Báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Môi trường lên Ủy ban Đàm phán Thương mại

19/08/2011    277

Tháng 4/2011 Chủ tịch Ủy ban Thương mại và Môi trường (CTESS) đã gửi báo cáo về nội dung Phiên họp Đặc biệt của Ủy ban này lên Ủy ban Đàm phán Thương mại (TNC), cập nhật tiến độ công tác của CTESS kể từ báo cáo tháng 3/2010. Báo cáo này cũng nêu ra các lĩnh vực cần các thành viên quan tâm hơn để có thể đưa tiến trình đàm phán đến kết thúc thành công trên cả ba tiêu chí được nêu tại Đoạn 31 Tuyên bố Đôha. Báo cáo đồng thời phản ánh công việc được thực hiện theo tuyên bố của Chủ tịch TNC vào tháng 11/2010, trong đó khối lượng công việc lớn được thực hiện kể từ đầu năm 2011.

Trong báo cáo này, Chủ tịch CTESS - Đại sứ Manuel A. J. Teehankee đã giới thiệu một dự thảo Quyết định của các Bộ trưởng về các Đoạn 31(i) và 31(ii), trong đó phản ảnh quan điểm thống nhất của  các thành viên về một kết quả hợp nhất theo các đoạn này. Ngôn ngữ của dự thảo này chủ yếu được rút ra từ các tài liệu đề xuất và ý kiến của các thành viên trong các cuộc tham vấn tích cực gần đây. Tuy vậy, ông Chủ tịch cũng nhấn mạnh rằng đây chưa phải là một tài liệu được đồng thuận, chưa hoàn thành và cũng chưa phải ở là dự thảo cuối cùng. Dự thảo vẫn mang tính ước định và cần có sự tham gia và thảo luận thêm của các thành viên theo các nguyên tắc đàm phán.

Bản dự thảo này là một tham khảo cho kết quả đàm phán theo Đoạn 31(iii), theo đó xác định mức cắt giảm hoặc bãi bỏ các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường.

Đối với việc xác định hàng hóa môi trường, nhiều thành quả đã đạt được kể từ khi công bố tập hợp toàn bộ các hàng hóa môi trường mà các thành viên quan tâm. Phụ lục II.A của báo cáo này nêu danh mục tập hợp tham khảo các hàng hóa môi trường được các thành viên quan tâm, dựa trên các dòng thuế HS 6 số do các thành viên đề xuất. Một số khó khăn về kỹ thuật vẫn còn tồn tại đối với việc xác định hàng hóa môi trường.

Vì vậy, ông Chủ tịch đã đề nghị các đoàn cùng chuyên gia tiếp tục làm việc về vấn đề này, bao gồm cả việc thẩm định lại các mô tả HS và xác định các phân loại theo phân ngành.

Căn cứ các đề xuất và quan điểm của các thành viên về cấu trúc của kết quả đàm phán, Chủ tịch Ủy ban đã xác định ra bốn lĩnh vực cần sự tập trung nỗ lực của các thành viên để có thể có được dự thảo kết quả và phương thức, bao gồm: (a) Phần Mở đầu; (b) Phạm vi; (c) Đối xử về thuế và các rào cản phi thuế, bao gồm cả Đối xử đặc biệt và khác biệt; và (d) Các yếu tố liên xuyên suốt và vấn đề phát triển.

Về Phần mở đầu, một số thành viên đã đề nghị rằng kết quả đàm phán thành công theo Đoạn 31(iii) phải mang lại thắng lợi cả ba mặt về thương mại, môi trường và phát triển cho các thành viên của WTO.

Cách tiếp cận về phạm vi đòi hỏi sự quan tâm cấp bách từ các thành viên. Hai đề xuất gần đây nhất bao gồm phương thức tiếp cận hỗn hợp và phương thức tiếp cận kết hợp đã được đưa ra trong nỗ lực kết nối các đề xuất khác nhau và có thể sẽ là điểm khởi đầu cho các cuộc thảo luận có cấu trúc về vấn đề phạm vi bao trùm.

Cách xử lý các vấn đề thuế quan và các rào cản phi thuế quan sẽ phụ thuộc vào cấu trúc cuối cùng. Việc cắt giảm và bãi bỏ các rào cản phi thuế quan (NTB) đối với thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường, chẳng hạn như tăng cường tính minh bạch, đã được đề cập đến. Về vấn đề đối xử đặc biệt và khác biệt cho các nước đang phát triển, đề xuất được nêu ra là các mức cắt giảm ít hơn, thời hạn thực thi muộn hơn và các hình thức linh hoạt khác. Các hình thức như miễn trừ và tự do hóa ít dòng thuế hơn cũng được dự kiến tới. Các nước kém phát triển và các nước nhỏ và dễ bị tổn thương được cân nhắc một số hình thức linh hoạt bổ sung.

Các yếu tố xuyên suốt bao gồm dịch vụ môi trường và vấn đề phát triển như các công nghệ môi trường. CTESS hiện đang làm việc tích cực về dịch vụ môi trường. Một lựa chọn là dự thảo văn kiện tham chiếu xuyên suốt tới các cam kết mở rộng về dịch vụ môi trường. Một lựa chọn khác là các cam kết về dịch vụ môi trường được liên kết với các hàng hóa môi trường trong tập hợp tham chiếu, hoặc trong các phân loại, hoặc với một danh mục hàng hóa môi trường được thỏa thuận. Các công nghệ môi trường cũng được nhấn mạnh như một yếu tố quan trọng và là một phần không tách rời của kết quả đàm phán.

WTO, 21/4/2011