Các chính sách trong lĩnh vực Môi trường và Đại dương tại Thỏa thuận Xanh EU

04/12/2023    195

Các chính sách xanh trong lĩnh vực này bao gồm các biện pháp, hành động của EU nhằm hiện thực hóa các mục tiêu liên quan trong Thỏa thuận Xanh, bao gồm:

- Bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái;

- Giảm ô nhiễm không khí, nước và đất;

- Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn;

- Cải thiện hiệu quả quản lý rác thải;

- Bảo đảm tính bền vững của kinh tế biển và hoạt động đánh bắt cá.

Cũng trong khuôn khổ này, để thực hiện mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050 của Thỏa thuận Xanh, EU cũng đặt ra một số chỉ tiêu trung gian đến năm 2030, trong đó đáng chú ý có:

- Cải thiện chất lượng không khí để giảm 55% số ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí;

- Cải thiện chất lượng nước bằng cách giảm rác thải, rác nhựa trên biển (giảm 50%) và hạt vi nhựa thải ra môi trường (giảm 30%);

- Cải thiện chất lượng đất bằng cách giảm 50% thất thoát chất dinh dưỡng và sử dụng thuốc trừ sâu hóa học.

Để triển khai hiện thực hóa các mục tiêu và chỉ tiêu này, EU đã và đang thực hiện một loạt chính sách cụ thể như được tóm tắt dưới đây.

1. Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn mới (The new Circular Economy Action Plan - CEAP)

Để thực hiện các mục tiêu liên quan trong Thỏa thuận Xanh, một bản Kế hoạch hành động về kinh tế tuần hoàn (CEAP) mới, thay thế cho CEAP đã có hiệu lực từ 2015 trước đó, đã được Ủy ban châu Âu thông qua ngày 11/3/2020.

Về mục tiêu, CEAP 2020 hiện thực hóa các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh thông qua việc bổ sung một loạt các biện pháp mới (so với CEAP trước) nhằm:

- Chuyển các tiêu chuẩn về sản phẩm bền vững từ khuyến khích sang yêu cầu bắt buộc ở EU;

- Trao quyền cho người tiêu dùng (công và tư) trong các lựa chọn sản phẩm bền vững;

- Giảm rác thải từ các sản phẩm tiêu dùng;

- Thúc đẩy sự tham gia của tất cả các chủ thể trong EU, ngoài EU trong thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Về nội dung, CEAP 2020 bao gồm các sáng kiến, biện pháp chính sách thực hiện kinh tế tuần hoàn trong suốt vòng đời sản phẩm. Các biện pháp này quy định về:

- Cách thức các sản phẩm được thiết kế, sản xuất, thương mại theo một chu trình tuần hoàn;

- Khuyến khích tiêu dùng bền vững;

- Ngăn chặn rác thải;

- Lưu giữ các nguồn lực tự nhiên tại EU càng lâu càng tốt.

2. Chiến lược hóa chất vì sự bền vững (Chemicals strategy for sustainability)

Chiến lược hóa chất vì sự bền vững do Ủy ban châu Âu công bố ngày 14/10/2020 là một hành động nhằm hướng tới mục tiêu không ô nhiễm, một trong các nội dung bản lề của Thỏa thuận Xanh EU.

Về mục tiêu, Chiến lược này hướng tới việc:

- Cấm việc sử dụng các hóa chất độc hại nhất trong các sản phẩm tiêu dùng, chỉ cho phép sử dụng trong sản xuất khi thật cần thiết;

- Tính đến các tác động tổng hợp của các loại hóa chất khi đánh giá rủi ro;

- Xác định lộ trình đi tới cấm hẳn chất PFAS ở EU, trừ trong trường hợp thật cần thiết;

- Thúc đẩy đầu tư, tăng năng lực sáng tạo trong sản xuất và sử dụng hóa chất an toàn, bền vững;

- Thiết lập quy trình “một chất một đánh giá” trong đánh giá rủi ro và nguy hại của hóa chất.

Về thực thi, trong khuôn khổ Chiến lược này, một số văn bản chứa quy định pháp luật liên quan tới hóa chất của EU đã/sẽ được sửa đổi, bổ sung mới, trong đó đáng chú ý là các tiêu chuẩn mới liên quan tới hóa chất.

3. Rác thải và tái chế (Waste and recycling)

Các chính sách về rác thải của EU được thiết kế nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, đóng góp vào kinh tế tuần hoàn thông qua việc (i) cải thiện năng lực quản lý rác thải; (ii) tạo động lực cho các sáng tạo trong tái chế; và (iii) hạn chế các bãi rác thải.

Các chính sách cơ bản trong nhóm này bao gồm:

* Chỉ thị khung của EU về Rác thải (The Waste Framework Directive): Khung khổ pháp lý cơ bản về xử lý và quản lý rác thải ở EU

* Các văn bản pháp lý về quản lý rác thải trong một số khía cạnh, lĩnh vực đặc thù, trong đó đáng chú ý có:

- Quy định của EU về pin và ắc quy (EU rules on batteries and accumulators);

- Một số quy định về tiêu chuẩn mới, nâng cấp liên quan tới một số chất sử dụng trong hàng hóa, yêu cầu đối với bao bì đóng gói.

4. Một số nhóm chính sách về Môi trường, Đại dương

Được Ủy ban châu Âu xếp vào nhóm các mục tiêu Thỏa thuận Xanh trong lĩnh vực môi trường và đại dương còn có một số chính sách khác, tuy nhiên chủ yếu tập trung vào các vấn đề nội bộ của EU, ít tác động tới nhập khẩu từ nước ngoài vào khu vực này. Cụ thể:

- Chiến lược đa dạng sinh học đến 2030 (Biodiversity strategy for 2030): Chiến lược được công bố ngày 20/5/2020 này là một kế hoạch tổng thể, tham vọng và dài hơi nhằm bảo vệ thiên nhiên và đảo ngược quá trình thoái hóa của hệ sinh thái ở EU với 03 nhóm hành động liên quan tới (i) Mở rộng danh mục các khu vực bảo tồn đa dạng sinh học của EU; (ii) Công bố kế hoạch bảo tồn thiên nhiên EU (với Luật Bảo tồn thiên nhiên EU); (iii) Bổ sung các biện pháp thúc đẩy thay đổi (các quỹ phục vụ đa dạng sinh học, cơ chế quản trị mới…);

- Chương trình hành động môi trường đến năm 2030 (Environment action programme to 2030): Có hiệu lực từ 2/5/2022, Chương trình này bao gồm các chính sách môi trường đến năm 2030 có giá trị pháp lý bắt buộc của EU;

- Kế hoạch hành động “Hướng tới mục tiêu không ô nhiễm không khí, đất và nước (the EU Action Plan: "Towards a Zero Pollution for Air, Water and Soil"): Được công bố ngày 12/5/2021, Kế hoạch này bao gồm (i) Chiến lược hóa chất bền vững; (ii) Các biện pháp nhằm theo dõi và kiểm soát ô nhiễm không khí, nước, đất ở EU; và (iii) Sửa đổi các biện pháp xử lý ô nhiễm tại các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn ở EU;

- Chương trình về Kinh tế biển bền vững (Sustainable blue economy): Được công bố vào 17/5/2021, Chương trình này thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu, kỹ năng và sáng tạo nhằm thúc đẩy kinh tế biển mà không ảnh hưởng môi trường;

- Quy định của EU về Pin (Batteries Regulation): Quy định này của EU được thông qua ngày 12/7/2023, sẽ thay thế hoàn toàn Chỉ thị của EU về Pin bền vững (Batteries Directive) hiện hành từ năm 2025, với nội dung chủ yếu là cập nhật các quy định theo mục tiêu mới trong Thỏa thuận Xanh, thúc đẩy giảm thiểu tác động của việc sử dụng pin tới môi trường trong bối cảnh thị trường, công nghệ, điều kiện kinh tế - xã hội mới;

- Chính sách về khai thác hải sản chung (Common fisheries policy - CFP): Được ban hành ngày 21/2/2023, Chính sách này bao gồm các quy tắc nhằm bảo đảm khai thác và bảo tồn nguồn lợi hải sản EU, trong đó có các khía cạnh về (i) Bảo vệ hệ sinh thái biển; (ii) Chuyển đổi năng lượng trong ngành hải sản EU; (iii) Mô hình mới trong quản lý thị trường hải sản ở EU.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập