CPTPP và Thị trường Australia: Cơ hội tiếp cận thị trường hàng hóa của Australia từ các cam kết cắt giảm hàng rào phi thuế quan trong CPTPP

23/04/2021    1065

Bên cạnh các cam kết về cắt giảm thuế quan, CPTPP cũng bao gồm một số các cam kết về cắt giảm các hàng rào phi thuế quan, giúp tạo thuận lợi hơn cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Australia.

1. Thuế xuất khẩu:

Trong WTO, Việt Nam đã cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu ngoại trừ một số sản phẩm mà Việt Nam bảo lưu quyền tiếp tục áp thuế xuất khẩu. Những sản phẩm bảo lưu chủ yếu là những sản phẩm khai thác từ tài nguyên thiên nhiên như khoảng sản và nhiên liệu nhằm hạn chế xuất khẩu các sản phẩm này để giữ lại cho sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trong CPTPP, Việt Nam đã phải cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các sản phẩm còn bảo lưu theo WTO này, lộ trình xóa bỏ thuế là từ 5-15 năm. Việt Nam chỉ giữ lại quyền áp thuế xuất khẩu đối với 70 sản phẩm thuộc các nhóm khoảng sản, quặng, than và vàng. Như vậy, đối với các sản phẩm được dỡ bỏ thuế xuất khẩu theo CPTPP trong thời gian tới sẽ có cơ hội để tăng cường xuất khẩu sang các thị trường CPTPP trong đó có Australia.

2. Các biện pháp cấm/hạn chế nhập khẩu

CTPP nhắc lại các nghĩa vụ trong WTO, theo đó các nước không được ban hành hoặc duy trì bất kỳ biện pháp cấm, hạn chế nhập khẩu nào ngoại trừ các trường hợp đã có cam kết và các ngoại lệ trong WTO. Bên cạnh các nghĩa vụ trong WTO, CPTPP còn yêu cầu các nước thành viên không được áp dụng các biện pháp có tính hạn chế nhập khẩu sau đây:

+ Các yêu cầu về giá nhập khẩu, ngoại trừ các trường hợp thực hiện các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp

+ Các biện pháp cấp phép nhập khẩu dựa trên tiêu chí về hoạt động

+ Chỉ cho phép tham gia nhập khẩu hoặc cho phép nhập khẩu một loại hàng hóa nếu có quan hệ hợp đồng hoặc quan hệ khác với một nhà phân phối nội địa

Đặc biệt, các cam kết liên quan tới các biện pháp hạn chế hoặc cấm nhập khẩu trong CPTPP sẽ được áp dụng cho cả hàng hóa tân trang (hàng hóa có một phần hoặc toàn bộ các bộ phận đã được tân trang lại nhưng có tuổi thọ và chức năng giống như một sản phẩm mới). Điều này có nghĩa là Australia sẽ không thể cấm hoặc hạn chế nhập khẩu các hàng hóa tân trang từ các nước thành viên CPTPP trong đó có Việt Nam. 

Như vậy, các cam kết CPTPP đã mở rộng hơn WTO ở nhiều nội dung liên quan đến các biện pháp cấm/hạn chế nhập khẩu. Các cam kết này sẽ đảm bảo cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Australia tránh gặp phải các biện pháp cấm/hạn chế nhập khẩu nêu trên áp dụng đối với các hàng hóa xuất khẩu mới và cả hàng tân trang. 

3. Hải quan và thuận lợi hóa thương mại

Các cam kết về hải quan và thuận lợi hóa thương mại của CPTPP có nhiều nội dung quan trọng giúp tạo thuận lợi hơn cho thương mại nội khối, đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu và đáp ứng các quy định hải quan của các nước. Do đó, các cam kết này được đánh giá là sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, với trên 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường CPTPP trong đó có Australia.

Cụ thể, Chương Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại của CPTPP yêu cầu các nước phải minh bạch hóa thông tin và quy định về các thủ tục hải quan. Đồng thời, các nước cũng phải thông báo trước về bất kỳ thay đổi nào liên quan đến quy định và pháp luật về hải quan, xây dựng và duy trì các điểm hỏi đáp cho doanh nghiệp liên quan đến các quy định này. Các nước CPTPP cũng cam kết sẽ giải phóng hàng nhanh nhất có thể, chậm nhất là trong vòng 48 giờ. Ngoài ra để hạn chế các trường hợp chậm trễ giải phóng hàng do cơ quan hải quan chưa đưa ra được quyết định về mức thuế phí phải nộp, các nước cam kết sẽ vẫn cho phép giải phóng hàng trên cơ sở một khoản tiền bảo lãnh.

Đặc biệt, CPTPP quy định hải quan các nước thành viên phải cho phép nhà xuất khẩu trước khi xuất hàng có thể yêu cầu xác định trước về mã số hàng hóa, thuế quan áp dụng, xuất xứ hàng hóa… Đây là một quy định rất có lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thường gặp rủi ro khi xác định sai mã hàng hóa hoặc xuất xứ hàng hóa khiến cho hàng hóa bị áp thuế quan khác so với dự kiến ban đầu. 

4. Các biện pháp an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật (SPS)

Như đã đề cập ở mục 1.3 Phần I, Australia là một trong số những nước áp dụng thường xuyên và khắt khe các biện pháp SPS đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây cũng là một trong những rào cản khó khăn nhất của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Trong CPTPP, mặc dù Australia không có cam kết cụ thể nào về việc sẽ cắt giảm các biện pháp SPS, tuy nhiên, CPTPP đặt ra một số nghĩa vụ cao hơn WTO khiến cho việc áp đặt các biện pháp này sẽ khó khăn hơn đối với các thành viên nhập khẩu.

Cụ thể, CPTPP có các cam kết sâu hơn Hiệp định SPS của WTO về một số nội dung liên quan tới 04 khía cạnh sau:

-     Về quy trình phân tích khoa học và rủi ro: Các nước CPTPP cam kết bảo đảm rằng:

o    Các biện pháp SPS phải dựa trên các nguyên tắc khoa học, tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế hoặc dựa trên việc đánh giá rủi ro khách quan theo đúng yêu cầu của WTO;

o    Việc đánh giá rủi ro phải được thực hiện minh bạch, có ghi chép lại và cho phép các chủ thể liên quan và các nước CPTPP cơ hội để bình luận;

o    Việc đánh giá rủi ro phải được tiến hành phù hợp với bối cảnh rủi ro liên quan, đồng thời tính đến các dữ liệu khoa học, thông tin định tính, định lượng có liên quan;

o    Nếu sau khi đánh giá rủi ro, nước nhập khẩu ban hành biện pháp SPS cho phép nhập khẩu, thì nước này phải áp dụng biện pháp đó trong một khoảng thời gian hợp lý;

o    Biện pháp quản lý rủi ro không gây cản trở thương mại vượt quá mức cần thiết và phải tính đến điều kiện kinh tế và kỹ thuật liên quan.

-     Về thanh tra về SPS 

Thanh tra về SPS là quy trình do nước nhập khẩu tiến hành đối với hệ thống thanh tra SPS của nước xuất khẩu hàng hóa, nhằm đảm bảo rằng hệ thống kiểm soát SPS của nước xuất khẩu đối với hàng xuất khẩu đáp ứng được các mục tiêu SPS của nước nhập khẩu. CPTPP ghi nhận quyền thanh tra về SPS của các nước nhập khẩu nhưng đòi hỏi việc thanh tra này phải đảm bảo một số yêu cầu nhất định, ví dụ: 

o    Việc thanh tra phải có tính hệ thống, và phải hướng tới (phục vụ) việc đánh giá hiệu quả hoạt động kiểm soát SPS của nước xuất khẩu;

o    Trước khi tiến hành thanh tra, nước nhập khẩu và nước xuất khẩu phải thảo luận và quyết định về mục tiêu, phạm vi, tiêu chí, thủ tục và các bước thanh tra;

o    Nước nhập khẩu phải cho nước xuất khẩu cơ hội để bình luận về các kết luận sau thanh tra;

o    Nước xuất khẩu phải được thông báo bằng văn bản về kết quả thanh tra và phải được tạo cơ hội để góp ý kết quả này;

o    Kết luận thanh tra cuối cùng phải dựa trên bắng chứng khách quan và số liệu xác thực.

-    Về việc kiểm tra chuyên ngành SPS khi nhập khẩu

Theo cam kết trong CPTPP, liên quan tới quy trình kiểm tra chuyên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm khi nhập khẩu, các nước CPTPP phải:

o    Bảo đảm rằng việc kiểm tra của mình là dựa trên các nguy cơ gắn với việc nhập khẩu, quy trình kiểm tra nhanh chóng;

o    Cung cấp các thông tin về quy trình, căn cứ, tần suất kiểm tra chuyên ngành SPS cho nước CPTPP khác nếu được yêu cầu;

o    Bảo đảm rằng việc kiểm tra được tiến hành đúng phương pháp, thiết bị và theo các tiêu chuẩn áp dụng đối với phòng thí nghiệm quốc tế;

o    Nếu sau khi kiểm tra, nước nhập khẩu quyết định cấm hoặc hạn chế việc nhập khẩu hàng hóa liên quan thì phải thông báo kết quả kiểm tra trong vòng 07 ngày cho ít nhất là một trong số các chủ thể sau: người nhập khẩu, người xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc Cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu. Thông báo này phải bao gồm nguyên nhân cấm/hạn chế nhập khẩu, căn cứ pháp lý; hiện trạng của hàng hóa liên quan và cách thức xử lý, nếu có. Và quyết định cấm/hạn chế này phải được rà soát lại sau đó theo yêu cầu của nước xuất khẩu.

-    Về biện pháp SPS khẩn cấp

CPTPP cho phép các nước được áp dụng các biện pháp SPS khẩn cấp cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người, động, thực vật. Tuy nhiên khi áp dụng biện pháp này, nước áp dụng phải bảo đảm các yêu cầu:

o       Thông báo nhanh chóng cho các nước Thành viên khác, và

o       Trong vòng 6 tháng sau đó nước này phải rà soát lại căn cứ khoa học của biện pháp khẩn cấp và nếu sau rà soát vẫn tiếp tục duy trì biện pháp này thì phải định kỳ rà soát lại.

Với khá nhiều các cam kết mới trong cách thức và điều kiện áp dụng các biện pháp SPS, theo xu hướng nâng cao hàm lượng khoa học, chứng minh và điều kiện vật chất trong áp dụng các tiêu chuẩn SPS, trong tương lai các nước CPTPP trong đó có Australia có thể sẽ sẽ phải bỏ ra chi phí nhiều hơn để có thể sử dụng các biện pháp SPS. Điều này có thể sẽ khiến Australia phải thận trọng và hạn chế hơn trong việc ban hành các biện pháp SPS đối với hàng hóa nhập khẩu. 

5. Các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT)

Bên cạnh các cam kết mang tính nhắc lại các nguyên tắc về TBT của WTO, CPTPP có thêm một số các cam kết mới liên quan tới (i) quy trình đánh giá sự phù hợp và (ii) Yêu cầu về nội dung các tiêu chuẩn TBT đối với một số sản phẩm cụ thể.

-    Về quy trình đánh giá sự phù hợp

Cam kết đáng chú ý nhất của CPTPP về vấn đề này là các nước không được đối xử phân biệt giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp đặt trụ sở tại các nước CPTPP với các tổ chức đặt trụ sở tại lãnh thổ nước mình, không được yêu cầu các tổ chức đánh giá sự phù hợp phải đặt trụ sở hay đặt văn phòng đại diện trên lãnh thổ nước mình.

-    Về TBT đối với một số loại hàng hóa cụ thể

CPTPP có Phụ lục về các nguyên tắc ràng buộc các nước khi ban hành các quy định TBT đối với 07 nhóm hàng hóa là rượu vang và đồ uống chưng cất, các sản phẩm công nghệ thông tin, dược phẩm, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm đóng gói và phụ gia thực phẩm, các sản phẩm hữu cơ. Các Phụ lục của Chương này không quy định về các tiêu chuẩn cụ thể nhưng ràng buộc quyền ban hành một số dạng biện pháp TBT nhất định đối với các sản phẩm này. Trong số 06 nhóm hàng trên, một số mặt hàng Việt Nam có xuất khẩu nhiều là đồ uống chưng cất, các sản phẩm công nghệ thông tin, thực phẩm đóng gói và phụ gia thực phẩm. 

Như vậy, CPTPP sẽ không làm thay đổi lớn cơ chế áp dụng TBT của các nước thành viên trong đó có Australia. Tuy nhiên, với thêm một số cam kết ràng buộc khi ban hành các biện pháp TBT, đặc biệt đối với một số sản phẩm cụ thể, các nước CPTPP sẽ bị hạn chế phần nào khi muốn gia tăng áp dụng các biện pháp này trong tương lai.

6. Các biện pháp phòng vệ thương mại 

Australia là một trong 10 quốc gia sử dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) trên thế giới. Tính tới thời điểm 31/12/2017, Australia đã khởi xướng 332 vụ kiến chống bán phá giá, 28 vụ kiện chống trợ cấp, và 4 vụ kiện tự vệ đối với hàng hóa nước ngoài. Riêng đối với hàng hóa Việt Nam, tính đến 31/12/2018, Australia tiến hành 07 vụ kiện, trong đó có 05 vụ kiện chống bán phá giá và 02 vụ kiện đúp cả chống bán phá giá và chống trợ cấp. 

Đối với các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp, các cam kết trong CPTPP chủ yếu khẳng định lại các nguyên tắc của Hiệp định định về Chống bán phá giá và Hiệp định về Trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO. Bên cạnh đó, CPTPP cũng có thêm một số cam kết mới về hợp tác, ghi nhận một số thông lệ tốt về minh bạch và quy trình điều tra, áp dụng các biện pháp này. Tuy nhiên, trong CPTPP không có cam kết nào đề cập hay ghi nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp mà các nước CPTPP tiến hành với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Riêng đối với các biện pháp tự vệ, CPTPP ngoài khẳng định lại các nguyên tắc của Hiệp định về biện pháp tự về của WTO còn bổ sung thêm một quy trình tự vệ mới  bên cạnh quy trình tự vệ theo WTO. Cụ thể, theo CPTPP, các nước có thể duy trì 02 nhóm biện pháp tự vệ, bao gồm tự vệ toàn cầu (tự vệ theo WTO như trước nay vẫn áp dụng) và tự vệ trong thời gian chuyển đổi (tự vệ riêng của CPTPP).

+ Tự vệ toàn cầu: CPTPP bổ sung một điểm mới so với WTO, đó là các nước CPTP khi áp dụng khi áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu có thể loại trừ các sản phẩm có xuất xứ mà áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc nằm trong danh mục cắt giảm thuế của nước đó nếu việc nhập khẩu các hàng hoá này không phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa của nước đó. Nói cách khác, khi một nước CPTPP áp dụng một biện pháp tự vệ toàn cầu thì có thể loại trừ không áp dụng đối với các hàng hoá có xuất xứ từ một nước CPTPP khác. Đây là một điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nếu Australia áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu thì có cơ hội được loại trừ ra khỏi danh sách các nước bị áp thuế tự vệ của Australia.

+ Tự vệ trong thời gian chuyển đổi: CPTPP cho phép một nước thành viên tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ chỉ đối với hàng hoá của một hoặc nhiều nước thành viên CPTPP khác trong thời gian chuyển đổi (là khoảng thời gian 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực hoặc dài hơn tuỳ thuộc vào lộ trình cắt giảm thuế của hàng hoá bị áp dụng), nếu việc cắt giảm thuế quan đối với hàng hoá đó dẫn đến lượng nhập khẩu gia tăng đột biến và gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. Các biện pháp tự vệ có áp dụng trong trường hợp này là i) Ngừng cắt giảm thuế quan theo lộ trình cắt giảm thuế quan đối với sản phẩm bị áp dụng, hoặc ii) Tăng thuế quan của sản phẩm bị áp dụng lên mức thuế MFN. Như vậy, đây sẽ là một điểm cần lưu ý đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang Australia vì có thể sẽ bị áp dụng các biện pháp tự vệ này trong thời gian thực hiện lộ trình cắt giảm thuế của Australia theo CPTPP (lộ trình tối đa của Australia là 4 năm). 

7. So sánh CPTPP với AANZFTA, RCEP 

So sánh với CPTPP, AANZFTA không có nhiều cam kết cắt giảm các hàng rào phi thuế quan như CPTPP. Tuy nhiên, AANZFTA có một số nội dung về SPS và TBT đặc thù giúp tạo thuận lợi cho thương mại nội khối.

Về các biện pháp SPS, các nước thành viên AANZFTA được khuyến nghị xây dựng các thỏa thuận và quyết định tương đương. Ngoài ra, nếu được bên xuất khẩu yêu cầu, bên nhập khẩu phải đàm phán nhằm xây dựng lên những thỏa thuận công nhận song phương về các biện pháp SPS tương đương. AANZFTA cũng thiết lập một cơ chế tham vấn nhằm giải quyết các vấn đề SPS, và thành lập một Tiểu ban SPS nhằm mục đích rà soát việc thực hiện các điều khoản SPS của AANZFTA. 

Liên quan đến các biện pháp TBT, AANZFTA yêu cầu các nước thành viên phải sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế làm nền tảng cho việc xây dựng các quy chuẩn quốc gia. Trong trường hợp sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế không phù hợp hoặc kém hiệu quả và các tiêu chuẩn giữa các quốc gia thành viên lại khác nhau, thì nước xuất khẩu có quyền yêu cầu nước nhập khẩu xem xét chấp nhận các tiêu chuẩn của nước xuất khẩu là tương đương. AANZFTA cũng ràng buộc các thành viên phải nỗ lực thực  hiện các sáng kiến thuận lợi hóa thương mại liên quan đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp, kể cả các hiệp định hay thỏa thuận liên quan đến vấn đề này như các thỏa thuận về công nhận tương đương. Và chẳng hạn nếu có hai thành viên ký các hiệp định hoặc thỏa thuận trên thì phải có nghĩa vụ mở rộng cho phép sự tham gia hiệp định/thỏa thuận đó đến các thành viên khác của AANZFTA. 

Còn so sánh với RCEP, mặc dù hiệp định này vẫn chưa kết thúc đàm phán và do đó chưa công bố văn kiện đàm phán nhưng theo như các thông tin được đưa ra trong các tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo RCEP thì RCEP cũng hướng tới cắt giảm đáng kể các rào cản phi thuế quan nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại nội khối. Tuy nhiên, đây là một hiệp định với nhiều thành viên có trình độ phát triển khác nhau nên mặc dù mục tiêu đưa ra là cao nhưng kết quả có thể khó đạt được như mong đợi.

Nguồn: Trích dẫn "Báo cáo nghiên cứu: Cơ hội thị trường Australia cho Việt Nam
từ CPTPP và các FTA liên quan"
 - Trung tâm WTO và Hội nhập