Ưu tiên hàng đầu của Vòng Đôha là đạt được cam kết dành cho các nước nghèo

19/08/2011    577

Các thành viên WTO đồng ý tập trung vào gói cam kết dành cho các nước nghèo để trình lên Hội nghị Bộ trưởng diễn ra vào tháng 12 tới trước khi cố gắng giải quyết những bất đồng giữa các thành viên trong các lĩnh vực khác của đàm phán thương mại toàn cầu. Vòng đàm phán Đôha được khởi động từ năm 2001 tại thủ đô của Quata, ban đầu gồm 3 lĩnh vực – nông nghiệp, hàng công nghiệp, và dịch vụ. Trong khi các cuộc thảo luận ban đầu chủ yếu tập trung vào trợ cấp nông nghiệp của các nước giàu, thì mấy năm gần đây Hoa Kỳ và EU đã yêu cầu Ấn độ, Trung Quốc và Braxin phải cắt giảm thuế hàng công nghiệp. Đại sứ các nước tại WTO đã thừa nhận việc đạt được một thỏa thuận về nông nghiệp, tiếp cận  thị trường đối với hàng phi nông nghiệp, dịch vụ, phòng vệ thương mại và sở hữu trí tuệ là không thể đạt được trong năm nay. Việc đạt được một thỏa thuận dành cho các nước chậm phát triển hiện nay là ưu tiên cấp bách và khả thi nhất nhằm đạt được kết quả bước đầu của Vòng Đôha tại cuộc họp tháng 12 tới. Tổng Giám đốc Pascal Lamy cho rằng 153 thành viên của WTO vẫn tiếp tục ủng hộ Vòng Đôha và đồng ý rằng mọi vấn đề cần được đàm phán và thông qua thành một gói cam kết tổng thể.

WTO cho rằng “việc đạt được một phần thỏa thuận tại cuộc họp tháng 12 không có nghĩa là các vấn đề khác sẽ bị bỏ rơi”. Ông Michael Punke, Đại sứ Hoa Kỳ tại WTO, đặt câu hỏi rằng liệu cái gọi là thu hoạch sớm có phải là bước đầu hướng tới một thỏa thuận toàn cầu mà theo đó mọi thành viên WTO phải có nhượng bộ không. Trong bài phát biểu của mình, ông Punke nói: “cho dù cố gắng thúc đẩy thế nào đi  chăng nữa, thì liệu một “thỏa thuận thu hoạch sớm” có giúp cho chúng ta sớm đạt được những cam kết có chất lượng về qui tắc và tiếp cận thị trường phản ánh thế giới chúng ta đang sống được không?”. Ông Punke tuyên bố với các thành viên WTO khác rằng: “nếu một thỏa thuận thu hoạch sớm trong năm 2011   chỉ đơn giản là phương tiện trì hoãn vô thời hạn các lợi ích, bao gồm cả lợi ích về phát triển, từ việc mở cửa thị trường một cách thực chất của các nước lớn, thì chúng ta đang làm tổn hại cơ bản đến thể chế thương mại này”.

Jennifer M. Freedman – Bloomberg, 31/5/2011