Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) trong Thỏa thuận Xanh EU

04/12/2023    373

Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) là một trong các hành động thực thi Thỏa thuận Xanh (lĩnh vực Khí hậu), được đề cập trong Gói “Fit for 55” ngày 14/7/2021, theo đó hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào EU sẽ phải trả thêm một khoản phí (gọi là thuế carbon) căn cứ vào mức độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước xuất khẩu.

Ngày 10/5/2023, EU đã tiến hành bước đi đầu tiên thực hiện sáng kiến CBAM với việc ban hành Quy định 2023/956 về Thiết lập Cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM) – CBAM giai đoạn đầu. Theo quy định này, giai đoạn đầu của CBAM được thiết kế như sau:

* Về phạm vi áp dụng

Trong giai đoạn đầu, CBAM áp dụng cho 06 nhóm hàng hóa có nguy cơ ô nhiễm cao nhất, bao gồm: Sắt thép, Xi măng, Phân phón, Nhôm, Điện và Hydro (tổng khí thải của các lĩnh vực này chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU).

* Về lộ trình áp dụng

CBAM giai đoạn đầu được thiết kế theo lộ trình 03 bước như sau:

* Giai đoạn chuyển tiếp (từ 1/10/2023 đến 31/12/2025):

Nhà nhập khẩu các hàng hóa thuộc 06 nhóm này của EU phải khai báo mức độ phát thải của hàng hóa nhập khẩu. Cụ thể hơn nữa, từ 1/10/2023-31/12/2024, việc khai báo có thể thực hiện theo một trong 03 phương pháp lựa chọn, từ 1/1/2025 trở đi việc khai báo bắt buộc phải thực hiện theo phương pháp của EU.

Tuy nhiên, trong toàn bộ giai đoạn chuyển tiếp này, nhà nhập khẩu chưa phải nộp bất kỳ khoản phí nào.

* Giai đoạn chính thức (từ 1/1/2026 đến 31/12/2033):

Cùng với nghĩa vụ khai báo, nhà nhập khẩu EU sẽ phải xuất trình chứng chỉ CBAM tương ứng với lượng phát thải ròng của hàng hóa nhập khẩu vượt quá hạn ngạch cho phép (tức là phải mua chứng chỉ CBAM cho mỗi tấn CO2 tương đương có trong sản phẩm nhập khẩu vào EU nếu vượt quá mức hạn ngạch theo các quy định cụ thể của EU).

Cũng trong giai đoạn này, EU sẽ có điều chỉnh về tỷ lệ phân bổ hạn ngạch miễn phí theo hướng giảm dần, phù hợp với Hệ thống giao dịch hạn ngạch phát thải trong nội bộ EU (ETS).

* Giai đoạn áp dụng đầy đủ (từ 1/1/2034 trở đi):

Từ 2034, sẽ không còn hạn ngạch phát thải miễn phí, doanh nghiệp sẽ phải mua và xuất trình chứng chỉ CBAM cho lượng phát thải ròng carbon trong sản phẩm.

Sau khi ban hành Quy định 2023/956 về CBAM giai đoạn đầu, EU đã có thêm một số bước để hướng dẫn cụ thể hơn về CBAM, gồm:

- Ban hành quy định thực thi CBAM trong giai đoạn chuyển tiếp (ngày 17/8/2023), gồm các hướng dẫn chi tiết về (i) cách thức báo cáo và cung cấp thông tin của các nhà nhập khẩu; (ii) phương pháp tính toán lượng khí thải tích hợp thải ra trong quá trình sản xuất hàng hóa.

- Tiến hành soạn thảo quy định hướng dẫn thực hiện CBAM trong giai đoạn chính thức (cách thức tính toán cụ thể để áp dụng cơ chế mua bán và giá chứng chỉ CBAM).

Dự kiến sau khi chính thức triển khai CBAM giai đoạn đầu, EU sẽ tiến hành đánh giá kết quả thực thi để cân nhắc khả năng mở rộng phạm vi áp dụng CBAM giai đoạn tiếp theo (từ năm 2030) sang một số sản phẩm có nguy cơ gây ô nhiễm cao khác (nhóm 30 sản phẩm được liệt kê, trong đó có dệt may), hoặc cho tất cả sản phẩm.

EU là khu vực thương mại đầu tiên trên thế giới đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu. EU cũng là khu vực nhập khẩu lớn 06 loại sản phẩm liên quan. Do đó, dự kiến CBAM sẽ có tác động lớn tới việc sản xuất, xuất khẩu 06 loại sản phẩm này ở nhiều nước xuất khẩu. Quan trọng hơn nữa, nếu EU sau 2030 quyết định mở rộng CBAM sang các sản phẩm nhập khẩu khác, nhất là nếu mở rộng ra tất cả hàng hóa nhập khẩu, vấn đề phát thải carbon sẽ trở thành vấn đề quan trọng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa sang EU của cả thế giới. Trên thực tế, đây cũng là mục tiêu cốt lõi của CBAM: ngăn chặn tình trạng “rò rỉ” nguy cơ phát thải khí nhà kính từ EU sang các nước khác (tình trạng nhà sản xuất EU chuyển sản xuất ra nước ngoài để lẩn tránh các nghĩa vụ xanh đang áp dụng với sản xuất ở EU) và thúc đẩy thực hiện sản xuất xanh trên toàn cầu.

Dự kiến ảnh hưởng của CBAM tới xuất khẩu Việt Nam

Với yêu cầu về khai báo mức độ phát thải của quá trình sản xuất sản phẩm và trả phí tương ứng cho lượng phát thải khí carbon ròng, khi được áp dụng đầy đủ và với phạm vi rộng, CBAM sẽ là thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường EU.

Ở giai đoạn đầu áp dụng CBAM, trong số 06 nhóm hàng thuộc phạm vi điều chỉnh, Việt Nam hiện chỉ xuất khẩu 04 mặt hàng (nhôm, sắt thép, xi măng và phân bón) vào thị trường EU, trong đó phần lớn kim ngạch là sắt thép và nhôm. Theo số liệu của ITC Trademap (năm 2022), kim ngạch 06 nhóm này chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng xuất khẩu của Việt Nam sang EU, tuy nhiên với riêng sắt thép và nhôm, kim ngạch xuất khẩu vào EU chiếm tới 23-26% tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm này của Việt Nam ra thế giới (năm 2021).

Do đó, mặc dù CBAM giai đoạn đầu chưa ảnh hưởng đáng kể tới xuất khẩu Việt Nam nói chung nhưng lại có tác động mạnh tới xuất khẩu của các ngành liên quan (đặc biệt là thép).

Với CBAM, doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu các sản phẩm liên quan cần (i) kiểm soát chặt chẽ lượng phát thải trong toàn bộ quy trình sản xuất; (ii) xây dựng báo cáo lượng phát thải đúng quy định; và (iii) có phương án giảm thiểu lượng carbon trong từng công đoạn của quy trình sản xuất để không vượt quá ngưỡng tiêu chuẩn của EU.

Mặc dù CBAM hiện chỉ áp dụng đối với 06 nhóm hàng hóa, nhưng trong tương lai, CBAM có thể sẽ áp dụng cho nhiều sản phẩm khác mà Việt Nam đang xuất khẩu nhiều sang khu vực này. Thêm nữa, một số thị trường (như Anh, Canada…) cũng có thể thực hiện CBAM trong thời gian tới. Do đó, để chuẩn bị tốt hơn cho tương lai này, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát sao và có kế hoạch chuyển đổi, cải tiến quy trình sản xuất, giảm phát thải carbon để giảm thiểu tối đa các tác động từ cơ chế này.

Nguồn: Tổng hợp của Nhóm Nghiên cứu VCCI

 

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Thỏa thuận Xanh EU và Xuất khẩu của Việt Nam – Trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may” – Trung tâm WTO và Hội nhập