CPTPP và Thị trường Australia: Cơ hội tiếp cận thị trường hàng hóa của Australia từ các cam kết cắt giảm thuế quan trong CPTPP

23/04/2021    1454

1. Tỷ lệ thuế và lộ trình cắt giảm thuế của Australia cho Việt Nam

Trong CPTPP, Australia cam kết một biểu thuế quan chung, áp dụng cho tất cả các thành viên CPTPP. Trong đó, Australia cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 93% số dòng thuế ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Gần như toàn bộ các dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ trong vòng 3 đến 4 năm và tập trung chủ yếu ở các sản phẩm đang có thuế suất là 5%-10%, bao gồm: nhựa và cao su, dệt may, quần áo và giày dép, sắt thép, linh kiện ô tô, và một số máy móc, đồ nội thất. Sản phẩm duy nhất mà Australia không xóa bỏ thuế là ô tô đã qua sử dụng. Đối với sản phẩm này, Australia chỉ xóa bỏ mức thuế 5% đánh trên giá trị hàng hóa nhưng không xóa bỏ khoản thuế cố định 12,000 AUD đánh trên một sản phẩm.

Bảng 1: Cam kết cắt giảm thuế quan của Australia cho một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong CPTPP

Sản phẩm

Cam kết của Australia cho Việt Nam trong CPTPP

Rau quả

Xóa bỏ thuế quan đối với tất cả các dòng thuế ngay sau khi CPTPP có  hiệu lực trừ duy nhất một sản phẩm (măng tre – mã HS 2005.91.01) sẽ duy trì mức thuế MFN hiện tại 5% đến năm thứ 4 kể từ khi CPTPP có hiệu lực (tức là đến năm 2021) sẽ xóa bỏ thuế.

Chè, cà phê

Xóa bỏ thuế quan ngay sau khi CPTPP có hiệu lực

Hạt điều, hạt tiêu

Xóa bỏ thuế quan ngay sau khi CPTPP có hiệu lực

Đường, sữa, mật ong

Xóa bỏ thuế quan ngay sau khi CPTPP có hiệu lực

Thủy sản

Xóa bỏ thuế quan ngay sau khi CPTPP có hiệu lực

Dệt may, giày dép

Xóa bỏ đa số các dòng thuế ngay sau khi CPTPP có hiệu lực. Các dòng thuế còn lại xóa bỏ thuế quan theo lộ trình tối đa 4 năm.

Gỗ và sản phẩm gỗ

Xóa bỏ đa số các dòng thuế ngay sau khi CPTPP có hiệu lực. Một số ít các dòng thuế còn lại xóa bỏ thuế quan theo lộ trình 3 hoặc 4 năm.

Nguồn: Tác giả tự tổng hợp

CPTPP đã có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với 6 nước phê chuẩn ban đầu trong đó có Australia và có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 đối với Việt Nam. Do Australia và Việt Nam lựa chọn cắt giảm thuế ngay lập tức 2 lần cho nhau ngay sau khi CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam. Do đó, lộ trình cắt giảm thuế của Australia cho Việt Nam sẽ như sau:

Bảng 2: Lộ trình cắt giảm thuế của Australia cho Việt Nam theo CPTPP

Thời gian

Lộ trình Australia cắt giảm thuế quan cho Việt Nam

Từ 14/1/2019

Cắt giảm thuế quan theo lộ trình năm 2

Từ 1/1/2020

Cắt giảm thuế quan theo lộ trình năm 3

Từ 1/1/2021

Cắt giảm thuế quan theo lộ trình năm 4

Các năm tiếp theo

Các lộ trình tuần tự tiếp theo

Do lộ trình xóa bỏ thuế quan của Australia tối đa là 4 năm, đến ngày 1/1/2021 Australia sẽ hoàn thành lộ trình xóa bỏ theo CPTPP, tức là xóa bỏ toàn bộ thuế quan cho hàng hóa từ các thành viên CPTPP (trừ ô tô đã qua sử dụng).

So sánh với AANZFTA thì mức độ xóa bỏ thuế quan của Australia trong Hiệp định này còn cao hơn CPTPP. Cụ thể, trong AANZFTA Australia cam kết xóa bỏ toàn bộ thuế quan (bao gồm cả ô tô đã qua sử dụng) cho các hàng hóa của Việt Nam. Mặc dù lộ trình xóa bỏ thuế quan trong AANZFTA dài hơn CPTPP, nhưng do Hiệp định này đã có hiệu lực từ năm 2010 nên sẽ hoàn thành lộ trình trước CPTPP (AANZFTA hoàn thành lộ trình năm 2020 còn CPTPP là năm 2021).

Như vậy, dù là theo AANZFTA hay CPTPP thì chỉ trong vòng 1, 2 năm tới toàn bộ hàng hóa của Việt Nam sẽ rộng đường vào thị trường Australia với thuế quan bằng 0%. Tất nhiên để được hưởng các mức thuế quan ưu đãi này thì hàng hóa phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ của Hiệp định liên quan. Tuy nhiên, với việc có thêm Hiệp định CPTPP, doanh nghiệp sẽ có thêm lựa chọn để sử dụng Hiệp định nào có lợi hơn cho mình.

2. Quy định về quy tắc và thủ tục xuất xứ

Với mỗi FTA, quy tắc xuất xứ (QTXX) là một nội dung rất quan trọng bởi vì các quy tắc này sẽ quyết định hàng hóa phải đáp ứng được các điều kiện gì về nguồn gốc nguyên liệu thì mới được hưởng ưu đãi thuế quan của FTA đó. Mục đích của QTXX là nhằm đảm bảo rằng hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ trong khu vực FTA thì mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, nhiều FTA để đạt được mục đích này lại đưa ra các bộ QTXX quá chặt chẽ và cứng nhắc khiến cho hàng hóa khó có thể đáp ứng được và do đó không được hưởng lợi về ưu đãi thuế quan của FTA. 

QTXX của CPTPP được áp dụng chung cho tất cả các thành viên và được đánh giá là có nhiều điểm linh hoạt, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp so với nhiều FTA trước đây của Việt Nam (trong đó có AANZFTA). QTXX chủ đạo trong CPTPP là chuyển đỗi mã hàng hóa. Tuy nhiên, rất nhiều sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp, cho phép áp dụng thêm quy tắc hàm lượng giá trị khu vực, từ 40% - 50% (trong các FTA trước đây, bao gồm cả AANZFTA, tỷ lệ này phổ biến là 40%). Bản thân quy tắc hàm lượng giá trị khu vực cũng có nhiều cách tính khác nhau và trong nhiều trường hợp cho phép lựa chọn cách tính nào phù hợp và có lợi nhất cho doanh nghiệp.

Một điểm đặc biệt linh hoạt khác của CPTPP là đối với quy tắc hàm lượng giá trị khu vực cho phép áp dụng hình thức cộng gộp toàn bộ. Theo đó, nguyên liệu chỉ đáp ứng một phần quy tắc xuất xứ (ví dụ không thể đáp ứng tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực 40% mà chỉ có thể đáp ứng tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực 10%) nhưng giá trị phần có xuất xứ đó vẫn được phép cộng gộp vào công đoạn sản xuất tiếp theo để tính xuất xứ cho thành phẩm. Đa số các FTA trước đây của Việt Nam không cho phép cộng gộp toàn bộ như vậy. 

Về thủ tục chứng nhận xuất xứ, CPTPP cũng có nhiều điểm linh hoạt trong đó nổi bật là cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Cụ thể, theo CPTPP, các doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ trên hóa đơn, chứng từ thương mại của mình mà không phải đi xin chứng nhận xuất xứ ở một cơ quan có thẩm quyền như hiện tại ở Việt Nam khi thực hiện các FTA khác (bao gồm cả AANZFTA). Trong đó đối tượng được tự chứng nhận xuất xứ bao gồm cả người nhập khẩu, người xuất khẩu và người sản xuất. Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí so với cơ chế xin cấp chứng nhận xuất xứ hiện hành. Đây cũng là mô hình chứng nhận xuất xứ hiện đại đang được áp dụng ngày càng phổ biến bởi các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, trong CPTPP Việt Nam có bảo lưu về lộ trình thực hiện thủ tục tự chứng nhận xuất xứ riêng, theo đó Việt Nam cam kết sẽ thực hiện song song hình thức chứng nhận xuất xứ cũ và hình thức tự chứng nhận xuất xứ theo CPTPP trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (và có thể gia hạn thêm 5 năm nữa). Điều này có nghĩa là sau tối đa 10 kể từ khi CPTPP có hiệu lực, Việt Nam có thể mới áp dụng hoàn toàn cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.

3. So sánh CPTPP với AANZFTA, RCEP 

Như đã nêu ở phần trên, cam kết về thuế quan của Australia cho Việt Nam trong AANZFTA và CPTPP cho tới thời điểm hiện tại (khi AANZFTA đã có hiệu lực 9 năm và CPTPP mới bắt đầu có hiệu lực) về cơ bản là tương đương nhau. Do đó doanh nghiệp có thể lựa chọn FTA nào để sử dụng khi xuất khẩu hàng hóa sang Australia tùy thuộc vào việc QTXX của hiệp định nào có lợi hơn cho doanh nghiệp. Mặc dù CPTPP có nhiều quy tắc và thủ tục xuất xứ linh hoạt và dường như dễ áp dụng hơn so với AANZFTA, nhưng việc áp dụng cộng gộp xuất xứ trong AANZFTA có thể sẽ có lợi hơn CPTPP do nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sử dụng nguyên liệu từ khu vực ASEAN hơn là từ các nước CPTPP. 

Ngoài hai FTA chung đã có hiệu lực là AANZFTA và CPTPP, Australia và Việt Nam hiện cũng đang là thành viên của đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). RCEP được bắt đầu đàm phán từ tháng 5/2013 và cho đến nay đã trải qua 25 vòng đàm phán. Nếu được ký kết, RCEP sẽ trở thành một hiệp định lớn nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với 16 thành viên bao gồm 10 nước ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand. Các nước thành viên đàm phán cũng đặt mục tiêu xây dựng một hiệp định RCEP chất lượng cao, và sẽ cao hơn các FTA ASEAN+1 đang có. Do đó mặc dù chưa kết thúc, nhưng theo dự đoán thì RCEP cũng sẽ có những cam kết cao về tự do hóa thương mại hàng hóa. 

Là một trong những thành viên có trình độ phát triển cao nhất, Australia được dự kiến là sẽ có những cam kết xóa bỏ thuế quan mạnh mẽ, mạnh hơn trong AANZFTA. Mặc dù cho đến khi RCEP được ký kết và có hiệu lực (dự kiến phải 1, 2 năm tới) thì toàn bộ hàng hóa của Việt Nam đã được tự do vào thị trường Australia với thuế suất bằng 0% theo AANZFTA hoặc CPTPP, tuy nhiên, nếu có thể áp dụng RCEP thì khả năng đáp ứng được QTXX và hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định này của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cao hơn CPTPP và AANZFTA. Đó là vì trong AANZFTA có Trung Quốc – một thị trường mà Việt Nam nhập khẩu phần lớn các nguyên liệu hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất khẩu một số ngành mũi nhọn (dệt may, da giày…) nên các doanh nghiệp có thể cộng gộp xuất xứ nguyên liệu từ Trung Quốc trong tính toán hàm lượng giá trị khu vực để được hưởng ưu đãi thuế quan RCEP.

Nguồn: Trích dẫn "Báo cáo nghiên cứu: Cơ hội thị trường Australia cho Việt Nam
từ CPTPP và các FTA liên quan"
- Trung tâm WTO và Hội nhập