Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam từ Chiến lược F2F

Từ bức tranh tổng thể các chính sách trong khuôn khổ Chiến lược F2F, có thể thấy các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam đang đứng cần đối mặt với xu hướng chuyển đổi rõ rệt, tiềm ẩn nhiều cơ hội tốt để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ nếu có thể tận dụng được. Cụ thể như sau: 

-    Cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu

Chiến lược F2F được xây dựng yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường EU phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm và quy trình sản xuất bền vững. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam nếu có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn này sẽ có cơ hội lớn tiếp cận được thị trường EU, một trong những thị trường có nhu cầu lớn nhất thế giới với mức chi tiêu cao, đi trước một bước giành thị phần tại thị trường này khi các đối thủ vẫn đang tìm cách thích nghi.  

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững, việc tiếp cận thị trường châu Âu và các thị trường phát triển khác không chỉ là cơ hội mà còn là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là trong ngành nông sản xuất khẩu.

-    Cơ hội xây dựng uy tín thương hiệu

Do EU là một trong những thị trường có tiêu chuẩn cao nhất, nên khi doanh nghiệp Việt Nam đạt được đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này, các sản phẩm nông sản thực phẩm của doanh nghiệp đó đã có những uy tín nhất định để có thể dễ dàng đáp ứng được tiêu chuẩn của nhiều thị trường khác, giúp quá trình mở rộng thị trường của doanh nghiệp Việt Nam được thuận lợi hơn. 
Khi sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn bền vững của chiến lược F2F, doanh nghiệp có thể xây dựng hình ảnh thương hiệu gắn liền với sản xuất sạch và có trách nhiệm với môi trường. Những mặt hàng nông sản Việt Nam khi đạt các chứng nhận hữu cơ hay Global G.A.P thường có giá trị cao hơn trên thị trường quốc tế, không chỉ ở giá bán mà còn là giá trị thương hiệu, giúp doanh nghiệp khẳng định cam kết đối với chất lượng và sự bền vững, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và các đối tác quốc tế. 

-    Cơ hội chuyển mình sang sản xuất bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh

Chiến lược F2F của EU mang đến thời cơ cho các doanh nghiệp nông sản Việt Nam chuyển mình theo hướng bền vững hơn. Bằng việc đưa ra các yêu cầu cao về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, chiến lược này khuyến khích doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất để giảm sử dụng hóa chất, góp phần bảo vệ môi trường và tăng năng suất lâu dài. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt khi xuất khẩu vào thị trường EU mà còn tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa hiệu quả sản xuất. Khi doanh nghiệp chuyển đổi sang các phương pháp canh tác bền vững, họ sẽ giảm thiểu sự phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào đắt đỏ như phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Thay vào đó, các phương pháp canh tác tự nhiên, thân thiện với môi trường sẽ giúp cải thiện sức khỏe đất đai, tăng cường khả năng sinh sản của đất và nâng cao năng suất trong dài hạn. 
Trên thị trường quốc tế, đặc biệt là ở các nước phát triển như EU, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Do đó, những doanh nghiệp Việt Nam tiến hành áp dụng các phương pháp canh tác và chế biến thân thiện với môi trường có thể tạo ra sự khác biệt rõ ràng trong sản phẩm của mình so với đối thủ cạnh tranh. Những sản phẩm của phương pháp này mang chứng nhận bền vững không chỉ có giá trị cao hơn mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ cho doanh nghiệp Việt trên thị trường toàn cầu.

-    Cơ hội tăng cường hợp tác quốc tế và tiếp cận quỹ hỗ trợ

Để thực thi hiệu quả chiến lược F2F, Liên minh châu Âu sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa cũng như các doanh nghiệp ở các nước đối tác có định hướng xuất khẩu và EU. Do đó, doanh nghiệp nông sản Việt Nam sẽ có khả năng được tiếp cận nhiều chương trình hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức và viện nghiên cứu của EU, được hỗ trợ chia sẻ kiến thức và chuyển giao các công nghệ tiên tiến để đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn cao mà chiến lược F2F đã đề ra. Chẳng hạn như các giải pháp truy xuất nguồn gốc xuất xứ qua blockchain, hệ thống quản lý sản xuất và bảo quản hàng hóa thông minh có thể được triển khai tại Việt Nam thông qua các hỗ trợ này, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tính minh bạch mà người tiêu dùng EU đặc biệt quan tâm. 

EU đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ tài chính dành cho các dự án phát triển bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, chẳng hạn như các chương trình Horizon Europe hay các quỹ hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững. Các quỹ này không chỉ hỗ trợ về tài chính mà còn tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, và giảm thiểu tác động đến môi trường.

Việc tiếp cận các quỹ hỗ trợ này giúp doanh nghiệp giảm bớt được gánh nặng chi phí khi đầu tư vào công nghệ mới, đồng thời được tiếp cận cơ hội tham gia vào các dự án hợp tác quốc tế có quy mô lớn. Ví dụ, thông qua quỹ Horizon Europe, doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào các dự án nghiên cứu và phát triển, kết hợp cùng các đối tác từ châu Âu để phát triển những giải pháp mới cho chuỗi cung ứng nông nghiệp bền vững. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn tài chính mà còn tiếp cận với kiến thức và công nghệ tiên tiến từ các quốc gia phát triển.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI