RCEP - Cơ hội vàng để nâng cao vị thế ASEAN
09/10/2024 82Tuần này, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á sẽ nhóm họp tại Hội nghị cấp cao ASEAN 2024 ở Thủ đô Viêng Chăn (Lào) cùng với sự tham dự của các nhà lãnh đạo đối tác đối thoại ASEAN.
Đây là cơ hội quan trọng để ASEAN nhấn mạnh vai trò chủ chốt trong việc định hình hợp tác kinh tế và duy trì ổn định khu vực. Việc đảm bảo ASEAN tiếp tục là trung tâm của các sáng kiến khu vực, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – điều sống còn để khối không bị tụt hậu trong cuộc đua với các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc.
ASEAN luôn hướng đến mục tiêu đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, duy trì ổn định khu vực và thúc đẩy lợi ích của các thành viên. Với những thay đổi địa chính trị hiện nay, do sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa các cường quốc, việc khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN càng quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu không làm được như vậy, ASEAN có nguy cơ nằm “bên lề” cuộc đua định hình tương lai của khu vực với các cường quốc lớn. Việc mất đi vai trò trung tâm cũng có thể dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc hơn giữa các nước ASEAN, vì một số quốc gia có thể tìm kiếm mối liên kết chặt chẽ hơn với các cường quốc.
Một trong những nền tảng mà ASEAN cần tăng cường để nâng cao vai trò trung tâm của mình là RCEP - Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đa phương lớn nhất và tham vọng nhất thế giới, bao gồm 15 quốc gia với Tổng sản phẩm nội địa (GDP) gần 30.000 tỷ USD.
Được ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, RCEP có khả năng định vị ASEAN là trung tâm tăng trưởng kinh tế, hợp tác và hội nhập trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Không giống như các FTA khác, RCEP được thiết kế với sự hỗ trợ của thể chế để thực hiện và giám sát việc thực hiện các cam kết. Điều này bao gồm một ủy ban chung gồm các quan chức cấp cao, các cuộc họp thường kỳ cấp bộ trưởng và cả các cuộc họp ở cấp lãnh đạo, cùng với sự hỗ trợ của Ban Thư ký. Cấu trúc thể chế này cho phép các nước thành viên RCEP cùng nhau thiết lập định hướng của thỏa thuận một cách thường xuyên và chiến lược để thúc đẩy sự hội nhập lớn hơn trong khu vực.
Mặc dù có tiềm năng, nhưng có những dấu hiệu cho thấy sự nhiệt tình đối với RCEP ở một số nước thành viên ASEAN đang giảm sút. Indonesia, dù là nước đầu tiên đề xuất đàm phán RCEP, chỉ chính thức thực thi hiệp định vào đầu năm 2023 sau nhiều tranh luận nội bộ. Các doanh nghiệp địa phương lo ngại về việc nhập khẩu gia tăng và chưa sẵn sàng đối mặt với cạnh tranh quốc tế. Philippines cũng gặp những thách thức tương tự khi chỉ bắt đầu áp dụng RCEP vào tháng 7/2023. Điều này cho thấy một số quốc gia ASEAN vẫn chưa tận dụng triệt để các lợi ích mà RCEP mang lại cho chuỗi cung ứng khu vực.
Để khai thác tối đa tiềm năng của RCEP, ASEAN cần có cách tiếp cận tích cực và chiến lược hơn. Những nền kinh tế như Malaysia và Indonesia, với vị thế là những nhà sản xuất lớn của các sản phẩm như dầu cọ, có thể tận dụng RCEP để củng cố chuỗi cung ứng với các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trong khi đó, Singapore, với tư cách là trung tâm tài chính và hậu cần, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy dòng chảy thương mại và đầu tư trong khuôn khổ RCEP.
RCEP không chỉ nên được coi là một hiệp định thương mại tự do đơn thuần mà còn là công cụ để ASEAN xây dựng các quan hệ đối tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số, phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo. Nếu được triển khai đúng cách, RCEP có thể trở thành nền tảng cho hợp tác chính trị và kinh tế sâu rộng hơn, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực.
Nguồn: Tạp chí Hải quan
- Ba năm thực thi RCEP: Tăng cường niềm tin của cộng đồng quốc tế vào chủ nghĩa đa phương
- 'Xanh hóa' để làm chủ 'cuộc chơi' trong Hiệp định RCEP
- Hiệp định RCEP: Nền tảng hợp tác then chốt giữa bất ổn toàn cầu
- Khai thác tiềm năng tăng trưởng khu vực của Hiệp định RCEP
- Khai thác tiềm năng tăng trưởng khu vực của Hiệp định RCEP