Thách thức từ việc thực thi CBAM của Anh đối với xuất khẩu của Việt Nam?
Mặc dù Vương quốc Anh vẫn còn là thị trường khiêm tốn, dư địa thị trường này với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nói chung và các nhóm sản phẩm CBAM nói riêng được đánh giá là còn rất khả quan trong bối cảnh hàng hóa xuất khẩu Việt Nam mới chỉ chiếm thị phần khoảng 1,16% tổng nhập khẩu của thị trường này (số liệu năm 2023, ITC Trademap). Sắt thép, nhóm sản phẩm CBAM có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Vương quốc Anh của Việt Nam, cũng chỉ mới chiếm chưa đầy 2,7% thị phần nhập khẩu sản phẩm này của Vương quốc Anh.
Do đó, việc thị trường này dự kiến áp dụng CBAM từ đầu năm 2027 chắn chắn sẽ có tác động đáng kể tới tương lai xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, mà trước hết là với các sản phẩm CBAM.
Dù cơ chế CBAM cụ thể của Vương quốc Anh vẫn đang trong quá trình xây dựng soạn thảo, chưa có các nội dung chi tiết cụ thể, từ các định hướng cơ bản mà chính phủ Anh dự kiến, có thể thấy cơ chế này một khi được áp dụng tạo ra một số các thách thức chủ yếu sau đây với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam:
- Thách thức về thay đổi nhận thức:
Trong so sánh với CBAM của EU, thông tin về CBAM của Anh ở Việt Nam dường như hạn chế hơn hẳn. Không ít doanh nghiệp đã từng nghe nói tới CBAM của EU ngay từ khi chính sách này mới được đề cập, tuy nhiên số biết về việc Anh sẽ áp dụng CBAM chính thức luôn từ năm 2027 thì lại rất ít.
Trong khi đó khác với CBAM của EU, CBAM của Anh dự kiến sẽ được áp dụng toàn phần (với cả nghĩa vụ khai báo và nghĩa vụ nộp thuế) luôn từ 01/01/2027 mà không có giai đoạn chuyển tiếp để các đối tượng làm quen dần như lộ trình CBAM của EU (theo đó 01/10/2023-31/12/2025 là giai đoạn EU chỉ yêu cầu các chủ thể thực hiện nghĩa vụ khai báo mà chưa phải nộp bất kỳ khoản tiền/chứng chỉ CBAM nào).
Do đó, cần thiết phải tăng cường truyền thông nhiều hơn để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này trong các lĩnh vực hàng hóa CBAM liên quan để chuẩn bị sẵn tâm thế, nguồn lực cho việc thực hiện quy định này.
- Thách thức về năng lực tuân thủ:
Mặc dù chưa được quy định một cách đầy đủ, chỉ nhìn vào tiền lệ về CBAM của EU, CBAM của Vương quốc Anh chắc chắn sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải tổng hợp, cung cấp thông tin cụ thể về quá trình sản xuất sản phẩm CBAM và lượng phát thải khí nhà kính từ quá trình này (phát thải trực tiếp), hoặc thậm chí từ quá trình sản xuất ra năng lượng điện sử dụng trong quá trình này (phát thải gián tiếp), làm cơ sở cho việc tính toán mức phí CBAM cho lô hàng liên quan. Đây là công việc không dễ dàng, đòi hỏi các tư vấn cụ thể từ các đơn vị chuyên môn với các chi phí ban đầu có thể rất đáng kể.
Ngoài ra, nhiều nội dung khai báo đòi hỏi hệ thống quản lý dữ liệu khoa học, minh bạch cũng như sự phối hợp nhịp nhàng giữa các chủ thể khác nhau trong chuỗi sản xuất trong nội bộ của doanh nghiệp hoặc giữa doanh nghiệp với các nhà cung cấp khác (đặc biệt là đơn vị bán điện trong trường hợp khai báo phát thải gián tiếp). Không nhiều doanh nghiệp có sẵn một hệ thống quản trị và kết nối đáp ứng các điều kiện này. Do đó việc tuân thủ được dự kiến là sẽ khá phức tạp, không chỉ cần nguồn kinh phí đáng kể mà còn cả năng lực thiết kế và vận hành hệ thống theo dõi, thống kê và quản trị phát thải phù hợp.
- Thách thức về vị thế cạnh tranh và năng lực chuyển đổi:
Khi được áp dụng, với các khoản phí CBAM phải nộp căn cứ vào lượng phát thải khí nhà kính của từng lô hàng CBAM, vị thế cạnh tranh của các nhà cung cấp sẽ thay đổi tùy thuộc vào mức độ chuyển đổi sản xuất và khả năng giảm lượng phát thải ròng. Điều này khiến cạnh tranh để thu hút các đơn hàng CBAM vào Anh sẽ khắc nghiệt hơn, đồng thời khó đoán định hơn đáng kể.
Đồng thời, doanh nghiệp muốn có được lợi thế cạnh tranh ở khía cạnh này sẽ buộc phải xanh hóa quá trình sản xuất với mục tiêu giảm thiểu lượng khí phát thải ròng trong chu trình sản xuất ra sản phẩm. Chi phí và năng lực công nghệ để chuyển đổi xanh luôn là thách thức với đa số các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI