Ấn Độ phản đối thông qua Hiệp định tạo thuận lợi hóa thương mại của WTO

04/09/2014    966

Tại Hội nghị Bộ trưởng Bali tháng 12/2013, các nước thành viên WTO đã tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định tạo thuận lợi hóa thương mại (gọi tắt là Hiệp định TF) và bắt đầu tiến hành các thủ tục thông qua ở từng nước. Tuy nhiên, đến thời hạn ngày 31/07/2014 vừa qua, Hiệp định này đã không thể được thông qua bởi sự phản đối của Ấn Độ. Theo nhận định của Tổng Giám đốc WTO ông Roberto Azevedo thì đây sẽ là một hệ quả nghiêm trọng đối với tương lai của WTO.

Vậy tại sao Ấn Độ lại phản đối việc thông qua Hiệp định TF mà được dự đoán là sẽ tạo thêm 1 nghìn tỷ USD và 21 triệu việc làm cho nền kinh tế thế giới?

Nguyên nhân chính của quyết định này liên quan đến một điều khoản trong Gói thỏa thuận Bali về nông nghiệp được thông qua cùng lúc với Hiệp định TF mà theo Ấn Độ là có thể ảnh hưởng tới vấn đề trợ cấp nông nghiệp của nước này.

Cụ thể, điều khoản đó quy định các nước thành viên không được trợ cấp cho nông nghiệp vượt quá 10% tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp của mình. Nếu vi phạm có thể sẽ bị các nước thành viên WTO khác kiện và áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại.

Trong khi đó, theo Đạo luật An ninh Lương thực của Ấn Độ, chính phủ nước này sẽ cung cấp lương thực cho các tầng lớp dân cư yếu thế nhất với giá cực kỳ thấp. Thông qua một hệ thống phân phối công, chính phủ sẽ trợ cấp cho người tiêu dùng, đồng thời cũng trợ cấp cho các nhà sản xuất gạo thông qua hỗ trợ các đầu vào như điện và phân bón.Vì vậy, việc quy định mức trần trợ cấp 10% sẽ khiến Ấn Độ khó có thể làm được điều này.Thêm nữa, mức quy định 10% được tính toán theo mức giá của những năm 1986-1988 khi mà giá lương thực ở mức rất thấp. Do đó, mức này càng khó được chấp nhận bởi Ấn Độ.

Ngoài việc bị hạn chế về mức trợ cấp ra, việc chấp thuận Hiệp định này sẽ buộc Ấn Độ phải cho quốc tế giám sát các loại sản phẩm thuộc diện dự trữ lương thực của nước này. Và như vậy Ấn Độ có thể gặp khó khăn khi bổ sung thêm các loại hạt khác vào diện này (ví dụ các loại hạt giàu protein như đậu lăng).

Ấn Độ cũng cho rằng những quy định như vậy là bất công đối với các nước đang phát triển khi phải đảm bảo cuộc sống cho một bộ phận lớn dân cư nghèo, trong khi các nước phát triển như Mỹ hàng năm vẫn trợ cấp hàng 20 tỷ USD cho nông nghiệp.

Vì vậy, tại cuộc họp Đại Hội đồng WTO ngày 25/7/2014, Ấn Độ đã yêu cầu trì hoãn việc thông qua Hiệp định TF cho đến khi một giải pháp cuối cùngvề an ninh lương thực được đưa ra vào cuối năm nay, tức là khoảng 3 năm trước thời hạn thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng tại Bali năm  2017.

Yêu cầu này của Ấn Độ đã gặp phải sự phản đối của các thành viên chủ chốt WTO như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nga và Brazil. Chỉ có một vài nước tỏ ra thông cảm với Ấn Độ là Cuba, Venezuala, Bolivia, Nam Phi và Zimbabwe.

Theo một số nguồn tin, một vài nước thậm chí còn tính đến giải pháp loại trừ Ấn Độ ra khỏi Hiệp định này. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn báo Reuter, Bộ Trưởng Thương mại New Zealand, ông Tim Groser đã nói rằng “Ấn Độ là nước đướng thứ 2 thế giới về dân số, một thành phần không thể thiếu của kinh tế thế giới và đang ngày càng trở nên quan trọng. Ý tưởng loại bỏ Ấn Độ ra khỏi Hiệp định thật là điên rồ”

Còn theo ông Anwarul Hoda, nguyên Phó tổng giám đốc WTO, thì mặc dù hành động của Ấn Độ trong việc từ chối thông qua Hiệp định TF vào thời hạn ngày 31/7 là không có gì sai về mặt pháp lý nhưng việc này có ảnh hưởng tiêu cực về chính trị: “Nếu chúng ta không nhanh chóng kết thúc gói Bali, Hoa Kỳ sẽ từ bỏ các đàm phán đa phương ở WTO và tập trung sang các đàm phán khu vực như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Và điều này chắc hẳn không phải mong muốn của Ấn Độ”.

Không rõ là rồi việc thông qua Hiệp định TF sẽ đi đến đâu nhưng việc lỡ thời hạn 31/7 vừa qua rõ ràng đã làm nhụt chí các nhà đàm phán thương mại trên thế giới trong việc tìm kiếm một tiếng nói chung tại bàn đàm phán đa phương của WTO. Điều này càng báo hiệu trong thời gian tới các hiệp định song phương sẽ lại tiếp tục được tính đến như một giải pháp tối ưu hơn cho các nước đạt được các thỏa thuận mà mình mong muốn.

 Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI