Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2018 - Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI

07/02/2020    203

Trong năm 2018, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về pháp lý trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Trung tâm WTO tiếp tục được thực hiện trên 05 mảng cơ bản sau:

1. Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về các Hiệp định thương mại tự do: Với vai trò đại diện, đầu mối hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp trong các vấn đề thương mại quốc tế, đặc biệt là các Hiệp định thương mại tự do (FTA) theo (i) Quyết định 06/2012/QĐ-TTg về tham vấn doanh nghiệp trong các đàm phán mở cửa thương mại, (ii) Chỉ thị 38/CT-TTg 18/10/2017 về tăng cường giải pháp tận dụng hiệu quả các FTA đã có hiệu lực; (iii) Chỉ thị 26/CT-TTg ngày 4/9/2018 về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực, hiệu quả, trong năm 2018, Trung tâm WTO và Hội nhập tiếp tục là đầu mối thông tin và tư vấn lớn nhất cho doanh nghiệp về WTO và các Hiệp định thương mại quan trọng mà Việt Nam đang tham gia với các hoạt động nổi trội sau:

  • Hoàn thiện biên soạn/biên tập 09 ấn phẩm, cẩm nang doanh nghiệp trong đó nổi bật là các Cẩm nang doanh nghiệp: i) Tóm lược Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ii) Quy tắc xuất xứ trong các FTA mà Việt Nam là thành viên, iii) Những vấn đề cơ bản nhất về các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA).
  • Tham gia phổ biến tuyên truyền tại 23 sự kiện hội thảo, hội nghị về các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia: CPTPP, ACFTA-AHKFTA, EVFTA…;
  • Thực hiện 20 bản Góp ý - Bình luận - Nghiên cứu về các vấn đề hội nhập: trong đó đáng kể có Khuyến nghị chính sách về việc thúc đẩy tiến trình EVFTA; Góp ý dự thảo Hiệp định VPA-FLEGT; Góp ý Dự thảo Tờ trình về việc phê chuẩn CPTPP và Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch hành động thực hiện CPTPP; Nghiên cứu Tự do hóa thương mại dịch vụ của Việt Nam; Nghiên cứu các rào cản phi thuế quan đối với trái cây Việt Nam xuất khẩu sang EU…
  • Thực hiện Chiến dịch truyền thông về CPTPP nhân sự kiện Hiệp định này được ký chính thức ký kết (tháng 3/2018), chuẩn bị có hiệu lực (sau khi đủ 6 nước phê chuẩn Hiệp định tháng 10/2018), và Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 phê chuẩn CPTPP (tháng 11/2018)
  • Thực hiện Chiến dịch vận động về EVFTA để đẩy nhanh tiến độ rà soát pháp lý, tiến tới ký kết và phê chuẩn EVFTA (thông qua các khuyến nghị chính sách, các hoạt động truyền thông)

2. Hỗ trợ doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan đến phòng vệ thương mại: Đây là mảng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong những vấn đề nóng về pháp lý liên quan đến hội nhập kinh tế, đặc biệt là việc sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ cũng như các biện pháp bảo hộ thương mại nói chung tại Việt Nam và Thế giới. Trong năm 2018, Trung tâm WTO và Hội nhập đã thực hiện cung cấp thông tin, hỗ trợ cho các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến 13 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại ở nước ngoài và trong nước; thực hiện 02 góp ý hoàn thiện pháp luật nội địa về Phòng vệ thương mại (Dự thảo Thông tư về Phòng vệ thương mại và Đề án Cảnh báo sớm trong phòng vệ thương mại); thực hiện 01 nghiên cứu về xu hướng bảo hộ thương mại quốc tế.

3. Cung cấp thông tin, đào tạo, tư vấn và các hỗ trợ khác về hội nhập: Đây là mảng hỗ trợ hội nhập chung của Trung tâm WTO và Hội nhập. 03 Cổng thông tin của Trung tâm, đầu mối cung cấp thông tin pháp lý về hội nhập lớn nhất Việt Nam cho các hiệp hội, doanh nghiệp:

  • Cổng thông tin về các thỏa thuận và chính sách thương mại với 02 phiên bản: www.trungtamwto.vn (Tiếng Việt)/ www.wtocenter.vn (Tiếng Anh);
  • Cổng thông tin về các biện pháp phòng vệ thương mại với 02 phiên bản www.chongbanphagia.vn (Tiếng Việt)/ www.antidumping.vn (Tiếng Anh); và
  • Cổng thông tin về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)  với 02 phiên bản www.aecvcci.vn (tiếng Việt) www.en.aecvcci.vn (tiếng Anh)

Tính đến hết tháng 12/2018, đã có tổng cộng hơn 61 triệu lượt truy cập; chỉ tính riêng trong năm 2018 tổng số lượt truy cập đạt hơn 15 triệu lượt truy cập; với trung bình 10 tin bài được đăng mới mỗi ngày;

Đồng thời, Trung tâm cũng đã biên soạn và phát hành 04 bản tin; thực hiện hàng trăm lượt tư vấn doanh nghiệp qua điện thoại, email…

  •  

4. Thực hiện các Chương trình, Dự án: Đây là nhóm hoạt động có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp, hiệp hội trong việc cải thiện quá trình tham gia xây dựng chính sách thương mại quốc tế. Các hoạt động này được hỗ trợ bởi Ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao cho VCCI hoặc do Trung tâm WTO và Hội nhập chủ động tìm kiếm nhằm tận dụng các nguồn lực từ các đơn vị tài trợ cho các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập của VCCI.

Trong năm 2018, Trung tâm triển khai:

  • 02 Chương trình thuộc ngân sách Nhà nước, bao gồm: (i) Chương trình thực hiện nhiệm vụ được giao trong Quyết định 06/2012/QĐ-TTg về tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp vào các đàm phán mở cửa thương mại; và (ii)Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA.
  • 01 Dự án từ nguồn khác:Dự án “Nghiên cứu Chính sách và Thực tiễn mua sắm công đối với sản phẩm gỗ ở Việt Nam” từ tháng 9/2018 đến tháng 4/2019 – Hợp tác giữa VCCI và Forest Trends

5. Tư vấn, tham mưu, hỗ trợ chuyên môn về các vấn đề pháp lý trong hội nhập cho Ban Thường trực VCCI và các đơn vị trực thuộc VCCI: Trung tâm WTO và Hội nhập là đầu mối tham vấn cho Ban Thường trực và các Ban, Đơn vị Chi nhánh, Văn phòng đại diện của VCCI về tất cả các vấn đề liên quan tới cam kết, đàm phán và thực thi WTO, FTA và các Điều ước quốc tế liên quan tới thương mại khác.