Thực thi Thỏa thuận Xanh EU giai đoạn 2020-2023

04/12/2023    119

Sau khi Văn kiện Thỏa thuận Xanh được công bố và thông qua, nhiều Chiến lược, Chương trình, Kế hoạch hành động, văn bản pháp luật… đã được ban hành nhằm hiện thực hóa các chính sách mục tiêu đề cập trong Thỏa thuận Xanh.

Theo thống kê của Ủy ban châu Âu (EC), từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2023, chỉ tính riêng các hành động cấp EU (chưa tính đến các hành động của các nước thành viên EU), đã có tới 58 bước đi khác nhau (đề xuất/ ban hành các Chiến lược, Kế hoạch hành động, Luật, Quy định, Chỉ thị, …) để cụ thể hóa các chính sách xanh trong nhiều lĩnh vực của Thỏa thuận Xanh. Nhiều trường hợp (đặc biệt là các Chiến lược/Kế hoạch hành động…) sau khi được công bố/thông qua lại tiếp tục được chi tiết hóa bằng các giải pháp, công cụ pháp lý, biện pháp hành chính… cụ thể.

Hiện không có thống kê đầy đủ nào về tổng số các hành động cả ở phạm vi EU và nước thành viên EU được thực hiện trong khuôn khổ Thỏa thuận Xanh, nhưng có thể khẳng định số lượng và phạm vi các hành động này là rất lớn.

Có thể thấy EU đang tiến rất nhanh trong thực thi các mục tiêu khí hậu của mình. Thậm chí chỉ trong chưa đầy 4 năm kể từ khi thông qua Thỏa thuận Xanh từ cuối năm 2019 đến nay, EU đã kịp điều chỉnh một số mục tiêu (mà điển hình là mục tiêu giảm 55% mức phát thải nhà kính vào năm 2030 đã được thay thế bằng mục tiêu giảm 57%), và cập nhật các quy định (ví dụ điều chỉnh các hành động trong Chiến lược công nghiệp châu Âu với Kế hoạch công nghiệp theo Thỏa thuận Xanh) nhằm tăng tốc các nỗ lực và kết quả xanh ở châu lục này.

Một số cột mốc đáng chú ý trong thực thi Thỏa thuận Xanh EU[1] giai đoạn 2020-2023

- Ngày 4/3/2020: Đề xuất Dự Luật Khí hậu châu Âu - European Climate Law (Luật này sau đó đã được ban hành ngày 9/7/2021, có hiệu lực ngày 29/7/2021)

- Ngày 10/3/2020: Công bố Chiến lược công nghiệp châu Âu – EU Industrial Strategy (tiếp tục được điều chỉnh với “Kế hoạch công nghiệp theo Thỏa thuận Xanh” – The Green deal Industrial Plan công bố ngày 01/02/2023)

- Ngày 11/3/2020: Đề xuất Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn - Circular Economy Action Plan - các Chiến lược Dệt may tuần hoàn và bền vững, Quy định về bao bì và rác thải bao bì… ban hành sau đó là một phần công việc đề cập trong Kế hoạch hành động này

- Ngày 20/5/2020: Công bố Chiến lược Từ trang trại tới bàn ăn - Farm to Fork Strategy và Chiến lược Đa dạng sinh học EU đến 2030 - EU Biodiversity Strategy for 2030

- Ngày 12/5/2021: Công bố Kế hoạch hành động Không ô nhiễm - Zero pollution Action Plan

- Ngày 14/7/2021: Thông qua Gói hành động Vì mục tiêu 55 (Fit for 55) gồm một loạt các đề xuất sửa đổi, cập nhật các quy định hiện hành của EU nhằm thực hiện mục tiêu giảm 55% mức phát thải vào năm 2030 (so với mức của những năm 1990) qua các nghĩa vụ pháp lý bắt buộc – Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) thông qua 5/2023 là một phần trong gói Fit for 55 này

- Ngày 17/11/2021: Công bố Các đề xuất liên quan tới chống phá rừng, cải cách hệ thống quản lý rác thải bền vững và làm sạch đất - Proposals to stop deforestation, innovate sustainable waste management and make soils healthy – Luật chống phá rừng ban hành ngày 6/12/2022 là một phần của các đề xuất này

- Ngày 23/4/2023: Công bố Đề xuất sửa đổi các quy định về tiêu chuẩn tiếp thị nông sản, thực phẩm hiện hành – Proposal to revise the existing marketing standards of agri-food products

Nguồn: Chuyên mục trực tuyến Thỏa thuận Xanh EU của Ủy ban châu Âu (EC) tại địa chỉ https://commission.europa.eu/strategy-and-policy/priorities-2019-2024/european-green-deal_en

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập


[1] Chỉ lựa chọn một số hành động tiêu biểu có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới hàng hóa nhập khẩu từ bên ngoài vào EU, không bao gồm các hành động chỉ tác động tới các chủ thể trong nội bộ EU.