Thu hẹp đàm phán Đôha để khắc phục khó khăn

19/08/2011    944

Vừa qua tại Giơ-nevơ, 153 thành viên của WTO đã nhất trí không đặt quá nhiều kỳ vọng vào Vòng đàm phán Đôha, gạt bỏ các vấn đề gây tranh cãi để có thể đạt được một thỏa thuận trong năm nay. Cái mà Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy gọi là “thu hoạch sớm” có nguy cơ thất bại nếu các thành viên không thể đạt được bất cứ một thỏa thuận nhỏ nào. Điều này cũng cho thấy đã qua rồi cái thời của đàm phán thương mại đa biên theo diện rộng. Theo các nhà phân tích và các quan chức kinh tế, kết quả cuối cùng sau một thập kỷ đàm phán có lẽ chỉ là một gói các biện pháp đưa ra để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển bao gồm các tiêu chuẩn chung về hải quan, xóa bỏ thuế quan và hạn ngạch xuất khẩu của các nước nghèo.

Một số vấn đề khó khăn trong quá trình đàm phán là cắt giảm thuế đối với các mặt hàng công nghiệp, hạn chế trợ cấp nông sản, mở cửa thương mại dịch vụ và gắn kết các quy định về sở hữu trí tuệ. Một giáo sư ở trường đại học St. Gallen của Thụy Sỹ, ông Simon Evenett cho rằng cái gọi là Phương án B dường như lại là một “tham vọng viển vông”. “Nó có thế phải tốn thêm 10 năm nữa để có thể biết được có đạt được thỏa thuận nhỏ này hay không”. Vòng đàm phán Đôha mang tên một thành phố ở Quata nơi khởi động đàm phán vào tháng 11 năm 2001.

Ý tưởng ban đầu của vòng đàm phán này là một chiến dịch nhằm cấu trúc lại các quy tắc thương mại toàn cầu hỗ trợ các nước nghèo và tình trạng khan hiếm nhiên liệu sau sự kiện 11/9. Nhưng ý tưởng cao cả này vấp ngay phải một thực tế mang màu sắc chính trị là các nước phương Tây không chịu nhượng bộ đối với vấn đề thuế và trợ cấp nông sản trừ phi có gì để đánh đổi như tiếp cận thị trường Trung Quốc, Ấn Độ và Bra-xin. Các nền kinh tế mới nổi này cũng không chịu nhượng bộ, nên dẫn đến bế tắc trong đàm phán. Theo các nhà nghiên cứu và các quan chức kinh tế thì thỏa thuận đạt được vừa qua của WTO đã chấp nhận một thực tế rằng sẽ không có quá nhiều thay đổi.

Bộ trưởng thương mại của 153 nước thành viên dự định sẽ họp lại vào tháng 12 tại trụ sở của WTO ở Giơ-ne-vơ và nhất trí rằng sẽ phải đạt được thỏa thuận nào đó dù là nhỏ nhất. Ông Angelos Pangratis, đại sứ của Liên minh châu Âu tại WTO, cho rằng “do thực tiễn bất lợi về mặt chính trị, chúng tôi đã sẵn sàng gạt sang một bên một số các cấu phần trong đàm phán mở cửa thị trường [đối với hàng công nghiệp], đàm phán nông nghiệp và dịch vụ”.

Trong bài phát biểu của mình với các đại sứ, ông Lamy đã đưa ra một cách tiếp cận mới, thận trọng hơn. Ông cho rằng “mặc dù vậy, Hội nghị Bộ trưởng vào  tháng 12 cũng không thể có một cây thông Noel” với quá nhiều đồ vật trang trí trên đó giống như một chương trình nghị sự với hàng loạt các nội dung trong đó. Một số quan chức của WTO cho rằng quan điểm này một lần nữa nhấn mạnh quan điểm cho rằng đã qua rồi cái thời của đàm phán thương mại đa biên trên diện rộng. Trong tương lai, các thỏa thuận thương mại hoặc là sẽ không bao gồm tất cả các thành viên WTO, cái thường được gọi là thỏa thuận nhiều bên, hoặc sẽ giới hạn về diện đàm phán.

Hiệp định Mua sắm chính phủ năm 1994 bảo đảm công bằng trong các hợp đồng của chính phủ, do 39 nước ký kết được xem là một mô hình mẫu. Tuy nhiên, Ông Lamy và các quan chức khác của WTO vẫn được xem là đạt được thành công, dù là nhỏ, trong việc duy trì vai trò trọng tài trong các tranh chấp thương mại.

John W. Miller – Wall Street Journal Europe, 1/6/2011