Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2020 - Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

28/04/2021    580

Trong năm 2020, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về pháp lý trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Trung tâm WTO và Hội nhập – Ban Pháp chế tiếp tục được thực hiện trên 05 mảng cơ bản sau:

1. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và vận động chính sách hội nhập

Với vai trò đại diện, đầu mối hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp trong các vấn đề thương mại quốc tế, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do theo Quyết định 06/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2019, VCCI tiếp tục là đầu mối thông tin và tư vấn lớn nhất cho doanh nghiệp về WTO và các Hiệp định thương mại quan trọng mà Việt Nam đang tham gia với các hoạt động nổi trội sau:

  • Thực hiện 20 Khuyến nghị chính sách - Góp ý - Bình luận về các vấn đề hội nhập, trong đó đáng chú ý có:
    • Kiến nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA và EVIPA) trong tháng 5.2020;
    • Khuyến nghị về phương án đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) không có sự tham gia của Ấn Độ;
    • Góp ý Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế;
    • Góp ý Dự thảo Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết theo Hiệp định EVIPA;
    • Góp ý Dự thảo Nghị định Chứng nhận chủng loại Gạo thơm xuất khẩu theo EVFTA;
    • Góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư về Danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài;
    • Kiến nghị Chính phủ về hành động ứng phó với việc Hoa Kỳ điều tra về tiền tệ và gỗ bất hợp pháp theo Mục 301;
    • Góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện phòng vệ thương mại theo EVFTA;…
  • Tổ chức triển khai, tổng hợp 05 Báo cáo/Nghiên cứu về việc thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế, trong đó đáng chú ý có:
    • Báo cáo giám sát của VCCI về “Việc thực hiện các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mà Việt nam là thành viên” trình Quốc hội;
    • Báo cáo của VCCI về “Việc thực hiện Chỉ thị 38/CT-TTg về tăng cường thực thi hiệu quả các FTA đã có hiệu lực” gửi Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế;
    • Đánh giá sơ bộ tác động của việc gia nhập Công ước ILO số 87
    • Phân tích sơ lược tác động kinh tế của RCEP15
  • Biên soạn/biên tập và/hoặc phát hành 14 ấn phẩm (bản tin, cẩm nang doanh nghiệp), trong đó có:
    • Biên soạn và phát hành Cẩm nang doanh nghiệp “Tóm lược Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA)”;
    • Biên soạn nội dung Cẩm nang “CPTPP và Cơ hội thị trường Canada”
    • Cập nhật nội dung Cẩm nang doanh nghiệp “Quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam là thành viên”;
    • Biên soạn Sách nhỏ hướng dẫn về ATISA
    • Biên soạn Sổ tay đấu thầu gỗ hợp pháp cho người đấu thầu
    • Biên soạn và phát hành bản điện tử 03 Cẩm nang doanh nghiệp “Tổng hợp cam kết trong các FTA đối với các sản phẩm ngành Gỗ, ngành Chăn nuôi, ngành Thủy sản”;
    • Biên soạn và phát hành các Bản tin Quý “Doanh nghiệp và Tự do hóa thương mại”
  • Tiến hành 01 Khảo sát Doanh nghiệp về “Tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Ảnh hưởng của Dịch Covid-19 tới Doanh nghiệp” vào tháng 10-11/2020
  • Tổ chức/tham gia trình bày tại 30 sự kiện hội thảo, hội nghị về các vấn đề hội nhập, đặc biệt là EVFTA và các FTA thế hệ mới, trong đó có:
    • Tổ chức 02 Hội thảo “EVFTA – Những điều doanh nghiệp cần biết” tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tháng 9-10/2020
    • Tổ chức 02 Hội thảo “Phòng vệ thương mại – Công cụ bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập” tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tháng 10-11/2020
    • Tổ chức Khóa đào tạo về WTO, FTAs và quy tắc xuất xứ tại Hà Nội, tháng 9/2020
    • Tham gia trình bày tại Hội thảo: “Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam” tại Hà Nội, tháng 02/2020;
    • Tham gia trình bày tại Hội thảo “Khai thác thị trường du lịch outbound EU tận dụng EVFTA” tại Hà Nội, tháng 02/2020;
    • Tham gia trình bày tại Hội thảo “EVFTA và tác động tới hệ thống thuế Việt Nam” tại Hà Nội, tháng 3/2020;
    • Tham gia trình bày tại Tọa đàm “Hậu Covid - DN cần chuẩn bị gì để trở lại đường đua” tại Hà Nội, tháng 5/2020
    • Tham gia trình bày tại Talkshow “EVFTA – Chủ động để tận dụng lợi ích” tại Hà Nội, tháng 5/2020
    • Tham gia trình bày tại Hội thảo “EVFTA – Tìm cơ hội trong nghịch cảnh Covid” tại Hà Nội, tháng 6/2020
    • Tham gia trình bày tại Hội thảo “CPTPP và EVFTA: Sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp Việt” tại Hà Nội, tháng 7/2020
    • Tổ chức Buổi làm việc giữa Đoàn Giám sát của Quốc hội và doanh nghiệp về việc thực thi FTAs tại Hà Nội, tháng 7/2020
    • Tham gia trình bày tại Tọa đàm “EVFTA với công tác quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại” tại Hà Nội, tháng 7/2020
    • Tham gia trình bày tại Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt-Đức 2020 tại Hà Nội, tháng 11/2020
    • Tham gia trình bày tại Khóa Tập huấn nghiệp vụ cho công chức phụ trách thông tin đối ngoại địa phương – trung ương tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tháng 11-12/2020 
    • Tham gia trình bày về EVFTA trong Chương trình Kết nối kinh doanh của BNI tại Hà Nội, tháng 11/2020,…

2. Hỗ trợ doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan đến phòng vệ thương mại và các rào cản thương mại quốc tế khác

Đây là mảng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong những vấn đề nóng về pháp lý liên quan đến hội nhập kinh tế, đặc biệt là việc sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ cũng như các biện pháp bảo hộ thương mại nói chung tại Việt Nam và Thế giới.

Trong năm 2020, VCCI tiếp tục là đầu mối thông tin và tư vấn lớn nhất cho doanh nghiệp về phòng vệ thương mại ở Việt Nam. Đặc biệt, VCCI đã thực hiện cung cấp thông tin, hỗ trợ cho các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến 06 vụ việc đáng chú ý:

  • 02 điều tra phòng vệ thương mại trong nước (điều tra chống bán phá giá đối với Sợi polyester nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia; điều tra chống bán phá giá sản phẩm nhựa plastic nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia);
  • 03 điều tra phòng vệ thương mại tại thị trường nước ngoài: Điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá sản phẩm gỗ dán tại Hoa Kỳ, điều tra chống bán phá giá sản phẩm gỗ tấm MDF tại Ấn Độ; điều tra chống bán phá giá gạch men tại Đài Loan
  • 01 rào cản thương mại ở nước ngoài (vụ việc Indonesia yêu cầu các DN xuất nhập khẩu phải sử dụng dịch vụ vận tải biển, bảo hiểm nội địa)

3. Cung cấp thông tin, đào tạo, tư vấn và các hỗ trợ khác về hội nhập

Đây là mảng hỗ trợ hội nhập chung của Trung tâm WTO và Hội nhập. Với 03 Cổng thông tin điện tử (về hội nhập WTO-FTA, phòng vệ thương mại và AEC), các hoạt động thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và tư vấn trực tiếp doanh nghiệp, VCCI hiện đang là đầu mối cung cấp thông tin và tư vấn về hội nhập kinh tế quốc tế chuyên sâu và có uy tín

  • 03 Cổng thông tin của Trung tâm, đầu mối cung cấp thông tin pháp lý về hội nhập lớn nhất Việt Nam cho các hiệp hội, doanh nghiệp:
    • Cổng thông tin về các thỏa thuận và chính sách thương mại với 02 phiên bản: www.trungtamwto.vn (Tiếng Việt)/ www.wtocenter.vn (Tiếng Anh);
    • Cổng thông tin về các biện pháp phòng vệ thương mại với 02 phiên bản www.chongbanphagia.vn (Tiếng Việt)/ www.antidumping.vn (Tiếng Anh); và
    • Cổng thông tin về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)  với 02 phiên bản www.aecvcci.vn (tiếng Việt) www.en.aecvcci.vn (tiếng Anh)

Trong 11 tháng đầu năm 2020, đã có trên 2.183.000 lượt truy cập vào 06 phiên bản của 03 Cổng thông tin nói trên, với trung bình 10 tin bài được đăng mới mỗi ngày. Tổng cộng tính từ khi thiết lập, đã có trên 67 triệu lượt truy cập vào các Cổng thông tin này.

  • Tham gia 35 talkshow, phỏng vấn, viết bài trên các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về hội nhập
    • Các talkshow, trả lời phỏng vấn VTV1, VTV2, VOV1 Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Truyền hình Nhân dân, Truyền hình TTXVN…
    • Các bài viết, trả lời phỏng vấn các báo Diễn đàn doanh nghiệp, Đầu tư, Công Thương, Tài chính, Tuổi trẻ, Giao thông, Thời báo Kinh tế Sài Gòn…
  • Thực hiện hàng trăm lượt tư vấn doanh nghiệp qua điện thoại, email…

4. Thực hiện các Chương trình, Dự án

Trong năm 2020, Trung tâm triển khai 05 Chương trình lớn, gồm:

  • 03 Chương trình thuộc ngân sách Nhà nước, bao gồm:
    • Chương trình thực hiện nhiệm vụ được giao trong Quyết định 06/2012/QĐ-TTg về tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào các đàm phán mở cửa thương mại; 
    • Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đối phó với các rào cản thương mại ở các thị trường trọng điểm trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại đang gia tăng;
    • Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khai thác triệt để các cơ hội từ CPTPP, EVFTA và các Hiệp định Thương mại Tự do thế hệ mới
  • 04 Chương trình từ nguồn khác:
    • Dự án “Hỗ trợ kỹ thuật cho Chương trình ARISE+ tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ, VCCI liên danh với Human Dynamics và 2 đối tác khác thực hiện;
    • Hoạt động “Hỗ trợ tăng cường cơ sở pháp lý và hướng dẫn triển khai mua sắm công gỗ hợp pháp theo VPA/FLEGT trong hoạt động đấu thầu ở Việt Nam” - Hợp tác giữa VCCI và Forest Trends; 
    • Hoạt động “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA EVIPA qua Cẩm nang Tóm lược tổng thể Hiệp định” – Hợp tác VCCI và FNF; 
    • Hoạt động xây dựng Báo cáo "Một năm thực thi CPTPP của doanh nghiệp Việt Nam – Đánh giá Nhận thức, Năng lực, Kết quả và Kỳ vọng" do Đại sứ quán Úc tại Việt Nam tài trợ trong khuôn khổ chương trình Aus4Reform.

5. Tư vấn, tham mưu, hỗ trợ chuyên môn về các vấn đề pháp lý trong hội nhập cho Ban Thường trực VCCI và các đơn vị trực thuộc VCCI

Trung tâm WTO và Hội nhập là đầu mối tham vấn cho Ban Thường trực và các Ban, Đơn vị Chi nhánh, Văn phòng đại diện của VCCI về tất cả các vấn đề liên quan tới cam kết, đàm phán và thực thi WTO, FTA và các Điều ước quốc tế liên quan tới thương mại khác