Tại sao phải chuẩn bị sẵn sàng để tuân thủ CBAM của Anh?
việc chuẩn bị để sẵn sàng tuân thủ các quy định CBAM khi cơ chế này chính thức được áp dụng ở Vương quốc Anh không chỉ quan trọng và cấp thiết đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm liên quan nhằm xuất khẩu sang thị trường này mà còn có ý nghĩa ở phạm vi rộng hơn:
- Thứ nhất, về mặt thị trường, Vương quốc Anh không phải thị trường đầu tiên thực hiện CBAM (trước Anh đã có Liên minh châu Âu), cũng không phải thị trường cuối cùng dự kiến sẽ triển khai CBAM (bên cạnh Anh, nhiều thị trường quan trọng hoặc có tiềm năng lớn của xuất khẩu Việt Nam khác như Hoa Kỳ, Australia, Canada… cũng đang xem xét để triển khai CBAM đối với hàng hóa nhập khẩu. Do đó, sẵn sàng cho CBAM (dù là của EU hay của Anh) cũng sẽ giúp doanh nghiệp làm quen và có thể xuất khẩu bền vững sang các thị trường tương tự.
- Thứ hai, trong định hướng xa hơn, với các mục tiêu trung hòa phát thải khí nhà kính ngày càng áp lực, có khả năng các cơ chế như CBAM của Anh hay EU sẽ được mở rộng ra nhiều loại sản phẩm khác mà các nước này xếp vào nhóm gây phát thải cao, trong đó có những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (như dệt may, giày dép, vật liệu xây dựng…). Như vậy, việc tìm hiểu về CBAM có thể là bước chuẩn bị quan trọng cho các ngành sản xuất xuất khẩu khác của Việt Nam để tiếp tục xuất khẩu bền vững sang các thị trường như EU, Anh hay các thị trường phát triển khác.
Trong một tương lai xa hơn, việc chuyển đổi xanh để ứng phó với CBAM hoặc các quy định tương tự mà được dự báo là sẽ tiếp tục được ban hành và thực thi ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam sẽ là đòi hỏi thường xuyên, liên tục đối với các doanh nghiệp xuất khẩu không chỉ trong các lĩnh vực CBAM mà cả các ngành có mức độ phát thải cao.
Trên thực tế, đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa CBAM nói riêng và doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu nói chung của Việt Nam, chuyển đổi xanh là một thách thức lớn cả về chi phí, công nghệ và nguồn nhân lực. Thách thức như vậy không thể thực hiện chỉ trong một sớm một chiều mà cần sự chuẩn bị và đầu tư lâu dài của doanh nghiệp cùng với sự hỗ trợ về chính sách của các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan.
Mặc dù vậy, nhìn về dài hạn, việc chuyển đổi xanh hiệu quả có thể giúp doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu hàng hóa CBAM có những cơ hội thị trường nhất định, ví dụ:
- Cơ hội mở rộng thị phần ở thị trường Anh, EU và các thị trường khác thông qua các lợi thế trong “cạnh tranh về lượng phát thải ròng”, thu hút các nhà nhập khẩu bằng phí CBAM thấp và khả năng kiểm soát tốt hơn giá cả của hàng hóa CBAM (do không bị ảnh hưởng quá lớn bởi phí CBAM vốn biến động theo giá thị trường).
- Cơ hội tiếp cận bền vững các thị trường có khả năng sẽ áp dụng CBAM trong tương lai không xa (Hoa Kỳ, Canada, Australia…).
- Cơ hội tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của chính các doanh nghiệp sau khi đã chuyển đổi xanh (đặc biệt là các tiết giảm liên quan tới chi phí năng lượng, kiểm soát chuỗi sản xuất, tối đa hóa hiệu suất kinh doanh).
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI