Tại sao EU lại áp dụng CBAM?
CBAM là một trong các chính sách điển hình của EU nhằm thúc đẩy chuyển đổi sản xuất xanh, hướng tới mục tiêu trung hòa phát thải khí nhà kính (net-zero) của khu vực này.
EU áp dụng CBAM cho hàng hóa nước ngoài nhập khẩu như là một chính sách song hành với Hệ thống Thương mại Phát thải (Emissions Trading System – ETS) mà EU đang áp dụng cho hàng hóa sản xuất trong nội địa EU với cùng tính chất tương tự.
Hệ thống Thương mại Phát thải (ETS) của EU ETS là cơ chế mua bán quyền phát thải khí nhà kính của EU, áp dụng cho một số loại hàng hóa sản xuất ở EU có mức độ phát thải gây ô nhiễm cao. Trong ETS, EU đặt ra các mức hạn ngạch phát thải cho việc sản xuất một số loại hàng hóa trên lãnh thổ EU (gọi là hạn ngạch miễn phí). Đối với mỗi tấn khí nhà kính phát thải trong quá trình sản xuất hàng hóa đó vượt quá hạn ngạch miễn phí, nhà sản xuất EU sẽ phải mua hạn ngạch còn thừa từ các nhà sản xuất khác hoặc trả một khoản tiền theo giá carbon trên thị trường. Mức hạn ngạch miễn phí sẽ giảm dần theo năm, tiến tới hoàn toàn không còn hạn ngạch miễn phí (dự kiến là từ năm 2034) theo lộ trình mục tiêu loại bỏ phát thải ròng khí nhà kính của EU. |
EU cho rằng việc áp dụng ETS ở EU có thể dẫn tới tình trạng doanh nghiệp EU chuyển sản xuất ra ngoài lãnh thổ EU để tránh phí ETS, sau đó lại nhập khẩu hàng hóa trở lại EU. EU gọi đây là tình trạng “rò rỉ carbon”, hiện tượng làm vô hiệu hóa mục tiêu trung hòa khí nhà kính của EU cũng như nỗ lực xanh hóa sản xuất toàn cầu. Vì vậy EU áp dụng CBAM để ngăn chặn tình trạng “rò rỉ carbon” này.
Tuy nhiên, trên thực tế CBAM áp dụng cho một số hàng hóa cụ thể sản xuất ở nước ngoài không phụ thuộc vào nguồn gốc sở hữu của nhà sản xuất (có phải là do doanh nghiệp EU chuyển sản xuất ra nước ngoài hay không).
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI