Thách thức với doanh nghiệp Việt Nam từ Chiến lược F2F

Mặc dù mang lại một số cơ hội hấp dẫn, nhưng chiến lược F2F cũng tiềm ẩn  nhiều thách thức đáng kể đối với các doanh nghiệp nông sản thực phẩm Việt Nam trong nỗ lực đáp ứng được các tiêu chuẩn cao của chiến lược này. Cụ thể như sau:

-    Thách thức về chi phí tuân thủ cao

Việc tuân thủ được đầy đủ các tiêu chuẩn cao của chiến lược F2F đặt ra thách thức lớn về chi phí cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp cần phải đầu tư chi phí và nguồn lực không nhỏ vào hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất bền vững áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, có thể vượt quá khả năng tài chính của nhiều doanh nghiệp. Những chi phí này có thể tạo ra áp lực tài chính lớn khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ cảm thấy khó khăn khi tiếp cận các thị trường xuất khẩu có yêu cầu cao như EU.

Một trong những yêu cầu cơ bản của chiến lược F2F là đảm bảo tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải triển khai các hệ thống quản lý phức tạp. Công nghệ blockchain là một trong những giải pháp phổ biến được áp dụng để quản lý chuỗi cung ứng, giúp theo dõi và minh bạch hóa quy trình sản xuất từ nông trại đến bàn ăn. Tuy nhiên, chi phí triển khai công nghệ blockchain, bao gồm việc thiết lập hạ tầng, đào tạo nhân viên và duy trì hệ thống, có thể rất cao. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những chi phí này có thể là một rào cản lớn, đặc biệt khi họ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn hơn đã có cơ sở hạ tầng và tài chính ổn định hơn.

-    Thách thức về truy xuất nguồn gốc

Chiến lược F2F đặt ra nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc với các sản phẩm nông sản thực phẩm nhập khẩu vào EU, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải phải có hệ thống quản lý chặt chẽ, theo dõi toàn bộ quá trình từ nơi nuôi trồng đến tay của người tiêu dùng, bao gồm cả các giai đoạn sản xuất, vận chuyển và phân phối. Đây là một yêu cầu khó khăn đối với nhiều doanh nghiệp Việt, khi phần lớn chuỗi cung ứng trong nước vẫn dựa vào các phương pháp truyền thống và chưa có hệ thống quản lý hiện đại.

Một trong những trở ngại chính là việc thiết lập và duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc toàn diện. Hệ thống này đòi hỏi phải có sự tích hợp chặt chẽ giữa các bên tham gia trong chuỗi cung ứng, từ nông dân, thương lái, xưởng/nhà máy chế biến, lưu kho vận chuyển cho đến đơn vị bán lẻ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nông sản thực phẩm vẫn còn hoạt động nhỏ lẻ và manh mún, không có đủ tiềm lực tài chính và công nghệ để đầu tư vào hệ thống truy xuất nguồn gốc hiện đại. Đặc biệt, trong các chuỗi cung ứng tại Việt Nam có sự tham gia của nhiều đối tác đơn lẻ như hộ gia đình, việc thu thập và kiểm soát dữ liệu từ các bên này trở nên vô cùng phức tạp và khó khăn. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp Việt Nam khó có thể đảm bảo được tính liên tục và minh bạch trong quá trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm. 

Đối với các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu trực tiếp, bài toán đặt ra để làm truy xuất nguồn gốc cũng không dễ dàng hơn, khi các yêu cầu bền vững đòi hỏi doanh nghiệp cần thu thập, lưu trữ và báo cáo dữ liệu chi tiết về từng bước trong chuỗi cung ứng, từ việc sử dụng đất, nước, và thuốc bảo vệ thực vật… trong sản xuất, đến các yêu cầu về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp… Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải chuyển mình mạnh mẽ so với cách làm truyền thống, khi mà việc quản lý chất lượng chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và ít có sự ghi chép chi tiết. Sự chuyển đổi này không chỉ tốn kém về chi phí mà còn đòi hỏi nguồn lực về con người và kỹ thuật, khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong việc đáp ứng.

-    Thách thức về gia tăng cạnh tranh với sản phẩm nội địa tại thị trường EU

Chiến lược F2F không chỉ đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe cho sản phẩm nhập khẩu vào thị trường EU, mà còn khuyến khích ưu tiên sản xuất bền vững tại chính các quốc gia thành viên. Điều này khiến doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh gia tăng từ các sản phẩm nội địa EU, khi người tiêu dùng EU cũng có xu hướng ưa chuộng các sản phẩm tại địa phương hơn. Họ coi việc tiêu thụ sản phẩm nội địa là cách giảm thiểu tác động môi trường từ chuỗi cung ứng, đặc biệt là về vấn đề khí thải từ vận chuyển dài hạn.
Sản phẩm nội địa EU thường có lợi thế về thời gian vận chuyển ngắn hơn, độ tươi ngon cao hơn và có sự kiểm soát chặt chẽ trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Hơn nữa, chính phủ các quốc gia EU cũng có nhiều chương trình hỗ trợ cho các nhà sản xuất nông sản trong nước, từ hỗ trợ tài chính đến chính sách ưu đãi về thuế và cơ sở hạ tầng. Điều này giúp giảm thiểu chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nội địa so với hàng nhập khẩu từ các nước ngoài EU, bao gồm cả Việt Nam.

-    Thách thức về cập nhật thay đổi chính sách 

Hiện tại, chiến lược F2F vẫn đang trong quá trình triển khai với nhiều chính sách vẫn còn nằm ở vòng đề xuất, dự thảo, được thay đổi và cập nhật liên tục. Do đó doanh nghiệp Việt Nam phải thường xuyên theo dõi để nắm bắt thông tin kịp thời, đúng lúc thực hiện các điều chỉnh sản xuất để thích nghi với những quy định mới. 

Việc cập nhật thường xuyên các quy định mới cũng tạo rủi ro về vi phạm cho doanh nghiệp Việt Nam nếu chậm đáp ứng một quy định nào đó mới được ban hành. Điều này có thể dẫn đến một số hậu quả như sản phẩm bị từ chối tại thị trường EU hoặc bị phạt do không tuân thủ quy định, gây thiệt hại lớn về kinh tế và uy tín cho doanh nghiệp Việt Nam.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI