NĂM NĂM THÀNH VIÊN WTO

VIỆT NAM ĐÃ VÀ SẼ Ở ĐÂU TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP?

Thời gian: 8.00-11.45 ngày thứ Tư 29 tháng 2 năm 2012

Địa điểm: Phòng Hội thảo tầng 3 - Khách sạn Fortuna, 6B Láng Hạ - Hà Nội

Ngày 29/2/2112, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo “Năm năm là thành viên WTO – Việt Nam đã và sẽ ở đâu trong quá trình hội nhập”. Đây là hoạt động nằm trong Chương trình “Doanh nghiệp và Chính sách Thương mại Quốc tế” của VCCI, được thực hiện trong khuôn khổ Dự án MUTRAP III (Dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III EU-Việt Nam), với tài trợ của Liên minh châu Âu.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Giám đốc Dự án MUTRAP III cho biết việc nhìn lại 5 năm qua là cơ hội rất tốt để các nhà đàm phán, các cơ quan Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam có thêm những bài học kinh nghiệm quý giá, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước những đàm phán mở cửa thị trường mới phức tạp và khó khăn hơn nhiều.

Với vai trò là những người tuyến đầu trên “mặt trận WTO” ngày ấy, ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Thương mại, nguyên Trưởng Đoàn đàm phán thương mại của Chính phủ đã kể lại những ngày tháng đàm phán đầy căng thẳng và quyết liệt với những bài học “xương máu” về chiến lược đàm phán, về việc lựa chọn đối tác và thời điểm đàm phán…Điều ông tâm đắc nhất trong quá trình đàm phán đó là về cơ bản, Việt Nam đã đạt được những mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, kết quả đàm phán sẽ tốt hơn nếu như chúng ta có sự chuẩn bị kỹ hơn và có tính chủ động hơn trong đàm phán.

Còn theo ông Lương Văn Tự – Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Trưởng Đoàn đàm phán thương mại của Chính phủ, có ba bài học rút ra từ quá trình đàm phán gia nhập WTO. Thứ nhất, muốn thành công trong quá trình hội nhập thì cần phải thay đổi từ bên trong chứ không phải trông chờ tác động từ bên ngoài. Thứ hai, muốn thành công trên bàn đàm phán thì cần phải nghiên cứu kỹ đối tác để biết họ cần gì và muốn gì, đây là nguyên tắc “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Thứ ba, phải hiểu cuộc chơi của WTO không “bình đẳng” như đàm phán song phương, không có quyền “măc cả” mà chỉ có thể vận động các nhóm có cùng lợi ích với mình, đây là bài học về sự cần thiết của “vận động hành lang” trong quá trình đàm phán.

Từ phía “hậu phương”, bà Phạm Chi Lan – Chuyên gia cao cấp, nguyên Phó Chủ tịch VCCI cho rằng sự hậu thuẫn trong nước ngày ấy cho WTO chưa thực sự được như mong đợi. Thứ nhất, về đường hướng và chính sách phát triển kinh tế thị trường vẫn chưa được xác định một cách mạch lạc, vẫn mang nặng tư duy cũ, chưa định vị kinh tế Việt Nam trong kinh tế khu vực và toàn cầu. Thứ hai, về chiến lược cạnh tranh chưa chuẩn bị thật tốt,  năng lực cạnh tranh thấp, nền tảng cho cạnh tranh yếu kém cả về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Thứ ba, về chiến lược đàm phán chưa nhận thức được đầy đủ vai trò của doanh nghiệp và xã hội, các tầng lớp này vẫn đứng bên ngoài bàn đàm phán, không được tham vấn thậm chí không có thông tin để có sự chuẩn bị cho mình trong hội nhập.

Năm năm Việt Nam là thành viên WTO - năm năm của những thành công đã đạt được và những kỳ vọng chưa thành. Nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định: tăng trưởng GDP hàng năm khá cao (trung bình 5 năm trên 7%), xuất nhập khẩu đều tăng mạnh, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cao chưa từng thấy (đặc biệt trong những năm đầu gia nhập WTO), môi trường kinh doanh trong nước được cải thiện đáng kể, quan hệ hợp tác thương mại với nước ngoài được tăng cường và mở rộng…Tuy nhiên, năm năm hội nhập – ba năm chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, việc tận dụng những lợi thế từ hội nhập nói chung và WTO nói riêng của Việt Nam chưa thực sự được như mong muốn. Xuất khẩu tăng nhưng chưa tạo ra được nhiều giá trị gia tăng, trong khi nhập khẩu lại chủ yếu các sản phẩm công nghệ trung bình không giúp cải thiện năng lực cạnh tranh trong nước, chất lượng các dự án FDI chưa cao, sức ép cạnh tranh quá lớn khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa….

Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn về Chính sách Thương mại Quốc tế VCCI kết luận rằng việc nhìn lại quá khứ là để gửi một thông điệp tới tương lai, rằng hội nhập là một quá trình tất yếu, Việt Nam cần chủ động hơn nữa để khắc phục những yếu kém tồn đọng và phát huy các thế mạnh sẵn có để có thể thực hiện hiệu quả hơn các bước hội nhập trong thời gian tới.

 

Lưu ý: Dưới đây là bản lược ghi bài phát biểu/chia sẻ của một số đại biểu tại Hội thảo này. Tiêu đề của các bài phát biểu do Ban thư ký Trung tâm WTO biên tập, không phải tài liệu chính thức từ các đại biểu.

Đánh giá các kết quả đàm phán cũng như thực thi cam kết WTO của Việt Nam trong năm năm đầu tiên tham gia WTO từ cái nhìn của những người trong cuộc là việc rất có ý nghĩa. Đây sẽ là cơ sở để các nhà đàm phán, các cơ quan Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam có thêm những bài học kinh nghiệm quý giá, từ đó có thể thực hiện hiệu quả hơn các bước hội nhập tiếp theo trong thời gian tới.
Với mục tiêu này, cùng với sự hỗ trợ của Dự án MUTRAP III, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức: 
Hội thảo
NĂM NĂM THÀNH VIÊN WTO
VIỆT NAM ĐÃ VÀ SẼ Ở ĐÂU TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP?
Thời gian: 8.00-11.45 ngày thứ Tư 29 tháng 2 năm 2012
Địa điểm: Phòng Hội thảo tầng 3 - Khách sạn Fortuna
6B Láng Hạ - Hà Nội
VCCI xin trân trọng kính mời đại diện của Quý Doanh nghiệp tham dự Hội thảo để chia sẻ/thu thập thông tin và trao đổi về các vấn đề có liên qua