Các chính sách trong lĩnh vực Công nghiệp, Năng lượng, Giao thông, Tài chính Nghiên cứu và Sáng tạo tại Thỏa thuận Xanh EU

04/12/2023    38

Ngoài khí hậu, môi trường – đại dương và nông nghiệp, Thỏa thuận Xanh EU còn đề cập tới các mục tiêu chính sách xanh trong nhiều lĩnh vực khác (Công nghiệp, Năng lượng, Giao thông, Nghiên cứu và Phát triển, Tài chính, Xây dựng…). Hầu hết các nội dung được Ủy ban châu Âu phân nhóm vào các lĩnh vực này đều là các chính sách chỉ liên quan tới các chủ thể EU trên lãnh thổ EU và/hoặc là vấn đề nội bộ của EU và các nước thành viên Khối này.

Sau đây là tóm tắt ngắn gọn các nội dung cơ bản của Thỏa thuận Xanh trong một số lĩnh vực tiêu biểu thuộc nhóm này.

1. Năng lượng

Sản xuất và tiêu thụ năng lượng chiếm tới hơn 75% lượng phát thải khí nhà kính ở EU. Do đó, trung hòa carbon trong hệ thống năng lượng EU là công việc quan trọng với EU để thực hiện các mục tiêu khí hậu trong Thỏa thuận Xanh.

Chính sách xanh trong lĩnh vực năng lượng của EU đang được EU triển khai tích cực, với một loạt các chính sách lớn, trong đó đáng chú ý có:

- Chiến lược hòa nhập về năng lượng của EU (EU strategy on energy system integration): công bố ngày 8/7/2020, với các hành động nhằm(i) thúc đẩy kết nối các nguồn năng lượng (điện, gas, xăng dầu...) với nhau và với các nguồn sử dụng (các tòa nhà, phương tiện giao thông, sản xuất công nghiệp…); (ii) tạo điều kiện phát triển công nghệ, số hóa, mô hình thị trường liên quan tới việc kết nối;

- Các sáng kiến Điện lưới thông minh, sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông để tối ưu việc truyền dẫn, phân phối điện năng giữa nhà sản xuất và hộ tiêu thụ, hợp nhất cơ sở hạ tầng điện với cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc;

- Kế hoạch hành động số hóa năng lượng EU (EU action plan for digitalisation of energy): Được công bố 10/2022, kế hoạch này gồm các biện pháp nhằm (i) tận dụng công nghệ thông tin để tăng minh bạch và hiệu quả kiểm soát tiêu thụ năng lượng của người dân và các cơ quan, tổ chức; (ii) thông qua các văn bản pháp luật để bảo vệ tốt hơn an ninh hệ thống mạng công nghệ thông tin về năng lượng. Hiện đã có 25 hành động cụ thể của EU triển khai các mục tiêu trong Kế hoạch này;

- Chiến lược khí hydro EU (EU Hydrogen strategy): Chiến lược này được công bố 8/7/2020, bao gồm các chính sách trong 05 khía cạnh (đầu tư, sản xuất và cầu, thị trường và cơ sở hạ tầng, nghiên cứu và hợp tác quốc tế). Tính tới Quý I năm 2022, đã có 20 hành động cụ thể đang triển khai Chiến lược này. Đồng thời gói Fit for 55 cũng bao gồm nhiều đề xuất pháp luật đáng chú ý để cụ thể hóa Chiến lược này;

- Chiến lược về năng lượng tái tạo ngoài khơi EU (EU strategy on offshore renewable energy): Chiến lược được công bố ngày 19/11/2020 này đặt ra các mục tiêu về sản lượng năng lượng gió, đại dương của EU vào năm 2030, 2050 và các chính sách định hướng để đạt được các mục tiêu này;

- Chiến lược EU về khí metan (EU’s methane strategy): Được công bố 10/2020, Chiến lược này gồm các giải pháp nhằm giảm việc phát thải khí metan trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp và phát thải.

2. Công nghiệp

Sản xuất công nghiệp là lĩnh vực được xác định là nguồn phát thải lớn, do đó việc thực thi các mục tiêu của Thỏa thuận Xanh cần huy động sự tham gia chuyển đổi tích cực và triệt để của tất cả các lĩnh vực công nghiệp của EU.

Cho tới nay, EU đã có nhiều chính sách, hành động mạnh trong lĩnh vực này, trong đó có:

- Chiến lược công nghiệp EU (European industrial strategy): Chiến lược này được công bố 10/3/2020, cập nhật ngày 11/5/2021, với 03 thành tố chính là (i) bảo đảm khả năng chống chịu của EU; (ii) Tăng cường năng lực tự chủ chiến lược; (iii) Thúc đẩy quá trình chuyển đổi song song; ngày 1/2/2023 tiếp tục được bổ sung với Kế hoạch công nghiệp theo Thỏa thuận Xanh (The Green deal Industrial Plan);

- Thành lập một loạt các Liên minh (mô hình phối kết hợp công-tư) nhằm thúc đẩy các mục tiêu chuyển đổi xanh trong các lĩnh vực công nghiệp cụ thể, ví dụ Liên minh Pin EU (European Battery Alliance), Liên minh Nguyên liệu thô EU (European Raw Materials Alliance), Liên minh Khí hydro sạch EU (European Clean Hydrogen Alliance), Liên minh Nhựa tuần hoàn (Circular Plastics Alliance)…

3. Giao thông

Trong lĩnh vực giao thông, các chính sách xanh hướng tới mục tiêu thiết lập hệ thống giao thông hiệu quả, an toàn và thân thiện với môi trường ở EU.

02 Chương trình đáng chú ý của EU trong lĩnh vực này gồm:

- Chiến lược giao thông thông minh và bền vững (Sustainable and Smart Mobility Strategy):

Chiến lược này đưa ra một kế hoạch hành động gồm 82 sáng kiến nhằm thực hiện mục tiêu giảm 90% lượng phát thải khí nhà kính từ giao thông vận tải vào năm 2050.

Các sáng kiến này tập trung vào việc (i) giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch (thông qua việc sử dụng các phương tiện phát thải thấp/không phát thải, sử dụng nhiên liệu tái tạo); (ii) thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện giao thông bền vững (thông qua việc ưu tiên sử dụng đường sắt, các phương tiện công cộng để di chuyển), vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, đường thủy nội địa và đường biển tuyến ngắn; (iii) tăng trách nhiệm của người gây ô nhiễm, người sử dụng nguồn gây ô nhiễm (cơ chế định giá carbon, phí cơ sở hạ tầng…).

- Dự án Tàu cao tốc kết nối EU (Connecting Europe Express)

4. Tài chính

Để đạt được các mục tiêu đặt ra trong Thỏa thuận Xanh, EU đã và đang có các hành động cụ thể để huy động nguồn tài chính nhằm triển khai các chương trình, chính sách xanh trong các lĩnh vực, khía cạnh liên quan.

Với mục tiêu đầy tham vọng là huy động ít nhất 1000 tỷ euro vào các khoản đầu tư bền vững trong thập kỷ tới, EU đã và đang triển khai nhiều chương trình tài chính xanh (phần lớn trong số đó chỉ dành cho tổ chức, cá nhân EU nhưng cũng có một số khía cạnh mở ra cho các hoạt động xanh ngoài EU), ví dụ:

- Chương trình Trái phiếu xanh Thế hệ mới (NextGenerationEU green bonds);

- Chương trình Hỗ trợ tái hồi phục và chống chịu (Recovery and Resilience Facility);

- Chương trình Điều chỉnh công bằng (Just Transition Mechanism);

- Chương trình Hỗ trợ cải cách chuyển đổi xanh (Green transition reform support).

5. Nghiên cứu và Sáng tạo

Để triển khai Thỏa thuận Xanh, nghiên cứu và sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong tìm kiếm, thúc đẩy các phương thức chuyển đổi, phát triển các giải pháp giảm rủi ro trong lĩnh vực này, EU có một số chương trình đáng chú ý sau:

- Chương trình Đường chân trời EU (Horizon Europe): Chương trình nghiên cứu – sáng tạo EU giai đoạn 2021-2027 này bao gồm một loạt các sáng kiến hợp tác trong thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo ở EU;

- Các nguyên tắc về nghiên cứu – sáng tạo xanh (Green research and innovation rules): Bao gồm các nguyên tắc phải tuân thủ trong quy trình rà soát, thẩm định xây dựng các văn bản pháp luật, chính sách mới của EU để bảo đảm rằng các quy định mới này tạo thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo nhằm mục tiêu chuyển đổi xanh trong lĩnh vực liên quan.

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập