Các chính sách điển hình trong Thỏa thuận Xanh EU

04/12/2023    98

Do phát triển xanh và bền vững là vấn đề tổng hợp và liên ngành, một hành động có thể ảnh hưởng nhiều lĩnh vực, một mục tiêu có thể chỉ đạt được thông qua nhiều chính sách, triển khai trong nhiều lĩnh vực, EU lựa chọn thiết kế các nội dung cốt lõi[1] của Văn kiện Thỏa thuận Xanh theo 09 định hướng mục tiêu chính sách cơ bản mà không phải là theo các lĩnh vực cụ thể:

- Mỗi định hướng mục tiêu của Thỏa thuận Xanh sẽ gồm nhiều chính sách cần thực hiện để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên cũng có những chính sách có thể cùng lúc thực hiện hai hoặc nhiều định hướng mục tiêu;

- Các chính sách có thể bao gồm các hành động, biện pháp ảnh hưởng đến một hoặc nhiều lĩnh vực khác nhau, nhằm thực hiện một hoặc nhiều định hướng mục tiêu trong Thỏa thuận Xanh.

Đồng thời, Văn kiện Thỏa thuận Xanh chỉ là văn kiện khung, với các gói chính sách được đề cập chung, mang tính định hướng mà không phải là các tiêu chuẩn, yêu cầu, biện pháp xanh cụ thể. Các vấn đề nội dung chi tiết, các hành động cụ thể (thể hiện qua các Luật, Quy định, Chiến lược, Kế hoạch hành động…) chỉ được xây dựng và áp dụng trong quá trình triển khai Thỏa thuận này trên thực tế theo lộ trình. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, có những nội dung đã được triển khai từ trước đó, nhưng nếu xét thấy chúng có thể đóng góp vào việc thực thi các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh thì EU cũng đưa vào khung khổ chung về thực thi Thỏa thuận Xanh, với các cập nhật (sửa đổi, tăng cường cơ chế thực thi…) nếu cần thiết.

Trong khi đó, từ góc độ thực thi và tuân thủ, các chủ thể kinh tế nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nói riêng lại thường chỉ tập trung vào các chính sách, biện pháp cụ thể liên quan tới Thỏa thuận Xanh trong từng lĩnh vực cụ thể mà mình quan tâm.

Để hài hòa giữa hướng tiếp cận chung của Thỏa thuận Xanh theo nhóm mục tiêu và nhu cầu thông tin cụ thể của doanh nghiệp về các nội dung của Thỏa thuận này có liên quan theo lĩnh vực, Nhóm nghiên cứu dựa vào sự phân nhóm các loại hành động liên quan tới Thỏa thuận Xanh mà Ủy ban châu Âu sử dụng[2] và với các điều chỉnh cần thiết để phân nhóm các nội dung của Thỏa thuận Xanh. Ở mỗi nhóm nội dung, các chi tiết được mô tả và diễn giải theo Văn kiện Thỏa thuận Xanh và thực tế các chính sách, biện pháp thực thi Thỏa thuận Xanh triển khai tới thời điểm này (10/2023).

Theo đó, các nhóm nội dung cơ bản của Thỏa thuận Xanh EU sẽ được trình bày theo:

- Các lĩnh vực: Khí hậu, Môi trường và Đại dương, Nông nghiệp, Công nghiệp, Năng lượng, Giao thông, Nghiên cứu và Phát triển, Tài chính, Xây dựng;

- Ở mỗi lĩnh vực, các nội dung sẽ bao gồm các chính sách, hành động cụ thể liên quan tới Thỏa thuận Xanh mà EU đã thực hiện tính từ thời điểm 01/2020 (thời điểm thông qua Thỏa thuận Xanh) đến hiện tại (10/2023).

Dưới đây là tóm tắt các chính sách, hành động cụ thể của EU trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh mà EU đã triển khai trong các lĩnh vực cụ thể[3].

Hình – Các chính sách xanh điển hình trong Thỏa thuận Xanh EU

Nguồn: Tổng hợp của Nhóm Nghiên cứu VCCI

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập


[1] Không tính các nội dung chung hoặc liên quan chủ yếu tới các vấn đề hành chính/chính trị của riêng EU như (i) Giới thiệu chung về sự cần thiết, cấp bách; (ii) Vị trí quốc tế và vai trò trong hợp tác quốc tế của EU; (iii) Hợp tác công – tư trong EU.

[2] Chú ý: Việc phân nhóm chỉ là tương đối bởi các có các chính sách, biện pháp cùng lúc thực hiện nhiều mục tiêu trong các lĩnh vực khác nhau, hoặc cùng được xem là giải pháp thực thi của nhiều Chiến lược, Kế hoạch hành động khác nhau miễn là đóng góp vào mục tiêu chung của Thỏa thuận Xanh.

[3] Trong trường hợp này, chính sách sẽ được tóm lược ở lĩnh vực có mối liên hệ chặt chẽ hơn