Tại sao Vương quốc Anh xây dựng Cơ chế CBAM?
Là một trong những nền kinh tế tích cực triển khai các hành động nhằm giảm thiểu phát thải carbon, qua đó đạt được trung hòa về phát thải (net zero), Vương quốc Anh (“Anh”) đã thực hiện Cơ chế Thương mại Phát thải (ETS) đối với việc sản xuất một số loại hàng hóa là nguồn phát thải khí nhà kính cao trên lãnh thổ nước này.
Tuy nhiên, cũng như Liên minh châu Âu (EU) nơi có hệ thống ETS tương tự, chính phủ Anh lo ngại rằng việc thực hiện ETS ở Anh có thể dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp Anh chuyển sản xuất ra nước ngoài, nơi không có các quy định tương ứng về ETS để tránh các chi phí liên quan và sau đó nhập khẩu ngược trở lại Anh các sản phẩm này (còn gọi là tình trạng “rò rỉ carbon”). Nếu tình trạng này xảy ra, các nỗ lực để giảm thiểu phát thải carbon trên phạm vi toàn cầu sẽ bị vô hiệu hóa, đồng thời có thể làm chùn bước các nỗ lực đầu tư (đặc biệt là của khu vực tư nhân) vào quá trình này. Trong khi đó, các giải pháp hợp tác toàn cầu (giữa Anh với các nền kinh tế khác) để xử lý vấn đề rò rỉ carbon cần nhiều thời gian để đạt được các bước tiến nhất định. Trong bối cảnh này, Chính phủ Anh quyết định nghiên cứu áp dụng các giải pháp riêng của mình nhằm góp phần chủ động xử lý tình trạng rò rỉ carbon trước khi có các giải pháp toàn diện hơn ở tầm quốc tế.
Hệ thống Thương mại Phát thải (ETS) của Vương quốc Anh Hệ thống Thương mại Phát thải (Emissions Trade System) của Vương quốc Anh bắt đầu thực hiện từ 01/01/2022, thay thế cho hệ thống ETS của EU mà trước đó Vương quốc Anh đã áp dụng khi còn là thành viên EU. Hệ thống này áp dụng cả cho phần điện năng sản xuất tại Bắc Ai-len. Hệ thống này yêu cầu các chủ thể liên quan xác định tổng lượng khí nhà kính phát thải, thiết lập mức phát thải ròng miễn phí với lộ trình giảm dần và tạo ra thị trường carbon để mua bán quyền phát thải ròng giữa các chủ thể có lượng phát thải ròng vượt quá mức miễn phí với các chủ thể dư thừa. Giá mua bán quyền phát thải ròng giữa các chủ thể là giá thị trường. Mức phát thải ròng miễn phí (free allowances) sẽ được giảm dần theo lộ trình phù hợp với kế hoạch thực hiện trung hòa phát thải của Vương quốc Anh (kế hoạch là giảm 45% trong khoảng 2023-2027). Với hệ thống này, các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng thúc đẩy các tính toán chi phí-lợi ích trong giảm thiểu phát thải carbon của doanh nghiệp (do nếu không cắt giảm thì chi phí sản xuất của doanh nghiệp sẽ tăng lên). |
Tháng 12/2023, sau khi phân tích các kết quả từ cuộc tham vấn “Giải pháp xử lý nguy cơ rò rỉ carbon để thúc đẩy quá trình giảm phát thải carbon” thực hiện từ tháng 3-6/2023, Chính phủ Vương quốc Anh đã công bố các dự kiến cơ bản về việc áp dụng Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (CBAM) của Vương quốc Anh, theo đó CBAM sẽ chính thức áp dụng ở Anh từ năm 2027, bắt đầu với những sản phẩm có mức độ phát thải khí nhà kính cao nhất. Mặc dù chưa có các nội dung chi tiết, CBAM của Vương quốc Anh được cho là sẽ có mô hình tương tự như CBAM của Liên minh châu Âu, thậm chí có phạm vi rộng hơn, bao trùm nhiều sản phẩm hơn.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI