CPTPP và Thị trường Australia: Cơ hội tiếp cận thị trường dịch vụ, đầu tư của Australia
23/04/2021 591CPTPP là một hiệp định có tiêu chuẩn cao về tự do hóa thương mại dịch vụ và bảo hộ đầu tư giúp thúc đẩy thương mại dịch vụ và đầu tư trong khối đồng thời cũng tăng cường bảo đảm quyền lợi của các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư của các nước thành viên. Các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư của Việt Nam sang Australia sẽ được hưởng một môi trường kinh doanh trong khu vực thuận lợi, minh bạch hơn và có thể dự đoán được từ các cam kết về nguyên tắc về dịch vụ và đầu tư trong CPTPP, đồng thời cũng sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường dịch vụ và đầu tư của các nước thành viên CPTPP hơn thông qua các cam kết về tự do hóa thương mại và đầu tư của Hiệp định.
1. Các cam kết về nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư CPTPP
Đối với dịch vụ, nguyên tắc chủ đạo mà CPTPP đặt ra là không phân biệt đối xử. Các thành viên CPTPP sẽ không được phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp dịch vụ trong nước và nước ngoài (nguyên tắc đối xử Quốc gia), và giữa các nhà cung cấp dịch vụ từ các thành viên CPTPP với các nhà cung cấp dịch vụ từ các nước ngoài thành viên (nguyên tắc đối xử Tối huệ quốc). CPTPP cũng yêu cầu các thành viên không được đặt ra các hạn chế về số lượng đối với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (như hạn chế về số lượng nhà cung cấp), các hạn chế về hình thức pháp lý của doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ (nghĩa vụ Tiếp cận thị trường). Ngoài ra, các thành viên CPTPP không được yêu cầu một nhà cung cấp dịch vụ từ một nước thành viên CPTPP khác phải thiết lập văn phòng đại diện hoặc bất kỳ hình thức doanh nghiệp nào trên lãnh thổ của mình, hay phải cư trú trên lãnh thổ mình để cung cấp dịch vụ qua biên giới.
Ngoài các nguyên tắc cơ bản nói trên, CPTPP cũng đặt ra một số yêu cầu mới đối với các thành viên trong quản lý các dịch vụ qua biên giới, như: i) các yêu cầu đối với các quy định nội địa liên quan phải hợp lý, khách quan, công bằng, quy trình cấp phép phải rõ ràng, khả thi…ii) phải tạo điều kiện để thúc đẩy thảo luận tiến tới chấp nhận bằng cấp của nhau, iii) cho phép chuyển tiền và thanh toán liên quan tới các dịch vụ qua biên giới ra hoặc vào lãnh thổ một cách tự do, không chậm trễn, không hạn chế loại tiền tệ và theo tỷ giá thị trường tại thời điểm chuyển….iv) các thành viên phải đáp ứng một số yêu cầu về minh bạch, như phải có cơ chế để cho các bên liên quan bình luận về các quy định, phải để một khoảng thời gian hợp lý trước khi văn bản có hiệu lực….
Liên quan đến đầu tư, tương tự như dịch vụ, nguyên tắc chủ đạo đối với đầu tư cũng là không phân biệt đối xử - nguyên tắc đối xử Quốc gia và nguyên tắc đối xử Tối huệ quốc. CPTPP cũng đặt ra nguyên tắc liên quan tới Các yêu cầu về hoạt động cấm các nước đặt ra các yêu cầu bắt buộc liên quan tới việc thành lập, mua lại, ở rộng, quản lý, hoạt động/vận hành của khoản đầu tư hay các yêu cầu về mức giá, thời hạn, trị giá bản quyền theo hợp đồng li-xăng…Các nguyên tắc liên quan tới Nhân sự quản lý cao cấp và Ban lãnh đạo không cho phép các nước thành viên đặt ra các yêu cầu về quốc tịch bắt buộc của nhân sự quản lý cấp cao hay Ban lãnh đạo của công ty có đầu tư nước ngoài….
Bên cạnh các nguyên tắc mở cửa thị trường, xóa bỏ rào cản đầu tư kể trên, CPTPP cũng đặt ra các nguyên tắc nhằm đảm bảo các quyền lợi cơ bản của nhà đầu tư, bao gồm: i) các nguyên tắc Chuẩn đổi xử tối thiểu – đối xử với nhà đầu tư nước ngoài một cách công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn, đầy đủ theo tập qán quốc tế, ii) nguyên tắc Bảo vệ tài sản của nhà đầu tư trước các biện pháp tịch thu, cưỡng chế, quốc hữu hóa, nếu nước nhận đầu tư thực hiện các biện pháp này thì phải bồi thường nhanh chóng, chính xác, đúng giá thị trường…., iii) nguyên tắc bảo đảm việc chuyển vốn tự do liên quan đến khoản đầu tư. Đặc biệt, CPTPP thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nước nhận đầu tư và nhà đầu tư (ISDS) theo đó cho phép nhà đầu tư có quyền kiện chính phủ nước nhận đầu tư ra một tổ chức trọng tài độc lập. Đây là một công cụ khá mạnh cho phép nhà đầu tư bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp xảy ra tranh chấp với nước nhận đầu tư.
Riêng đối với dịch vụ tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán), CPTPP bao gồm một chương độc lập thiết lập các nguyên tắc riêng cho lĩnh vực dịch vụ này. Bên cạnh các nghĩa vụ chung về không phân biệt đối xử (nghĩa vụ đối xử Quốc gia và đối xử Tối huệ quốc) và minh bạch hóa nhằm đảm bảo cho các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư tài chính nước ngoài được đối xử một cách công bằng và bình đẳng, Chương về Dịch vụ Tài chính của CPTPP cũng đặt ra một loạt các nghĩa vụ cụ thể, chẳng hạn như: i) cho phép cung cấp qua biên giới các dịch vụ quản lý danh mục đầu tư; dịch vụ thanh toán điện tử cho các giao dịch thanh toán thẻ, ii) cho phép các tổ chức tài chính nước ngoài chuyển tải qua biên giới thông tin để xử lý dữ liệu với điều kiện vẫn đáp ứng được các yêu cầu về riêng tư và bảo mật; iii) thiết lập một quy trình đặc biệt cho phép bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến các biện pháp an toàn tài chính của một nước thành viên sẽ không bị kiện theo cơ chế giải quyết tranh chấp ISDS.
Mặc dù CPTPP đặt ra rất nhiều nguyên tắc và nghĩa vụ về dịch vụ và đầu tư áp dụng chung cho tất các thành viên nhưng cũng đi kèm nhiều ngoại lệ chung và bảo lưu riêng của từng nước nhằm đảm bảo cho các nước vẫn có không gian chính sách để ban hành các quy định và chính sách công nhằm bảo vệ an ninh quốc phòng, tính mạng, sức khỏe con người và động thực vật, bảo vệ môi trường, văn hóa xã hội….
Với các nguyên tắc đảm bảo quyền và lợi ích cho các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư nước ngoài áp dụng chung kể trên, các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư của Việt Nam sang thị trường Australia sẽ được hưởng các lợi ích từ các nguyên tắc này. Mặc dù hiện tại Australia đã đang là một thị trường khá mở về dịch vụ và an toàn về đầu tư, nhưng với thêm các nguyên tắc đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư theo CPTPP, các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư của Việt Nam sẽ yên tâm hơn khi xuất khẩu dịch vụ và đầu tư sang thị trường này.
2. Các cam kết về tự do hóa thương mại dịch vụ và đầu tư của Australia trong CPTPP
Khác với WTO và nhiều FTA trước đây, mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư trong CPTPP được thực hiện theo hình thức “chọn – bỏ”, mỗi nước sẽ liệt kê ra một Danh mục các lĩnh vực dịch vụ mà nước đó chưa muốn mở, hoặc mở cho đối tác ở một mức nhất định và nước này sẽ chỉ phải mở tối thiểu như mức đã cam kết; đối với các lĩnh vực nằm ngoài Danh mục này, nước đó sẽ phải mở toàn bộ, không có bất kỳ hạn chế gì cho đối tác. Danh mục này trong CPTPP gọi là Danh mục các biện pháp không tương thích. Mỗi nước CPTPP có một Danh mục này, thể hiện các cam kết về tự do hóa thương mại dịch vụ và đầu tư của nước đó trong CPTPP.
Australia có nhiều cam kết mở cửa về dịch vụ và đầu tư trong CPTPP cao hơn so với WTO. Trong đó, đáng lưu ý là Australia tăng ngưỡng rà soát bởi Ban Rà soát Đầu tư Nươc ngoài (FIRB) đối với các nhà đầu tư nước ngoài (nhà đầu tư tư nhân, không phải chính phủ) từ các nước CPTPP từ 252 triệu AUD lên 1,094 AUD cho các khoản đầu tư trong các lĩnh vực không nhạy cảm. Còn đối với các lĩnh vực nhạy cảm (như truyền thông, giao thông vận tải, một số dịch vụ quốc phòng, cơ sở hạt nhân…) thì Australia vẫn duy trì ngưỡng rà soát là 252 triệu AUD và thấp hơn nữa đối với các lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm (như đầu tư vào đất thành phố, đất nông nghiệp…).
Ngoài ra đối với các dịch vụ xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam (du lịch, vận tải) và các lĩnh vực đầu tư mà Việt Nam có thế mạnh (tài chính ngân hàng, bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy và xe có động cơ, nông lâm nghiệp thủy sản, chế biến chế tạo) Australia có mở hơn trong CPTPP so với WTO một số lĩnh vực sau:
Bảng 1: Một số lĩnh vực dịch vụ xuất khẩu và đầu tư thế mạnh của Việt Nam được Australia mở cửa hơn trong CPTPP so với WTO
Lĩnh vực |
Cam kết của Australia trong CPTPP cao hơn WTO |
Dịch vụ phân phối |
|
Các dịch vụ bán buôn các nguyên liệu nông nghiệp thô và động vật sống. Ngoại trừ các dịch vụ bán buôn thuốc lá chưa gia công và sản phẩm thuốc lá, đồ uống có cồn, súng |
|
Cam kết của Australia liên quan đến những lĩnh vực này mở rộng để bao gồm các dịch vụ sau không được liệt kê trong phân loại CPC có liên quan: dịch vụ quản lý kho hàng, lắp ráp, phân loại và xếp loại hàng hóa, phá vỡ h àng hóa, phân phối lại và dịch vụ giao hàng cho bán lẻ. Không bao gồm việc pha chế dược phẩm, bán lẻ đồ uống có cồn, thuốc lá và súng. |
|
Dịch vụ du lịch và các dịch vụ liên quan |
|
|
|
Dịch vụ vận tải |
|
Dịch vụ vận tải hàng không |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
+ Dịch vụ lưu trữ và kho (CPC 742 không bao gồm vận tải hàng hải) Cam kết của Australia liên quan đến những dịch vụ này mở rộng để bao gồm các dịch vụ ngoài những dịch vụ được liệt kê trong CPC 742: dịch vụ trung tâm phân phối và xử lý vật liệu, và dịch vụ thiết bị chẳng hạn như trạm container và dịch vụ kho (không bao gồm vận tải hàng hải) |
+ Loại bỏ các hạn chế đối với Phương thức 2 và 3 |
+ Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa (CPC 748 không bao gồm vận tải hàng hải) Cam kết của Australia liên quan đến những dịch vụ này mở rộng để bao gồm những dịch vụ ngoài các dịch vụ được liệt kê trong CPC 748: dịch vụ cơ quan hải quan, dịch vụ lập lịch bốc hàng (không bao gồm vận tải hàng hải) |
+ Loại bỏ các hạn chế đối với Phương thức 1, 2, 3 |
+ Dịch vụ hỗ trợ vận tải và các dịch vụ phụ trợ khác (CPC 749 không bao gồm vận tải hàng hải) Cam kết của Australia liên quan đến những dịch vụ này mở rộng để bao gồm những dịch vụ ngoài các dịch vụ được liệt kê trong CPC 749: dịch vụ cho thuế container (không bao gồm vận tải hàng hải) |
+ Loại bỏ các hạn chế đối với Phương thức 1, 2, 3 |
3. So sánh CPTPP với AANZFTA và RCEP
So với AANZFTA, các cam kết về dịch vụ và đầu tư trong CPTPP có tiêu chuẩn cao hơn nhiều cả về các nguyên tắc áp dụng chung và các cam kết cụ thể về tự do hóa dịch vụ và đầu tư. Chẳng hạn như đối với các nguyên tắc về đầu tư, so với AANZFTA, CPTPP bổ sung thêm một số nghĩa vụ mới với nhà nước, tăng bảo hộ cho nhà đầu tư như Chuẩn đối xử tối thiểu, Đối xử trong trường hợp xung đột vũ trang hoặc bạo loạn dân sự, Thế quyền, Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…. Đồng thời, CPTPP cũng bổ sung thêm nhiều điều khoản đối với các nội dung như Yêu cầu về hoạt động, Trưng thu trưng dụng, Quy trình giải quyết tranh chấp nhà nước – nhà đầu tư…so với AANZFTA.
Về các cam kết tự do hóa dịch vụ và đầu tư, trong khi CPTPP sử dụng phương thức “Chọn – Bỏ” thì AANZFTA vẫn sử dụng phương thức “Chọn – Cho” như trong CPTPP. Đồng thời, Australia có thêm nhiều cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư trong CPTPP hơn so với AANZFTA. Chẳng hạn như trong AANZFTA, Australia không có cam kết nâng ngưỡng rà soát các khoản đầu tư bởi Ban Rà soát Đầu tư Nước ngoài cho các nhà đầu tư của Việt Nam như trong CPTPP. Australia cũng không mở nhiều lĩnh vực dịch vụ, đầu tư là thế mạnh của Việt Nam như du lịch, vận tải, phân phối trong AANZFTA như trong CPTPP.
Liên quan đến Hiệp định RCEP, hiện tại Chương Dịch vụ và Đầu tư của Hiệp định này vẫn đang trong quá trình đàm phán và chưa công bố nội dung cụ thể của đàm phán. Theo Đề cương đàm phán đính kèm Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo RCEP tháng 11/2017 thì Chương Dịch vụ của RCEP sẽ được xây dựng dựa trên Hiệp định Thương mại Dịch vụ (GATS) của WTO và các FTA ASEAN+1; và Chương về Đầu tư sẽ thiết lập các điều khoản nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư thuận lợi trong khu vực bao gồm 4 trụ cột chính của đầu tư là: Bảo hộ, tự do hóa, thủ đẩy, và tạo thuận lợi.
Nguồn: Trích dẫn "Báo cáo nghiên cứu: Cơ hội thị trường Australia cho Việt Nam
từ CPTPP và các FTA liên quan" - Trung tâm WTO và Hội nhập
- Mở ra hướng phát triển mới cho quan hệ kinh tế Việt Nam-Australia
- CPTPP và Thị trường Australia: Cơ hội tiếp cận thị trường hàng hóa của Australia từ các cam kết cắt giảm thuế quan trong CPTPP
- CPTPP và Thị trường Australia: Cơ hội tiếp cận thị trường hàng hóa của Australia từ các cam kết cắt giảm hàng rào phi thuế quan trong CPTPP
- CPTPP và Thị trường Australia: Cơ hội tiếp cận thị trường lao động của Australia