Khai báo nhập khẩu, nộp thuế và thông quan hàng hóa

Khai báo nhập khẩu

Tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Hàn Quốc sẽ phải thực hiện khai báo nhập khẩu cho Hải quan Hàn Quốc.

Về nguyên tắc, nhà nhập khẩu sẽ khai báo nhập khẩu sau khi hàng đến cảng. Tuy nhiên, để đẩy nhanh quá trình thông quan, việc khai báo nhập khẩu có thể được thực hiện trước khi hàng đến.

Nhà nhập khẩu sẽ tiến hành khai báo nhập khẩu điện tử đồng thời đăng tải các chứng từ nhập khẩu bắt buộc khác trên trang web UNI-PASS của Dịch vụ Hải quan Hàn Quốc (https://unipass.customs.go.kr/csp/index.do).

Các chứng từ nhập khẩu bắt buộc đối với doanh nghiệp

Đối với hàng hóa thuộc diện nhập khẩu thông thường, các chứng từ mà nhà nhập khẩu phải nộp cho cơ quan Hải quan bao gồm:

  • Hóa đơn thương mại
  • Phiếu đóng gói
  • Vận đơn
  • Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O): Nếu hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo các FTA giữa Việt Nam với Hàn Quốc thì phải nộp loại C/O tương ứng (với VKFTA là C/O mẫu VK, AKFTA là C/O mẫu AK, RCEP là C/O mẫu RCEP) do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

Đối với các loại hàng hóa thuộc diện kiểm soát đặc thù, ngoài các chứng từ kể trên, doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm một số chứng từ bắt buộc tùy từng loại hàng hóa, chẳng hạn:

  • Chứng nhận an toàn KC (KC Safety certification) đối với 03 nhóm hàng hóa, bao gồm: (i) đồ điện (thiết bị hình ảnh và âm thanh; sản phẩm chiếu sáng, màn hình máy tính, máy hút bụi, bàn là, máy in, máy rửa bát…), (ii) đồ gia dụng (nồi áp suất, sàn nhựa PVC, mũ bảo hiểm, ván trượt, giày patin, xe đẩy hàng…) và (iii) sản phẩm cho trẻ em và trẻ sơ sinh (đồ chơi, nôi, xe đẩy, xe đạp, quần áo, đồ dùng học tập…)
  • Giấy chứng nhận hun trùng (Fumigation/Heat Treatment Certification) do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp, áp dụng đối với các hàng hóa có nguy cơ chứa các vi trùng có hại (mối, mọt, nấm mốc..) hoặc bì đóng gói hàng hóa có nguồn gốc từ gỗ (pallet)…
  • Chứng nhận kiểm dịch động vật, thực vật do cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu cấp, áp dụng đối với các sản phẩm động vật và thực vật chưa qua chế biến.

Dựa trên kỹ thuật quản lý rủi ro và phân tích dữ liệu hàng hóa, Hệ thống thông quan Hải quan sẽ tự động đưa ra quyết định liệu hàng hóa thuộc diện (i) kiểm tra dựa trên chứng từ; (ii) kiểm tra thực tế, hay (iii) được miễn kiểm tra (cả chứng từ và thực tế hàng hóa).

i. Kiểm tra lô hàng dựa trên chứng từ nhập khẩu: Trong trường hợp này, Hải quan Hàn Quốc sẽ tiến hành kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của đơn khai báo nhập khẩu và các chứng từ nhập khẩu bắt buộc khác

ii. Kiểm tra thực tế hàng hóa: Trong trường hợp này, Hải quan sẽ tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa nhằm đảm bảo tính chính xác của tờ khai nhập khẩu về tả hàng hóa, số lượng, nước xuất xứ, nhãn hiệu… Sau khi hoàn thành việc kiểm tra thực tế hàng hóa, Hải quan vẫn sẽ kiểm tra chứng từ nhập khẩu của lô hàng giống như trong trường hợp (i)

  1. Miễn kiểm tra (chứng từ và thực tế)

Hải quan Hàn Quốc sẽ duyệt đơn khai báo nhập khẩu nếu không phát hiện vấn đề/sai phạm trong kết quả kiểm tra.

Nộp thuế và thông quan hàng hóa

Sau khi đơn khai báo nhập khẩu được duyệt (không có vấn đề gì sau khi kiểm tra chứng từ và/hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa), nhà nhập khẩu sẽ phải nộp một khoản đảm bảo hoặc nộp trước các khoản thuế để được giải phóng và thông quan hàng hóa.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế hoặc nộp khoản đảm bảo cho số tiền thuế phải nộp, Đơn khai báo nhập khẩu sẽ được chấp nhận một cách tự động trên Hệ thống thông quan. Hải quan Hàn Quốc sau đó sẽ phát hành Chứng nhận về khai báo hàng hóa nhập khẩu (Certificate of import declaration) – như một thông báo về việc chấp nhận giải phóng hàng hóa. Để tránh bị làm giả, Chứng nhận này sẽ con dấu đặc biệt của Hải quan, watermark (Biểu tượng Dịch vụ Hải quan Hàn Quốc), số sê-ri, mã vạch 2-D và dấu "copy".

Trong trường hợp doanh nghiệp mới chỉ nộp một khoản đảm bảo để giải phóng hàng hóa, nghĩa vụ nộp thuế sẽ phải được hoàn thành trong vòng 15 ngày từ ngày Khai báo nhập khẩu được chấp thuận (Nộp thuế sau thông quan (Post-clearance Tax payment)).

Chú ý: Tại Hàn Quốc, chi doanh nghiệp có tỷ lệ tuân thủ pháp luật cao mới được chấp nhận Nộp thuế sau thông quan (Post-clearance Tax payment).

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI