Tổng hợp câu hỏi về thuế quan với nguyên vật liệu được nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu
31/03/2020 21317Câu hỏi:
Công ty REMOTE SOLUTION VIETNAM
Trường hợp 1:
- Nhận nguyên liệu để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu (Nhập khẩu dưới mã E31).
- Phát sinh hàng lỗi hỏng sau khi gia công nguyên liệu.
- Đề nghị hướng dẫn phương pháp và thủ tục xử lý phế liệu này.
Xin hỏi có áp dụng CO trong trường hợp nộp bổ sung thuế nhập khẩu không?
Trường hợp 2:
- Nhận nguyên liệu để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu (Nhập khẩu dưới mã E31).
- Nguyên liệu nhập khẩu bị lỗi hỏng.
Đề nghị hướng dẫn phương pháp và thủ tục xử lý nguyên liệu lỗi hỏng tại VN. (Trừ trường hợp chuyển trả Ship back).
Trường hợp 3:
- Nhận nguyên liệu để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu (Nhập khẩu dưới mã E31).
- Sản phẩm này không còn sản xuất tại công ty ở VN, nơi sản xuất đã chuyển sang công ty ở nước khác.
- Chuyển giao nguyên liệu sang công ty nước khác dưới hình thức bán hàng (Chuyển giao bằng đúng giá mua vào, không phát sinh lợi nhuận). Vậy trường hợp này có phải nộp thuế không?
Trường hợp 4:
- Sản phẩm A được sản xuất để bán trong nước và xuất khẩu.
- Thông quan nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất sản phẩm A dưới dạng dùng để kinh doanh (mã A12).
Ngoài số lượng hàng bán trong nước, lượng hàng xuất khẩu có được hoàn thuế nhập khẩu và VAT không?
Trả lời:
1. Trường hợp 1:
Căn cứ khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP quy định về việc kê khai nộp thuế đối với hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng.
Căn cứ Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC thì việc chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa đã làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu chỉ được thực hiện sau khi người khai hải quan hoàn thành thủ tục hải quan đối với tờ khai hải quan mới; hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa, người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định.
Căn cứ Điều 55 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 35 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC quy định về định mức hàng gia công, sản xuất xuất khẩu.
Căn cứ Điều 71 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 49 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC thì phế liệu, phế phẩm thu được trong quá trình sản xuất hàng xuất khẩu khi bán, tiêu thụ nội địa được miễn thuế nhập khẩu nhưng phải kê khai, nộp thuế GTGT, thuế TTĐB (nếu có), thuế BVMT (nếu có).
Căn cứ quy định nêu trên, đối với phế liệu, phế phẩm tạo ra trong quá trình sản xuất, nằm trong định mức thực tế đáp ứng quy định tại Điều 55 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 35 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC tiêu hủy thì không phải kê khai nộp thuế nhập khẩu.
Về thuế GTGT: Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 thì hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế GTGT. Trường hợp phế liệu, phế phẩm phải tiêu hủy thì không phải kê khai nộp thuế GTGT. Doanh nghiệp phải nộp thuế GTGT đối với trường hợp phế liệu bị tiêu hủy nhưng còn giá trị sử dụng và được tiêu dùng tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về thuế GTGT.
Trường hợp phế phẩm của hàng sản xuất xuất khẩu nằm ngoài định mức thực tế sản xuất nhưng phải tiêu hủy (hoặc nguyên liệu, vật tư dư thừa phải tiêu hủy) thì doanh nghiệp phải đăng ký tờ khai thay đổi mục đích sử dụng kê khai nộp thuế NK theo Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC nhưng không phải kê khai nộp thuế GTGT đối với hàng hóa bị tiêu hủy.
Trị giá hải quan đối với hàng hóa tiêu hủy là trị giá do doanh nghiệp khai báo theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính.
Liên quan đến việc áp dụng C/O trong trường hợp nộp bổ sung thuế nhập khẩu: căn cứ quy định tại Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính, trường hợp Công ty nêu không thuộc trường hợp được áp dụng C/O để hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
2. Trường hợp 2:
Căn cứ khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP quy định về việc kê khai nộp thuế đối với hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng.
Căn cứ Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC thì việc chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa đã làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu chỉ được thực hiện sau khi người khai hải quan hoàn thành thủ tục hải quan đối với tờ khai hải quan mới; hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa, người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định.
Căn cứ Điều 55 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 35 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC quy định về định mức hàng gia công, sản xuất xuất khẩu.
Trường hợp nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu chưa đưa vào quá trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu bị lỗi hỏng, doanh nghiệp chuyển tiêu thụ nội địa thì phải phải đăng ký tờ khai thay đổi mục đích sử dụng kê khai nộp thuế NK, thuế GTGT theo Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC. Trường hợp doanh nghiệp tiêu hủy nguyên liệu, vật tư hỏng thì phải kê khai nộp thuế nhập khẩu, không phải kê khai nộp thuế GTGT.
Trị giá hải quan đối với hàng hóa tiêu hủy là trị giá do doanh nghiệp khai báo theo quy định tại khoản 9 Điều 1 Thông tư số 60/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 của Bộ Tài chính.
3. Trường hợp 3:
Căn cứ điểm c khoản 1, khoản 2 Điều 19 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định:
”Người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu nhưng hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu và không phải nộp thuế xuất khẩu;
Hàng hóa quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này được hoàn thuế khi chưa qua sử dụng, gia công, chế biến”.
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 34 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu nhưng phải tái xuất được hoàn thuế nhập khẩu (nếu có) và không phải nộp thuế xuất khẩu với điều kiện hàng hóa chưa qua sản xuất, gia công, chế biến ở Việt Nam. Mã loại hình tờ khai là B13. Trường hợp của Công ty không phải kê khai nộp thuế xuất khẩu nếu đáp ứng đủ các quy định nêu trên.
4. Trường hợp 4:
Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định: Người nộp thuế đã nộp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan, được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp tương ứng với nguyên liệu, vật tư được sử dụng để sản xuất sản phẩm đã xuất khẩu. Cơ sở để xác định hàng hóa được hoàn thuế thực hiện theo quy định tại khoản 3 điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
Căn cứ khoản 3 Điều 10 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 146/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 của Chính phủ quy định cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu bao gồm cả trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài, có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo. Cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu mà hàng hóa xuất khẩu đó không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan; hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu theo loại hình nhập kinh doanh sản xuất (A12) sau đó đưa vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài thì được cơ quan hải quan xem xét hoàn thuế nhập khẩu đã nộp tương ứng với nguyên liệu, vật tư được sử dụng để sản xuất sản phẩm đã xuất khẩu. Cơ sở để xác định hàng hóa được hoàn thuế nhập khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 3 điều 36 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
Thuế GTGT doanh nghiệp được hoàn hoặc khấu trừ tại cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về thuế GTGT.
Nguồn: Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính