Nội dung của CEAP: Giảm rác thải, tạo ra nhiều giá trị hơn?
(1) Cải thiện chính sách rác thải
Hằng năm, lượng rác thải phát sinh từ các hoạt động kinh tế của EU lên tới 2,5 tỷ tấn, tương đương 5 tấn/người/năm, và trung bình mỗi công dân tạo ra gần nửa tấn rác thải sinh hoạt. Mặc dù đã có những nỗ lực ở cấp EU và các thành viên trong khối, lượng rác thải phát sinh mỗi năm tại EU vẫn không giảm, do đó việc triển khai khung chính sách sản phẩm bền vững được xem là chìa khóa để đạt được hiệu quả trong việc giảm thiểu rác thải tại khu vực này.
Các luật về rác thải của EU đã được xây dựng từ những năm 1970, tuy nhiên để thực hiện các mục tiêu giảm lượng phát thải mới, EU cần củng cố, thúc đẩy việc thực hành tốt các luật này thông qua nhiều hoạt động như sửa đổi luật về pin, bao bì, phương tiện hết niên hạn sử dụng, các chất độc hại trong thiết bị điện tử… qua đó ngăn ngừa rác thải, tăng hàm lượng tái chế, thúc đẩy các dòng chất thải sạch, an toàn, đồng thời đảm bảo quá trình tái chế chất lượng cao.
Bên cạnh đó, EU cũng sẽ nâng cao việc thực hiện các yêu cầu mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất mới, cung cấp các ưu đãi và khuyến khích chia sẻ thông tin và các thực hành tốt trong tái chế rác thải.
(2) Tăng cường tính tuần hoàn trong môi trường không độc hại
Chính sách và pháp luật về hóa chất của EU, đặc biệt là REACH, khuyến khích việc chuyển đổi sang "hóa chất an toàn từ khâu thiết kế". Tuy nhiên, tính an toàn của nguyên liệu thô thứ cấp vẫn có thể bị ảnh hưởng (chẳng hạn như các chất bị cấm vẫn còn tồn tại trong nguyên liệu tái chế), do đó để đảm bảo việc sử dụng nguyên liệu thô thứ cấp an toàn/hiệu quả, EU sẽ:
- Hỗ trợ phát triển các giải pháp phân loại và loại bỏ các chất gây ô nhiễm từ rác thải;
- Phát triển các phương pháp để giảm thiểu sự hiện diện của các chất gây hại trong vật liệu tái chế và các sản phẩm làm từ chúng;
- Phát triển các hệ thống hài hòa để theo dõi và quản lý thông tin về các chất đáng lo ngại dọc theo chuỗi cung ứng;
- Cải thiện phân loại và quản lý chất thải nguy hại nhằm duy trì các dòng tái chế sạch…
(3) Tạo ra một thị trường EU hoạt động hiệu quả cho nguyên liệu thô thứ cấp
Nguyên liệu thô thứ cấp gặp phải nhiều thách thức khi cạnh tranh với nguyên liệu thô sơ cấp, không chỉ vì vấn đề an toàn mà còn liên quan đến hiệu suất, tính sẵn có và chi phí. Một số hành động trong Kế hoạch này, đặc biệt là yêu cầu về hàm lượng tái chế trong sản phẩm, sẽ giúp ngăn chặn sự bất cân xứng giữa cung và cầu của nguyên liệu thô thứ cấp và đảm bảo sự mở rộng của ngành tái chế EU. Hơn nữa, để thiết lập một thị trường nội địa hoạt động hiệu quả cho nguyên liệu thô thứ cấp, EU sẽ:
- Đánh giá khả năng xây dựng/phát triển thêm các tiêu chí về "chấm dứt trạng thái rác thải (end-of-waste criteria)" cho một số dòng chất thải nhất định, đồng thời hỗ trợ các sáng kiến hợp tác xuyên biên giới để hài hòa tiêu chí "chấm dứt trạng thái rác thải" và tiêu chí sản phẩm phụ của từng quốc gia;
- Tăng cường vai trò của tiêu chuẩn hóa dựa trên việc đánh giá liên tục công tác tiêu chuẩn hóa hiện có ở cấp quốc gia, cấp EU và cấp quốc tế;
- Hạn chế việc sử dụng các chất đáng lo ngại trong sản phẩm (việc sử dụng chất này phải được cấp phép);
- Đánh giá khả năng thành lập một cơ quan giám sát thị trường cho các nguyên liệu thứ cấp quan trọng.
(4) Giải quyết vấn đề xuất khẩu rác thải từ EU
Trong thập kỷ qua, hàng triệu tấn rác thải (thường không được xử lý đúng cách) đã được xuất khẩu sang các nước ngoài EU. Việc xuất khẩu rác thải này thường gây ra các tác động tiêu cực đối với môi trường và sức khỏe ở các nước nhập khẩu, đồng thời làm mất đi nguồn tài nguyên và cơ hội kinh tế cho ngành công nghiệp tái chế của EU. Với CEAP, EU sẽ thực hiện các hành động liên quan đến thiết kế sản phẩm, chất lượng và tính an toàn của nguyên liệu thứ cấp, đưa tiêu chí “được tái chế tại EU (recycled in the EU)” thành chuẩn mực cho nguyên liệu thứ cấp chất lượng
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI