Tính chất và phạm vi của Cơ chế CBAM Anh?
Cơ chế CBAM mà Vương quốc Anh dự kiến áp dụng từ năm 2027 được thiết kế theo hướng áp dụng một khoản tiền lên hàng hóa thuộc diện điều chỉnh nhập khẩu vào Vương quốc Anh căn cứ vào mức độ phát thải khí nhà kính trong quá trình sản xuất ra hàng hóa đó tại nước xuất khẩu.
Về chủ thể chịu trách nhiệm, người chịu trách nhiệm trả khoản tiền theo CBAM là nhà nhập khẩu hàng hóa thuộc diện điều chỉnh của CBAM. Mức tiền phải trả được xác định cho từng lô hàng nhập khẩu, căn cứ vào mức độ phát thải carbon của lô hàng cụ thể đó. Khác với CBAM của EU, CBAM của Vương quốc Anh không liên quan tới việc mua bán chứng chỉ phát thải.
Về phạm vi hàng hóa thuộc diện áp dụng, mặc dù chưa xác định danh mục hàng hóa cụ thể (theo mã HS), Chính phủ Anh đã thống nhất áp dụng CBAM cho hàng hóa thuộc 07 nhóm gồm Nhôm (Aluminium), Xi măng (Cement), Gốm sứ (Ceramics), Phân bón (Fertiliser), Thủy tinh (Glass), Khí hydro (Hydrogen) và Sắt thép (Iron and steel).
Như vậy, so sánh với CBAM của EU, CBAM của Vương quốc Anh không áp dụng cho sản phẩm điện, nhưng lại bao gồm hai nhóm sản phẩm rất phổ biến là gốm sứ và thủy tinh. Từ góc độ xuất khẩu Việt Nam, một khi CBAM của Vương quốc Anh được áp dụng, mức độ và diện tác động của cơ chế này đối với xuất khẩu Việt Nam sẽ cao hơn đáng kể so với CBAM của EU do Việt Nam không xuất khẩu điện sang EU hay Anh trong khi các sản phẩm gốm sứ hay thủy tinh, đặc biệt là sản phẩm sử dụng trong xây dựng, lại có lượng xuất khẩu tương đối lớn.
Về hình thức của hàng hóa CBAM, tương tự như EU, chính phủ Anh xác định các hàng hóa này có thể dưới các dạng khác nhau, miễn là thuộc danh mục hàng hóa là đối tượng điều chỉnh của CBAM. Do đó, hàng hóa có thể là thành phẩm, nguyên liệu, bộ phận, năng lượng (điện, nhiệt…) được sản xuất hoặc xử lý để bán.
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI