có thể được giải thích một phần bởi GDP của các nước trên cao hơn so với Australia mà GDP cũng thể hiện sức mua của một nền kinh tế. Tuy nhiên, các thị trường như Hồng Kông (Trung Quốc), Hà Lan, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Thái Lan, Malaysia có tổng GDP thấp hơn nhiều so với Australia nhưng lại có giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam cao hơn so với Australia.

Hình 2: Các nước xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam năm 2017

Nguồn: ITC Trademap, truy cập tháng 2/2019

Về phía Australia, Việt Nam cũng chỉ là nước nhập khẩu đứng thứ 14 của Australia về kim ngạch với tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 1,74% tổng kim ngạch nhập khẩu của Australia năm 2017 (ITC Trademap, 2019). Trong số 10 nước ASEAN cùng có FTA với Australia (AANZFTA) thì Việt Nam chỉ xếp thứ 4 sau Singapore, Thái Lan và Malaysia về kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Australia (Hình 3).

Hình 3: Các nước nhập khẩu lớn nhất của Australia năm 2017

Nguồn: ITC Trademap, truy cập tháng 2/2019

Điều đáng nói là trong khi tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam ra thế giới giai đoạn 2008-2018 là 15.1 % thì tăng trưởng xuất khẩu trung bình của Việt Nam sang Australia chỉ là 2.3 % (Bảng 1). Đây là một con số rất đáng lưu tâm bởi Australia là một trong những đối tác FTA (AANZFTA) của Việt Nam và do đó hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Australia được hưởng mức thuế quan ưu đãi thấp hơn nhiều so với các thị trường khác mà Việt Nam chưa có FTA

Bảng 1: Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia và thế giới

Năm

Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Australia

Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới

2009

-44.18%

-8.92%

2010

16.25%

26.52%

2011

-2.10%

34.15%

2012

11.85%

18.19%

2013

12.01%

15.28%

2014

22.54%

13.77%

2015

-24.97%

7.86%

2016

-0.92%

8.99%

2017

15.49%

21.15%

2018

17.06%

14.39%

Tăng trưởng trung bình

2.30%

15.14%

                           Nguồn: ITC Trademap, truy cập tháng 2/2019

2. Cơ cấu xuất khẩu hàng Việt Nam sang Australia

Việt Nam có cơ cấu hàng xuất khẩu không thật sự bổ sung với cơ cấu hàng nhập khẩu của Australia. Bảng 2 so sánh top 10 sản phẩm nhập khẩu (HS 2 số) của Australia và top 10 sản phẩm xuất phẩm xuất khẩu (HS 2 số) của Việt Nam năm 2017, trong đó chỉ có 3 sản phẩm nhập khẩu của Australia trùng với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam (các sản phẩm đánh dấu đỏ). Một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực truyền thống của Việt Nam (như nông sản, dệt may) lại là các sản phẩm mà Australia nhập khẩu rất ít.

Bảng 2: So sánh cơ cấu nhập khẩu của Australia và cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam (HS 2 số)

STT

Top 10 sản phẩm nhập khẩu của Australia năm 2017

Top 10 sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam năm 2017

HS Chương

Mô tả sản phẩm

HS Chương

Mô tả sản phẩm

1

87

Xe cộ trừ thiết bị chạy trên đường xe lửa hoặc xe điện, và các bộ phận và phụ tùng của chúng

85

Máy điện và thiết bị điện,…máy ghi và tái tạo âm thanh, hình ảnh …

2

84

Lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy và trang thiết bị cơ khí…

64

Giầy, dép, ghệt và các sản phẩm tương tự; các bộ phận của các sản phẩm trên

3

27

Nhiên liệu khoáng, dầu khoáng và các sản phẩm chưng cất từ chúng…

62

Quần áo và hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc

4

85

Máy điện … máy ghi và tái tạo âm thanh, hình ảnh …

61

Quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc

5

99

Sản phẩm không xác định được ở đâu

84

Lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy và trang thiết bị cơ khí…

6

30

Dược phẩm

90

Dụng cụ, thiết bị và máy quang học, nhiếp ảnh, điện ảnh….

7

90

Dụng cụ, thiết bị và máy quang học, nhiếp ảnh, điện ảnh….

94

Đồ nội thất…

8

89

Tàu thủy, thuyền và các kết cấu nổi

03

Cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thuỷ sinh không xương sống khác

9

71

Ngọc trai tự nhiên hoặc nuôi cấy, đá quý hoặc đá bán quý, kim loại quý….

08

Quả và quả hạch ăn được; vỏ quả thuộc chi cam quýt hoặc các loại dưa

10

39

Plastic và các sản phẩm bằng plastic

09

Cà phê, chè, chè Paragoay và các loại gia vị

                     Nguồn: ITC Trademap, truy cập tháng 2/2019

Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu cụ thể của Việt Nam sang Australia đã thay đổi đáng kể sau 11 năm kể từ năm 2008. Bảng 3 thể hiện top 10 sản phẩm xuất khẩu (mã HS 4 số) lớn nhất của Việt Nam sang thị trường Australia năm 2008 và 2018. Nếu như năm 2008, xuất khẩu của Việt Nam sang Australia chủ yếu tập trung ở các sản phẩm dầu mỏ thô với giá trị xuất khẩu chiếm tới 79.12% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Australia, thì tới năm 2018 cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã đa dạng hơn nhiều, dầu mỏ thô chỉ còn chiềm khoảng 11.80%. 

Nhìn vào top 10 sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Australia năm 2018 có thể thấy đa số là các sản phẩm công nghiệp, đứng đầu là các sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị (điện thoại, màn hình/máy chiếu, máy xử lý/truyền dữ liệu, máy in/copy/fax), tiếp đó là dầu mỏ thô, giày dép, đồ nội thất, ghế ngồi. Trong top 10 sản phẩm chỉ có 01 sản phẩm nông nghiệp là dừa/quả hạch/hạt điều. Các sản phẩm này cũng nằm trong các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ra thế giới năm 2018.

Bảng 3: So sánh top 10 sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Australia năm 2008 và 2018

STT

2008

2018

HS Nhóm

Mô tả sản phẩm

Giá trị xuất khẩu sang Australia

Tỉ trọng

HS Nhóm

Mô tả sản phẩm

Giá trị xuất khẩu  sang Australia

Tỉ trọng

1

2709

Dầu mỏ thô

3,632,584

79.12%

8517

Bộ điện thoại, thiết bị khác để truyền hoặc nhận tiếng, hình ảnh hoặc dữ liệu khác…

1,154,524

25.66%

2

7108

Vàng

139,547

3.04%

2709

Dầu mỏ thô

  531,010

11.80%

3

9403

Đồ nội thất khác và các bộ phận của chúng

78,695

1.71%

8528

Màn hình và máy chiếu

   241,598

5.37%

4

0801

Dừa, quả hạch Brazil và hạt điều

70,880

1.54%

6404

Giày, dép có mũ giày bằng vật liệu dệt.

   164,391

3.65%

5

0304

Phi-lê cá và các loại thịt cá khác

52,044

1.13%

9403

Đồ nội thất khác và các bộ phận của chúng

   157,560

3.50%

6

1605

Động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thuỷ sinh không xương sống khác, đã được chế biến hoặc bảo quản.

43,002

0.94%

6403

Giày, dép có mũ giày bằng da thuộc.

   126,911

2.82%

7

6403

Giày, dép có mũ giày bằng da thuộc.

31,410

0.68%

0801

Dừa, quả hạch Brazil và hạt điều

   118,562

2.63%

8

0306

Động vật giáp xác, sống, tươi, ướp lạnh, đông lạnh, làm khô, muối hoặc ngâm nước muối….

28,683

0.62%

8471

Máy xử lý/truyền dữ liệu tự động....

   105,910

2.35%

9

8504

Máy biến điện, máy biến đổi điện tĩnh, và cuộn cảm

24,316

0.53%

9401

Ghế ngồi và bộ phận của chúng

    97,878

2.18%

10

8443

Máy in, máy copy, máy fax…

24,257

0.53%

8443

Máy in, máy copy, máy fax…

  82,259

1.83%

 

 

Các sản phẩm khác

 

10.14%

 

Các sản phẩm khác

 

38.20%

                                              Nguồn: ITC Trademap, truy cập tháng 2/2019

So sánh giá trị nhập khẩu từ thế giới của Australia đối với top 10 sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam năm 2018 có thể thấy ngoài sản phẩm Dừa/quả hạch Brazil/hạt điều và Giày dép có mũ giày bằng vật liệu dệt của Việt Nam hiện đã có thị phần tương đối lớn so với các sản phẩm nhập khẩu tương tự từ các nước khác vào Australia (lần lượt chiếm 73.84% và 33.59% tương ứng), các sản phẩm khác có thị phần tương đối thấp (Bảng 4). Điều này cho thấy các sản phẩm xuất khẩu còn lại của Việt Nam sang Australia vẫn còn nhiều dư địa thị trường để tiếp tục tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực như giày dép, đồ gỗ, một số máy móc thiết bị điện tử.

Bảng 4: So sánh giá trị nhập khẩu từ thế giới và từ Việt Nam của Australia đối với top 10 sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Australia năm 2018

STT

HS Nhóm

Mô tả sản phẩm

Australia nhập khẩu từ thế giới

Australia nhập khẩu từ Việt Nam

Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam

1

8517

Bộ điện thoại, thiết bị khác để truyền hoặc nhận tiếng, hình ảnh hoặc dữ liệu khác…

8,530,184

1,154,524

13.53%

2

2709

Dầu mỏ thô

10,212,892

531,010

5.20%

3

8528

Màn hình và máy chiếu

1,821,635

241,598

13.26%

4

6404

Giày, dép có mũ giày bằng vật liệu dệt.

489,464

164,391

33.59%

5

9403

Đồ nội thất khác và các bộ phận của chúng

1,807,643

157,560

8.72%

6

6403

Giày, dép có mũ giày bằng da thuộc.

831,102

126,911

15.27%

7

0801

Dừa, quả hạch Brazil và hạt điều

160,565

118,562

73.84%

8

8471

Máy xử lý/truyền dữ liệu tự động....

7,227,077

105,910

1.47%

9

9401

Ghế ngồi và bộ phận của chúng

1,368,165

97,878

7.15%

10

8443

Máy in, máy copy, máy fax…

1,009,635

82,259

8.15%

 

3. Nhận xét và đánh giá về hiện trạng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Australia

Từ những số liệu hiện trạng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Australia có thể thấy xuất khẩu của Việt Nam sang Australia trong thời gian vừa qua tăng trưởng rất chậm chạp khiến cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ở thị trường này chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, mặc dù Australia là một trong những đối tác FTA đầu tiên của Việt Nam và Australia. Đây có thể là kết quả từ một số nguyên nhân cả chủ quan và khách quan nhất định. 

Thứ nhất, những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam lại không phải sản phẩm Australia có nhu cầu nhập khẩu cao. Bảng 5 dưới đây cho thấy giá trị nhập khẩu của Australia đối với 10 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2017. Có thể thấy ngoài 3 nhóm sản phẩm Máy móc điện thoại (Chương 85), Trang thiết bị cơ khí (Chương 84) và Dụng cụ quang học (Chương 90) Australia có kim ngạch nhập khẩu lớn từ thế giới, các sản phẩm có thế mạnh còn lại của Việt Nam như giầy dép (Chương 64), Quần áo (Chương 61, 62) và Đồ gỗ nội thất (Chương 94) Australia có mức nhập khẩu trung bình, còn các sản phẩm Thủy hải sản (Chương 03), Hoa quả (Chương 08) và Chè, cà phê (Chương 09) lượng nhập khẩu của Australia là rất ít. 

Bảng 1: Top 10 sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam năm 2017 và giá trị nhập khẩu từ thế giới của Australia

HS Chương

Mô tả sản phẩm

Xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới (nghìn USD)

Nhập khẩu của Australia từ thế giới (nghìn USD)

Thứ hạng của hàng hóa Việt Nam trong tổng nhập khẩu hàng hóa của Australia

Thứ hạng của Việt Nam trong danh sách các nước nhập khẩu của Australia

85

Máy điện và thiết bị điện,…máy ghi và tái tạo âm thanh, hình ảnh …

74,965,370

22,815,161

4

3

64

Giầy, dép, ghệt và các sản phẩm tương tự; các bộ phận của các sản phẩm trên

15,196,573

1,669,316

25

2

62

Quần áo và hàng may mặc phụ trợ, không dệt kim hoặc móc

12,352,729

3,114,252

13

4

61

Quần áo và hàng may mặc phụ trợ, dệt kim hoặc móc

11,987,596

3,088,387

14

3

84

Lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy và trang thiết bị cơ khí…

11,112,157

28,840,288

2

20

90

Dụng cụ, thiết bị và máy quang học, nhiếp ảnh, điện ảnh….

7,444,413

7,826,663

7

29

94

Đồ nội thất…

6,594,776

4,392,264

11

2

03

Cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thuỷ sinh không xương sống khác

6,096,010

842,775

38

3

08

Quả và quả hạch ăn được; vỏ quả thuộc chi cam quýt hoặc các loại dưa

6,093,720

842,528

39

2

09

Cà phê, chè, chè Paragoay và các loại gia vị

4,123,088

695,028

51

4

Nguồn:  ITC Trademap, truy cập tháng 3/2019

Thứ hai, Australia là một thị trường khó tính với nhiều quy định nhập khẩu nghiêm ngặt khiến hàng hóa của Việt Nam dù có ưu đãi thuế quan cũng khó có thể tiếp cận được. Theo Báo cáo “Một số quy định đối với hàng hóa nhập khẩu vào Australia” do Thương vụ Việt Nam tại Australia xuất bản thì Australia là một trong những thị trường có quy định về kiểm dịch và vệ sinh an toàn sản phẩm nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Ngoài ra Australia cũng duy trì nhiều quy định về các biện pháp kỹ thuật như các yêu cầu về dán nhãn sản phẩm, quy cách tiêu chuẩn sản phẩm…khá khắt khe gây nhiều khó khăn cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam khi tiếp cận thị trường này. Nhiều lô hàng xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang Australia đã bị từ chối trả về do không đáp ứng được một trong các quy định trên, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp như rau củ quả.

Cụ thể, theo một Báo cáo năm 2015 của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) thì Australia là nước có số lượng từ chối các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu vào nước này trên một đơn vị giá trị nhập khẩu lớn nhất trong số 4 nước EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia trong suốt giai đoạn 2002-2010. Trong đó, Việt Nam nằm trong số 10 nước có số lượng hàng nông nghiệp nhập khẩu vào Australia bị từ chối nhiều nhất tính trên một đơn vị giá trị nhập khẩu trong giai đoạn 2003-2010.

Hình 1: Số lần các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu vào EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia bị từ chối trên một đơn vị giá trị nhập khẩu, 2002-2010

Nguồn: UNIDO, 2015

Hai nguyên nhân chính khiến các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bị từ chối bởi hải quan Australia trong giai đoạn 2003-2010 là do vi phạm các quy định về ghi nhãn và sản phẩm bị nhiễm khuẩn. Một số nguyên nhân khác cũng khiến hàng bị trả về như: dư lượng thuốc thú y/thuốc bảo vệ thực vập, nhiễm tạp chất, dư lượng phụ gia thực phẩm và thức ăn chăn nuôi… (Hình 2).

Hình 2: Các nguyên nhân khiến hàng nông nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị từ chối tại Australia,

2003-2010

Nguồn: UNIDO, 2015

Theo số liệu WITS của Ngân hàng Thế Giới điều tra mức độ sử dụng các biện pháp phi thuế quan (NTM)  của 75 quốc gia thì Australia có tỷ lệ tần suất  sử dụng các biện pháp NTM năm 2015 là 61.80%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình 43.04% của 75 nước được điều tra. Trong đó, tỷ lệ tần suất các biện pháp NTM được Australia sử dụng nhiều nhất năm 2015 là các yêu cầu về kiểm tra hàng hóa, ghi nhãn, thử nghiệm,  yêu cầu đăng ký đối với nhà nhập khẩu vì lý do kỹ thuật…(Bảng 2). Các sản phẩm có tỷ lệ tần suất bị áp dụng các biện pháp NTM nhiều nhất năm 2015 là dệt may, động, thực vật, thực phẩm, phương tiện giao thông… (Bảng 3).

Bảng 2: Các biện pháp NTM của Australia có tỷ lệ tần suất áp dụng cao nhất năm 2015

Biện pháp

Tỷ lệ tần suất NTM

Yêu cầu kiểm tra

46.03%

Yêu cầu ghi nhãn

38.28%

Yêu cầu thử nghiệm

19.19%

Yêu cầu đăng ký đối với nhà nhập khẩu vì lý do kỹ thuật

14.99%

Phí thay đổi

14.77%

Yêu cầu về chất lượng và hoạt động của sản phẩm

9.50%

Yêu cầu đăng ký sản phẩm

8.04%

Yêu cầu truy xuất thông tin

5.73%

Nguồn: WITS, Ngân hàng Thế giới, truy cập tháng 2/2019

Bảng 3: Các sản phẩm nhập khẩu vào Australia có tỷ lệ tần suất bị áp dụng các biện pháp NTM cao nhất năm 2015

Lĩnh vực

Tỷ lệ tần suất NTM

Dệt may

99.09%

Động vật

95.72%

Thực phẩm

93.66%

Thực vật

93.37%

Phương tiện giao thông

89.06%

Máy móc và thiết bị điện tử

84.01%

Giày dép

68.09%

Nhiên liệu

50.00%

Hóa chất

42.26%

Da

25.56%

Nguồn: WITS, Ngân hàng Thế giới, truy cập tháng 2/2019

Thứ ba, chi phí sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Australia tương đối cao, cả từ góc độ pháp lý, yêu cầu của thị trường và vị trí địa lý. Về pháp lý, như đã đề cập, hệ thống kiểm soát hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn của Australia có yêu cầu/tiêu chuẩn rất cao, thực thi nghiêm khắc. Chi phí bỏ ra để tuân thủ các yêu cầu pháp lý này lớn hơn đáng kể so với nhiều thị trường xuất khẩu khác. Về yêu cầu của thị trường, các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng Australia thường có các mong muốn và yêu cầu khắt khe. Chẳng hạn các nhà nhập khẩu Australia thường đặt hàng với số lượng nhỏ nhưng lại mong muốn được chào giá thấp hơn cả các thị trường như Mỹ, và một số nước EU. Hay người tiêu dùng Australia thường yêu cầu hàng hóa phải được đựng vào các loại bao bì mới và chất lượng, có nhiều kích cỡ để sử dụng thuận tiện, bao bì có thể tái sử dụng hoặc tiêu hủy được để bảo vệ môi trường. Về vị trí địa lý, do khoảng cách giữa hai nước khá lớn, chi phí vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Australia tốn kém hơn nhiều so với các thị trường Châu Á truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước ASEAN. Đa số hàng hóa nhập khẩu vào Australia được vận chuyển theo đường biển, chỉ một số ít được chuyển theo đường hàng không do chi phí rất cao. Thời gian chuyển hàng bằng tàu biển từ châu Á sang Australia thường mất khoảng 4 tuần khiến cho các hàng hóa nhanh hỏng như rau quả tươi và thực phẩm khó có thể vận chuyển theo phương thức này. 

Cuối cùng, mặc dù Việt Nam có AANZFTA với Australia nhưng những lợi ích từ việc cắt giảm thuế quan có thể không đủ trang trải cho các chi phí tăng thêm khi xuất khẩu sang Australia so với các thị trường khác dễ tính và gần Việt Nam hơn. Thêm vào đó, rất nhiều doanh nghiệp không tận dụng được các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định này. Theo thống kê của Bộ Công thương, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan AANZFTA không cao, cụ thể trong giai đoạn đầu thực hiện FTA này, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan chỉ là 8.9% năm 2010 và 15.9% năm 2011; và sau 7 năm thực hiện tỷ lệ này cũng chỉ đạt 33% năm 2017 (Bảng 4). Điều này cho thấy chỉ khoảng 1/3 hàng hóa xuất khẩu sang Australia là đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ AANZFTA để được hưởng ưu đãi thuế quan, phần còn lại vẫn chịu thuế MFN như hàng hóa từ các nước khác không phải đối tác FTA của Australia. Nguyên nhân khiến tỷ lệ đáp ứng quy tắc xuất xứ AANZFTA của hàng hóa Việt Nam còn thấp có thể là do quy tắc xuất xứ của Hiệp định này còn chặt chẽ và chưa linh hoạt. Thêm vào đó, doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhiều nguồn nguyên liệu từ các nước không phải thành viên Hiệp định (chẳng hạn như Trung Quốc) khiến hàng hóa không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ của Hiệp định.

Bảng 4: Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan AANZFTA

Năm

2010

2011

2012-2014

2015

2016

2017

Tỷ lệ tận dụng

8.9%

15.9% -

-

28.1%

34.0%

33.0%

                                                Nguồn: ITC Trademap, truy cập tháng 2/2019

Nguồn: Trích dẫn "Báo cáo nghiên cứu: Cơ hội thị trường Australia cho Việt Nam
từ CPTPP và các FTA liên quan"
 - Trung tâm WTO và Hội nhập