Nội dung của CEAP: Thiết lập khung chính sách sản phẩm bền vững?

(1) Thiết kế sản phẩm bền vững

Với mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, không phát thải, tiết kiệm tài nguyên… EU đã đề xuất sáng kiến về chính sách sản phẩm bền vững, với trọng tâm của sáng kiến này là mở rộng Chỉ thị Thiết kế sinh thái (Ecodesign Directive), không chỉ giới hạn ở các sản phẩm liên quan đến năng lượng mà còn mở rộng sang các sản phẩm khác có tiềm năng tuần hoàn cao.

Trong khuôn khổ sáng kiến này, EU sẽ xem xét thiết lập các nguyên tắc bền vững và các cách thức phù hợp để điều chỉnh các khía cạnh sau:

  • Cải thiện độ bền, khả năng tái sử dụng, nâng cấp và sửa chữa của sản phẩm, giải quyết sự hiện diện của các hóa chất độc hại trong sản phẩm;
  • Tăng hàm lượng tái chế trong sản phẩm, đồng thời đảm bảo hiệu suất và an toàn của sản phẩm;
  • Tạo điều kiện cho việc tái sản xuất (tân trang) và tái chế chất lượng cao;
  • Hạn chế sản phẩm sử dụng một lần;
  • Cấm tiêu hủy hàng hóa lâu bền chưa bán được;
  • Thúc đẩy mô hình “Hàng hóa dưới dạng dịch vụ (Product-as-a-Service)” hoặc các mô hình khác mà nhà sản xuất giữ quyền sở hữu sản phẩm hoặc chịu trách nhiệm về hiệu suất trong suốt vòng đời của sản phẩm;
  • Khai thác tiềm năng của việc số hóa thông tin sản phẩm, bao gồm các giải pháp như hộ chiếu kỹ thuật số, đánh dấu và mã vạch…

EU sẽ xem xét việc đưa ra các yêu cầu bắt buộc để tăng tính bền vững của sản phẩm dọc theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, tiêu dùng đến thải bỏ (hết vòng đời của sản phẩm).

Để hỗ trợ việc áp dụng khung sản phẩm bền vững một cách hiệu quả, EU sẽ: (i) thiết lập một Không gian Dữ liệu chung châu Âu cho các Ứng dụng tuần hoàn thông minh (European Dataspace for Smart Circular Applications) với dữ liệu về chuỗi giá trị và thông tin sản phẩm và (ii) tăng cường các nỗ lực trong việc thực thi các yêu cầu bền vững áp dụng cho các sản phẩm được đưa vào thị trường EU, đặc biệt là thông qua các cuộc kiểm tra, giám sát thị trường.

(2) Trao quyền cho người tiêu dùng trong lựa chọn sản phẩm bền vững

Trao quyền cho người tiêu dùng là một trong những trụ cột quan trọng của khung chính sách sản phẩm bền vững. Để thúc đẩy sự tham gia của người tiêu dùng vào nền kinh tế tuần hoàn, EU đề xuất sửa đổi Luật tiêu dùng nhằm đảm bảo người tiêu dùng tiếp cận được các thông tin đáng tin cậy và phù hợp về sản phẩm (vòng đời sản phẩm, dịch vụ sửa chữa, thay thế…). EU cũng sẽ tăng cường bảo vệ người tiêu dùng thông qua việc chống lại hành vi tẩy xanh (greenwashing), đồng thời thiết lập các yêu cầu tối thiểu cho nhãn bền vững…

Ngoài ra, EU hướng đến việc xây dựng “quyền được sửa chữa” mới và các quyền lợi khác cho người tiêu dùng, chẳng hạn như quyền tiếp cận các dịch vụ sửa chữa, quyền cập nhật/nâng cấp phần mềm cũ (đối với các sản phẩm điện tử, CNTT)…

EU cũng sẽ đề xuất việc các công ty phải chứng minh các tuyên bố về môi trường của mình bằng các phương pháp Dấu chân môi trường sản phẩm và tổ chức (Product and Organisation Environmental Footprint). EU sẽ kiểm tra việc tích hợp các phương pháp này vào Nhãn sinh thái EU (EU Ecolabel) và đưa độ bền, khả năng tái chế và hàm lượng tái chế vào các tiêu chí Nhãn sinh thái EU một cách có hệ thống hơn.

(3) Thúc đẩy tính tuần hoàn trong quá trình sản xuất

Tính tuần hoàn là một phần thiết yếu trong quá trình chuyển đổi của ngành công nghiệp hướng tới việc không phát thải, tiết kiệm nguyên liệu trong toàn chuỗi giá trị và quy trình sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng và mở ra các cơ hội kinh tế. Phù hợp với các mục tiêu được đặt ra trong Chiến lược Công nghiệp (Industrial Strategy), EU sẽ thúc đẩy tính tuần hoàn mạnh mẽ hơn trong ngành công nghiệp bằng cách:

  • Đánh giá các phương án để thúc đẩy tính tuần hoàn trong các quy trình công nghiệp;
  • Tạo điều kiện cho sự cộng sinh công nghiệp (industrial symbiosis);
  • Hỗ trợ lĩnh vực sinh học bền vững và tuần hoàn;
  • Thúc đẩy việc sử dụng các công nghệ số để theo dõi, truy vết và lập bản đồ tài nguyên;
  • Thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ xanh thông qua một hệ thống xác minh vững chắc.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI