Xuất khẩu của Việt Nam trước các thách thức từ Chiến lược CSS?
Hóa chất hiện diện trong hầu khắp các sản phẩm tiêu dùng, do đó phạm vi tác động của Chiến lược CSS là rất sâu rộng, bao gồm nhiều sản phẩm từ đồ chơi, đồ chăm sóc trẻ em đến vật liệu tiếp xúc thực phẩm, mỹ phẩm, đồ nội thất, sản phẩm điện tử và hàng dệt may… Điều này đòi hỏi các ngành/doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm liên quan buộc phải “chuyển đổi xanh” theo các định hướng tại CSS để có thể tiếp tục xuất khẩu sang thị trường EU.
Ngoài ra, với kế hoạch hành động trong Chiến lược rất cụ thể/bao trùm nhiều giai đoạn của quá trình sản xuất, tiêu thụ (từ thiết kế, sử dụng, ghi nhãn hóa chất, phân phối…) các sản phẩm sử dụng và/hoặc tiếp xúc với hóa chất, chuyển đổi xanh để đáp ứng CSS đòi hỏi những bước đi toàn diện, tổng thể. Điều này đòi hỏi nỗ lực và chi phí chuyển đổi lớn lớn cho nhiều ngành sản xuất của Việt Nam, nhất là trong các khía cạnh:
- Hoạt động nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm thân thiện, không hóa chất độc hại ngay từ khâu thiết kế (thay thế các hóa chất độc hại bằng các chất an toàn khác)
- Hoạt động tái cơ cấu và chuyển đổi công nghệ, dây chuyền sản xuất đáp ứng các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, bao bì đóng gói, ghi nhãn hóa chất…
- Đảm bảo thực hiện việc sử dụng, đăng ký hóa chất theo đúng quy định của EU.
Và để thực hiện hiệu quả hoạt động các hoạt động nêu trên, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam cần tìm hiểu chi tiết từng bước đi/hành động của EU trong việc triển khai Chiến lược này, thông qua việc:
- Tìm hiểu và thường xuyên cập nhật về các thay đổi chính sách của EU liên quan tới hóa chất (ban hành mới, sửa đổi/bổ sung nhiều quy định liên quan).
- Nghiên cứu kỹ các quy định (đang lấy ý kiến tham vấn, đang ở dạng dự thảo hoặc đã ban hành) trong khuôn khổ Chiến lược CSS để có tầm nhìn, định hướng và/hoặc để xác định các yêu cầu cụ thể đối với các sản phẩm xuất khẩu của mình, từ đó có sự chuẩn bị và điều chỉnh phù hợp, kịp thời, không quá sớm (gây tốn kém, lãng phí, ảnh hưởng tới giá thành và năng lực cạnh tranh của sản phẩm), nhưng cũng không quá muộn (có thể làm mất khả năng tiếp cận thị trường khi các quy định có hiệu lực chính thức).
- Tính tới chiến lược chuyển đổi xanh trong sản xuất, xuất khẩu trong tương lai xa hơn để có thể đi trước, khai thác thị trường các sản phẩm xanh, bền vững tại EU, cũng như các khu vực khác.
Chiến lược CSS với các kế hoạch hành động cụ thể đặt ra nhiều thách thức chuyển đổi cho doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, xét trong lâu dài, chuyển đổi xanh theo CSS cũng được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích nhất định cho Việt Nam, cụ thể:
- Giảm thiểu tác động xấu của hóa chất đối với sức khỏe con người và môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống và nâng cao điều kiện làm việc cho người lao động.
- Tạo động lực thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài từ quá trình chuyển đổi sản xuất xuất, thiết lập các dây chuyền sản xuất mới và mở ra các cơ hội thị trường mới từ quá trình này.
Trên thực tế, hầu hết các chính sách/yêu cầu mới liên quan chỉ mới đang ở giai đoạn đề xuất/dự thảo, cơ bản chưa làm thay đổi hiện trạng các yêu cầu pháp lý mà xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam phải tuân thủ. Do đó, các nhà sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm thuộc diện điều chỉnh của Chiến lược CSS vẫn còn thời gian để chuẩn bị cho sự thay đổi mà xa hơn là thích ứng và tận dụng cơ hội từ xu hướng chuyển đổi xanh của EU nói riêng và thị trường xuất khẩu thế giới nói chung (không chỉ EU mà nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Anh, Australia, Canada cũng đang có những động thái tương tự).
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI